Chuyện “xài nhạc chùa”
Cần thêm hàng rào trong sở hữu trí tuệ | |
Vi phạm bản quyền âm nhạc: Không lẽ cứ để “biết rồi, nói mãi!” | |
Tìm hướng quản lý bản quyền thời 4.0 |
Gần đây, một vụ “xài nhạc chùa” gây xôn xao, đó là phim “Ngôi nhà bươm bướm” do đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh thực hiện đã tùy tiện lấy ca khúc “Mãi mãi bên nhau” của ca sĩ Noo Phước Thịnh để ghép phim mà chưa được sự đồng ý. Noo Phước Thịnh và nhiều nghệ sĩ khác bức xúc. Phước Thịnh cho rằng, bản thu của anh được sử dụng ở phần credit, đồng nghĩa anh đang tham gia hát nhạc phim cho dự án. Thực tế thì không có bất cứ sự hợp tác nào giữa đôi bên.
Cảnh phim Ngôi nhà bươm bướm |
Noo Phước Thịnh thông qua luật sư gửi đơn yêu cầu nhà sản xuất phải gỡ bỏ bản ghi âm bài hát “Mãi mãi bên nhau” ra khỏi bộ phim “Ngôi nhà bươm bướm”; bồi thường số tiền 500 triệu đồng và xin lỗi công khai đối với người bị vi phạm bản quyền. Đây là một cái giá quá đắt đối với những người làm phim, khi tùy tiện sử dụng sản phẩm văn hóa của người khác.
Trước đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung gửi đơn khiếu nại tới Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Theo khiếu nại của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, ca khúc “Nhật ký của mẹ” (cả phần nhạc và phần lời) đã được sử dụng trong tập 19 của bộ phim “Quỳnh Búp Bê” mà chưa có sự đồng ý của tác giả. Đại diện đơn vị làm phim “Quỳnh Búp Bê” đã xin lỗi nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Từ ca khúc “Nhật ký của mẹ”, VCPMC còn phát hiện thêm bài hát “Nối vòng tay lớn” cũng được sử dụng trong tập 19 của “Quỳnh Búp Bê” mà chưa xin phép.
Tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc, hình ảnh của các đoàn làm phim đang diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất phim khi bị phát hiện vi phạm đều nói là “không hiểu luật” rồi xin lỗi và thương lượng để được yên thân. Còn các chủ sở hữu cũng không muốn kiện tụng vì sợ mất thời gian hay ảnh hưởng đến mối quan hệ đôi bên. Nguyên nhân vì sao vậy? Thứ nhất, đa số người nắm giữ tác quyền chưa hiểu đầy đủ về quyền lợi của mình. Bởi tâm lý chung của chính đội ngũ sáng tạo nghệ thuật đang gặp phải là thờ ơ với “kẻ gian” hoặc chịu đựng nạn xâm phạm, hoặc chưa có điều kiện để tiếp cận cũng như phát hiện trong trường hợp bị xâm phạm. Mặt khác, các tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả cũng chưa có ý thức liên kết với nhau để bảo vệ lợi ích. Về phía nhà sản xuất, cũng bởi tâm lý “tiết kiệm” nên họ đã sử dụng và cố tình lờ đi chuyện mua bản quyền, hoặc xin phép. Bởi nhiều bộ phim có nhiều phối cảnh cần sử dụng âm nhạc, nếu cứ đi mua tác quyền thì số vốn đội lên. Bởi vậy họ sẵn sàng vi phạm để tiết kiệm chi phí. Thời gian qua, một số bộ phim như “Cả một đời ân oán”, “Hôn nhân trong ngõ hẹp”… chiếu trên VTV đã vi phạm tác quyền âm nhạc. Theo không ít chuyên gia, hành vi sử dụng tác phẩm của người khác không xin phép, không mua bản quyền là ăn cắp, chứ không phải là chuyện tiết kiệm, giảm chi phí sản xuất. Bởi thế rất cần sự nghiêm túc, rút kinh nghiệm của các nhà làm phim. Họ ngoài phải chịu trách nhiệm về hành vi thì còn phải bồi thường cho người bị hại, xin lỗi khán giả.
Làng giải trí đã phát triển. Công nghệ sản xuất phim truyền hình cũng phát triển, nhưng vấn đề bản quyền rõ ràng chưa thật sự được nâng cao. Hiện tượng vi phạm bản quyền như vậy là cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, thiếu tôn trọng nghệ sĩ và công chúng. Nó cho thấy tư duy chộp giật, thiếu nghiêm túc của người sản xuất. Bởi người sản xuất biết rằng, trong bối cảnh xã hội thông tin thế này, việc tìm ra những sơ hở cũng như thiếu sót trong hoạt động sản xuất phim ảnh đều khá dễ dàng.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, người nghệ sĩ cần đăng ký bản quyền để có chứng nhận quyền sở hữu, bản quyền. Sau đó cần cương quyết lên án thực trạng này, để tình hình được cải thiện. Không để các tác phẩm âm nhạc bị xài chùa, trong khi người sản xuất thì hưởng lợi bất chính.