Nâng cao hiệu quả giám sát là khâu then chốt trong đổi mới hoạt động của Quốc hội
Phát biểu khai mạc Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 sáng nay (27/9), Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tinh thần xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay đó là tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt.
“Cùng với công tác xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chú trọng chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đổi mới, tăng cường thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội với chủ trương chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa, huy động tối đa sự tham gia của đại biểu Quốc hội, các cơ quan là chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát, cũng như các cơ quan phối hợp, các chuyên gia trong hoạt động giám sát”, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu, đồng thời nhấn mạnh: “Yêu cầu đặt ra đối với công tác giám sát của Quốc hội là phải bảo đảm đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; đáp ứng và gắn với yêu cầu đổi mới hoạt động giám sát theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị |
Chủ động huy động tối đa sự vào cuộc một cách chủ động và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong triển khai để bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí. Chú trọng công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông và hoạt động phục vụ giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để tạo sự thống nhất, đồng thuận trong xã hội về hoạt động và kết quả giám sát. Chính vì vậy, ngay từ đầu kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu, lựa chọn các nội dung giám sát chuyên đề, giám sát bảo đảm sát đúng, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới”...
Báo cáo tóm tắt đánh giá kết quả thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đại dịch COVID-19 và xung đột chính trị giữa các nước đã tác động mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta và ảnh hưởng đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiên trì thực hiện mục tiêu “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, trong đó đã chú trọng công tác hoàn thiện thể chế; đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức thực hiện trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, chương trình, kế hoạch nhiệm kỳ của Quốc hội.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan trong thời gian tới cần quan tâm triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp ở nhiều khía cạnh: giám sát chuyên đề, xem xét báo cáo, thực hiện chất vấn, tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, giám sát việc trả lời kiến nghị, giải quyết khiếu nại của các cơ quan…
Tham luận tại hội nghị, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trân trọng và đánh giá cao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV từ đầu nhiệm kỳ tới nay đã ban hành nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời đáp ứng nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp, từ đó góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian vừa qua.
Đây là kết quả của quá trình nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Quốc hội trên toàn bộ các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đối ngoại… Định hướng xây dựng pháp luật của Quốc hội cho cả nhiệm kỳ đã xác định rõ ràng, đó là hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng hệ thống pháp luật, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.
Thực tế thực hiện thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp thấy rằng cần nâng cao vai trò và tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát của Quốc hội là yêu cầu hết sức quan trọng. Bởi lẽ vẫn còn có khoảng cách giữa luật và các văn bản hướng dẫn, khoảng cách giữa nội dung luật và triển khai thực hiện trên thực tế. Có những đạo luật nội dung rất tích cực nhưng nghị định và thông tư hướng dẫn lại có các nội dung hạn chế các tác động tích cực này. Nhiều văn bản hướng dẫn chậm được ban hành khiến luật chậm đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, nhiều chính sách lớn, quan trọng với doanh nghiệp và nền kinh tế thì dường như tốc độ triển khai thực hiện chưa “đồng tốc” với tốc độ ban hành. Chính vì thế các hoạt động giám sát của Quốc hội hết sức quan trọng, giúp đảm bảo việc thực thi của Chính phủ, các bộ ngành, các chính quyền địa phương tốt hơn. Qua giám sát sẽ kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về pháp luật một cách tốt nhất. Giám sát cũng là cách thức để công khai, minh bạch quá trình triển khai, chỗ nào tốt, chỗ nào chưa tốt, lý do, nguyên nhân… Đây chắc chắn là một động lực để thúc đẩy chất lượng thực thi, một yếu tốt rất quan trọng.
Để góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình giám sát những tháng cuối năm 2022 và triển khai chương trình giám sát năm 2023, từ đó tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi và phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới, VCCI kiến nghị với Quốc hội quan tâm và lồng ghép các nội dung liên quan tới việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh trong nội dung các chương trình giám sát của Quốc hội. Hiện nay hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đang bị ảnh hưởng rất lớn từ chất lượng hệ thống văn bản pháp luật và việc triển khai các văn bản pháp luật này. Tháo gỡ kịp thời các rào cản, vướng mắc về pháp luật của doanh nghiệp cần phải là ưu tiên hiện nay của Quốc hội và Chính phủ.
Trong chương trình giám sát 2022 và 2023, đặc biệt về các nội dung về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, VCCI đề nghị Quốc hội quan tâm tới nội dung đánh giá việc triển khai các gói hỗ trợ phục hồi do dịch COVID-19 ở các ngành, các cấp. Việc thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai sẽ giúp xác định kịp thời những điểm nghẽn để có giải pháp tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân, đồng thời có thể nâng cao hiệu quả của các chính sách đã ban hành.
Ngoài ra, VCCI cũng đề nghị Quốc hội tiến hành và sử dụng kết quả một số khảo sát doanh nghiệp, người dân trên diện rộng về một số nội dung quan trọng trong chương trình giám sát. Các đoàn đại biểu quốc hội các địa phương chủ động và thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt thông tin từ cộng đồng doanh nghiệp các địa phương.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đã có rất nhiều kiến nghị đề xuất để nâng cao công tác giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời nhấn mạnh, công tác giám sát đã được tăng cường thông qua các báo cáo, chất vấn và trả lời chất vấn các vấn đề lớn, các vấn đề gây bức xúc xã hội, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, trả lời kiến nghị của cử tri… được công khai trên hội trường, các diễn đàn và các phương tiện thông tin đại chúng… đã giúp cho công tác giám sát thực chất và hiệu quả hơn.
Để triển khai có hiệu quả Chương trình giám sát Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, đặc biệt là yêu cầu tại văn kiện Đại hội lần thứ XIII về “đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội”; xác định việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát là một nội dung quan trọng, khâu then chốt trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam.
Tiếp tục nghiên cứu xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nâng cao chất lượng xây dựng chương trình giám sát; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai hoạt động giám sát; tăng cường giám sát của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Quốc hội với các tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát để phát huy vai trò giám sát của mỗi cơ quan, cùng tạo sức cộng hưởng thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm soát quyền lực...