Vi phạm bản quyền âm nhạc: Không lẽ cứ để “biết rồi, nói mãi!”
Vi phạm bản quyền trong hội họa: Câu chuyện chưa biết bao giờ có hồi kết | |
Vi phạm bản quyền tác phẩm sân khấu: Những hồi chuông báo động |
Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong (bên trái) đang nói về việc sử dụng bất hợp pháp hai ca khúc Đường cong và Taxi |
Theo ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), hiện nay, tình trạng xâm phạm quyền tác giả âm nhạc khá phổ biến, diễn ra ở nhiều lĩnh vực như biểu diễn, website, ứng dụng, nhà hàng, khách sạn… với nhiều hình thức vi phạm khác nhau: sử dụng tác phẩm không xin phép, sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến tác giả…
Vấn nạn vi phạm bản quyền không những gây thiệt hại cho các chủ sở hữu quyền tác giả, gây bức xúc trong xã hội mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong bối cảnh chúng ta đã là thành viên của nhiều Điều ước quốc tế về bản quyền như Công ước Berne, Hiệp định Trips...
Đại diện VCPMC gần đây cho biết, chỉ tính riêng trong lĩnh vực biểu diễn, nhiều chương trình của các ca sĩ nổi tiếng như Bằng Kiều, Khánh Ly, Quang Hà, Ưng Hoàng Phúc… đã bị đưa vào danh sách các vụ việc bị khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền vì xâm phạm quyền tác giả, song vẫn chưa được đưa ra xét xử. Nếu chỉ tính riêng các chương trình với quy mô lớn mà VCPMC phát hiện, số lượng chương trình biểu diễn có xảy ra hành vi xâm phạm quyền tác giả lên tới hàng trăm. Trong đó, có những đơn vị tổ chức những show lớn, song xoá tên và thành lập công ty mới.
Vừa qua, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, tác giả của hai ca khúc Đường cong và Taxi đã lên tiếng tố nhà sản xuất phim Ngôi nhà bươm bướm (đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh ) vừa ra rạp đã sử dụng hai ca khúc trên một cách bất hợp pháp. Theo nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, ngoài việc ủy quyền cho VCPMC khai thác về quyền tác giả thì không có bất kỳ đơn vị nào được khai thác quyền liên quan đến quyền tác giả đối với ca khúc Đường cong và Taxi.
Trong khi đó, nhà sản xuất phim Ngôi nhà bươm bướm sử dụng hai ca khúc này mà chưa được cho phép là vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu theo quy định tại Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ. Sự việc đã diễn ra khiến cộng đồng dậy sóng nhưng đến nay, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cho biết vẫn chưa nhận được bất kỳ lời xin lỗi nào từ phía nhà sản xuất bộ phim.
Ngoài ra, không ít vụ vi phạm bản quyền âm nhạc đã xảy ra khiến cộng đồng và giới trong nghề bức xúc. Đó là việc ca sĩ Phạm Hồng Phước ra mắt ca khúc Khi chúng ta già nhưng không ghi rõ tên tác giả bài thơ cùng tên; ca sĩ Mỹ Tâm cũng phải gỡ bỏ clip Anh thì không khi nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng khẳng định không được giới thiệu là tác giả lời Việt của ca khúc.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng từng gửi đơn báo cáo vi phạm tới VCPMC khi ca khúc Nhật ký của mẹ của anh đã được sử dụng trong bộ phim Quỳnh búp bê mà chưa được sự đồng ý của tác giả. Ngoài ra, các ca sĩ Thu Phương, Tóc Tiên, Bảo Thy... từng tạo ra lùm xùm trong vi phạm quyền tác giả và quyền sở hữu liên quan đến các tác phẩm âm nhạc, khiến họ mất điểm trước người hâm mộ.
Đặc biệt, trường hợp của ca sĩ Noo Phước Thịnh. Nam ca sĩ này từng ra mắt MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi với kịch bản và cảnh quay được đầu tư lớn. Tuy nhiên, trong MV, ca sĩ Noo Phước Thịnh đã sử dụng tác phẩm The Way được bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan của nhạc sĩ Zack Hemsey để làm nhạc nền cho phân cảnh tai nạn xe hơi. Ngay lập tức MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi đã bị gỡ bỏ khỏi các trang mạng vì vi phạm bản quyền.
Đặc biệt, nhạc sĩ Zack Hemsey với tư cách là chủ sở hữu tác phẩm đã có đơn kiện ca sĩ Noo Phước Thịnh vì vi phạm bản quyền gửi Toà án Nhân dân TP.HCM. Dù đã cố gắng hoà giải nhưng ca sĩ Noo Phước Thịnh vẫn không nhận được sự tha thứ của nhạc sĩ Zack Hemsey. Cuối cùng, nam ca sĩ phải chấp nhận bồi thường với số tiền lên tới gần 1 tỷ đồng vì sự thiếu cẩn trọng và coi thường người khác của mình.
Lý giải về những vi phạm trong lĩnh vực bản quyền âm nhạc những năm gần đây, Trưởng phòng Pháp chế VCPMC, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho rằng, dẫu phát hiện nhiều nhưng xử lý chưa nghiêm, trong khi các đơn vị, cá nhân vi phạm vì lợi nhuận mà bất chấp quy định của luật pháp. Thậm chí có chỗ, có nơi còn thách thức, ngang nhiên thực hiện hành vi xâm phạm. Cùng với đó, việc triển khai thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan chưa được đồng bộ, hiệu quả. Công tác hậu kiểm, kiểm tra, xử lý vi phạm về quyền tác giả còn chưa kịp thời, chưa triệt để, khiến việc thực thi pháp luật chưa đủ sức ngăn chặn, răn đe…
Dù các nhạc sĩ, ca sĩ, nhà quản lý... có nhiều cuộc bàn tròn để tìm cách đẩy lùi và xóa sổ vấn nạn vi phạm bản quyền âm nhạc đã diễn ra, tuy nhiên, thực tế trên và những năm gần đây phản ánh vi phạm bản quyền âm nhạc đã, đang là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, cách xử lý trong thực tế về vi phạm bản quyền âm nhạc ở nước ta thời gian qua khiến cho những người làm sai cũng không có gì phải sợ. Trên thực tế, cả VCPMC và các công ty kinh doanh trong lĩnh vực âm nhạc đều có sự quan tâm đầu tư về vấn đề thực thi luật pháp trong lĩnh vực này, nếu không có sự thống nhất, thỏa thuận với nhau thì đều có thể đưa ra tòa để giải quyết.