Nâng cao chất lượng nhân lực ngành Tài chính
Thống kê cho thấy, đến ngày 31/12/2022, tổng số công chức, viên chức và người lao động của Bộ Tài chính từ Trung ương đến địa phương là 69.694 người, trong đó công chức là 62.047 người, viên chức là 2.216 người, lao động hợp đồng là 5.431 người. Cơ cấu về độ tuổi của công chức, viên chức Bộ Tài chính là tương đối hợp lý, cụ thể: Số lượng công chức trẻ dưới 40 tuổi chiếm 44,05% đối với công chức; 51,99% đối với viên chức; từ 41 tuổi đến 50 tuổi chiếm 29,53% đối với công chức; 35,88% đối với viên chức: từ 51 tuổi đến 60 tuổi chiếm 26,02% đối với công chức; 10,78% đối với viên chức, trên 60 tuổi chiếm 0,41% đối với công chức; 1,35% đối với viên chức. Như vậy, cơ cấu độ tuổi của công chức, viên chức trong ngành Tài chính đang ở độ tuổi “cơ cấu vàng” cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực.
Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Tài chính |
Về chất lượng tính đến 31/12/2022: công chức có trình độ trên đại học chiếm 25,3% và viên chức là 71,25%; công chức có trình độ đại học là 66,8% và viên chức là 20,49%. Như vậy, đội ngũ công chức, viên chức có trình độ đại học trở lên trên 90% tổng số công chức, viên chức của cả Bộ Tài chính.
Nếu xét theo ngạch và chức danh nghề nghiệp thì ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương, ngạch chuyên viên chính và tương đương chiếm tỉ lệ rất thấp (lần lượt là 0,5% và 6,8%), trong khi đó ngạch chuyên viên và tương đương chiếm tỉ lệ rất lớn (75,6%), cán sự và tương đương trở xuống chiếm 17,1%. Sở dĩ có sự chênh lệch về tỉ lệ các ngạch/chức danh nghề nghiệp nêu trên là do những quy định tương đối cao về việc thi nâng ngạch/thăng hạng cao hơn và thiếu những quy định cụ thể về cơ cấu ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức, chưa có cơ sở để xác định cơ cấu ngạch phù hợp.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang triển khai công tác đào tạo bồi dưỡng công chức, viên chức của Bộ tại 04 cơ sở đào tạo bồi dưỡng, trong đó: 01 cơ sở trực thuộc Bộ (Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính) và 03 cơ sở trực thuộc các Tổng cục (Trường Nghiệp vụ Thuế; Trường Hải quan Việt Nam; Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán).
Các trường, trung tâm bồi dưỡng công chức, viên chức của các Tổng cục trực thuộc Bộ Tài chính chủ yếu thực hiện công tác đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho công chức, viên chức thuộc Tổng cục; cung cấp các dịch vụ, tư vấn về đào tạo bồi dưỡng liên quan đến lĩnh vực hoạt động của ngành, lĩnh vực quản lý. Riêng Ủy ban Chứng Khoán Nhà nước còn được giao nhiệm vụ đào tạo cho tổ chức, cá nhân như đào tạo để cấp chứng chỉ hành nghề về chứng khoán, đào tạo quản trị công ty cho cán bộ quản lý công ty cổ phần đại chúng.
Thực hiện phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng được giao Bộ Tài chính và các Tổng cục, các cơ sở đào tạo bồi dưỡng thuộc Bộ đã xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức hàng năm của Bộ, đồng thời tích cực triển khai các hoạt động đào tạo bồi dưỡng để thực hiện các mục tiêu đề ra.
Trong các loại hình đào tạo, bồi dưỡng nói chung, số lượng cán bộ, viên chức được bồi dưỡng về chuyên ngành và vị trí việc làm chiếm tỷ trọng lớn nhất 92,27% tổng số lượt người năm 2021. Đây là loại hình đào tạo, bồi dưỡng gắn với việc nâng cao trình độ kiến thức và kỹ năng chuyên môn vụ giúp cho đội ngũ công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao.
Nhờ kết quả đào tạo, bồi dưỡng đạt được trong những năm qua, đến nay 100% công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dưới 55 tuổi đối với nam, dưới 50 tuổi đối với nữ đã hoàn thiện các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định; 100% công chức, viên chức trước khi được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đã đáp ứng các tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định; đạt trên 80% công chức, viên chức được cập nhật kiến thức pháp luật, được bồi dưỡng về đạo đức công vụ; 70% được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ theo chỉ tiêu của Chính phủ.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tốt trong đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức trong giai đoạn 2020 - 2022, song các yếu tố chi phối chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập nhiều mặt như: Nội dung chương trình và tài liệu đào tạo bồi dưỡng mặc dù đã được chú trọng, quan tâm, đầu tư xây dựng và cập nhật song nhiều nội dung chương trình và tài liệu chưa thực sự được đổi mới kịp thời theo yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn của Bộ Tài chính.
Chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết, kiến thức, kinh nghiệm xử lý thực tế còn chưa được bao phủ nhiều trong các chương bồi dưỡng theo ngạch công chức, viên chức; Giảng viên giảng dạy chủ yếu là giảng viên kiêm chức; thiếu giảng viên cơ hữu, giảng viên là những chuyên gia giỏi trong ngành Tài chính còn ít, theo đó đã ảnh hưởng đến tính chủ động và chuyên nghiệp trong công tác giảng dạy. Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng của giảng viên còn mang nặng tính truyền thống “thầy giảng trò nghe, ghi chép”, chưa thực sự tạo ra sự say mê hứng thú gợi mở cho người học…
Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo cán bộ ngành Tài chính |
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lực nguồn nhân lực của ngành Tài chính trong những năm tới, cần thiết phải áp dụng các giải pháp tổng thể như sau:
Một là, thay đổi nhận thức về quản lý công tác đào tạo bồi dưỡng ở các cơ sở đào tạo bồi dưỡng thuộc Bộ Tài chính. Trong đó, cần nâng cao nhận thức nhằm thay đổi về chất trong phong cách phục vụ, quản lý hoạt động đào tạo bồi dưỡng trong các cơ sở đào tạo bồi dưỡng trực thuộc Bộ Tài chính.
Hai là, đổi mới nội dung chương trình và tài liệu đào tạo, bồi dưỡng. Việc đổi mới nội dung chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện trên cơ sở tập trung xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu chuyên ngành theo vị trí việc làm. Trên cơ sở vị trí việc làm của các đơn vị trong Bộ đã được phê duyệt, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lập kế hoạch xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu đào tạo bồi dưỡng được phân cấp và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Ba là,nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên. Giảng viên giảng dạy các khóa học đòi hỏi phải là những người không chỉ có kiến thức chuyên môn mà còn phải là những người có kinh nghiệm thực tế và phương pháp giảng dạy phù hợp. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi giảng viên, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch tổ chức các khoá bồi dưỡng cho giảng viên về phương pháp và kỹ năng giảng dạy; đồng thời có cơ chế, chính sách thoả đáng đãi ngộ về vật chất và tinh thần đối với giảng viên tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng.
Bốn là, nâng cao năng lực quản lý của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và đội ngũ cán bộ quản lý. Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng yếu tố quan trọng là nâng cao năng lực quản lý của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trên cơ sở tăng cường sự tự chủ cho các cơ sở này. Tự chủ trong đào tạo, bồi dưỡng phải gắn liền với trách nhiệm giải trình mọi hoạt động theo pháp luật, đồng thời được công khai để đảm bảo sự giám sát của xã hội. Đối với các cơ sở đào tạo bồi dưỡng thuộc Bộ Tài chính, cần có lộ trình tự chủ để tiến tới cạnh tranh và phát triển.
Việc đào tạo bồi dưỡng công chức, viên chức là một công việc thường xuyên và cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của Bộ Tài chính. Vì vậy, cần nâng cao năng lực của đội ngũ viên chức quản lý công tác đào tạo bồi dưỡng công chức, viên chức. Trách nhiệm của đội ngũ quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng phải được gắn chặt với quá trình học tập của học viên; thực hiện đánh giá kết quả học tập và tu dưỡng của học viên cùng với thu thập các phản hồi của học viên về các tiêu chí của chất lượng đào tạo, bồi dưỡng để có phương hướng đổi mới và cải tiến phù hợp.
Năm là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo bồi dưỡng ở các cơ sở đào tạo bồi dưỡng trực thuộc Bộ Tài chính. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để tăng cường hiệu quả quản lý nội bộ, mặt khác nếu xây dựng được hệ thống phần mềm quản lý công chức, viên chức mà các cơ sở đào tạo bồi dưỡng có thể chủ động theo dõi được việc đào tạo bồi dưỡng công chức, viên chức thì sẽ thay đổi được về chất quá trình đào tạo bồi dưỡng công chức, viên chức hiện nay.
Sáu là, quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Hiện nay cơ sở vật chất của nhiều cơ sở đào tạo thuộc Bộ Tài chính còn nhiều hạn chế. Do đó, trong thời gian tới cần tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt dộng đào tạo, bồi dưỡng, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức trong thời gian tới.