Nâng cao năng lực cho Co-opBank thông qua chính sách
Cơ hội đặc biệt cho Co-opBank và các QTDND Co-opBank chi nhánh An Giang: Đẩy mạnh hỗ trợ QTDND chuyển đổi số |
Nhìn lại các chính sách phát triển hệ thống QTDND, không thể không nhắc tới Chỉ thị số 57-CT/TW ngày 10/10/2000 của Bộ Chính trị về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND. Báo cáo của NHNN tại Hội nghị Tổng kết triển khai thực hiện Chỉ thị số 57-CT/TW ngày 10/10/2000 của Bộ Chính trị về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND giai đoạn 2000-2013 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức năm 2014 cho thấy sau 12 năm triển khai, mô hình tổ chức hệ thống QTDND đã được hoàn thiện một bước cơ bản, từng bước khắc phục được mối liên kết lỏng lẻo của mô hình 3 cấp, mạng lưới QTDTW được mở rộng, tiếp cận gần hơn các QTDND cơ sở để tăng cường khả năng điều hoà vốn nội bộ, hỗ trợ, phục vụ thành viên. Quy mô và chất lượng hoạt động của hệ thống QTDND có sự tăng trưởng bền vững; Cơ sở vật chất của cả hệ thống đã được cải thiện, nâng cao đáng kể, nhất là trụ sở, điều kiện làm việc của các QTDND cơ sở; hệ thống mạng lưới của QTDTW đã được mở rộng, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển hỗ trợ các QTDND cơ sở thành viên. Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng cho thấy Chỉ thị 57 và hoạt động của hệ thống QTDND cũng bộc lộ một số hạn chế, tồn tại đòi hỏi phải được khẩn trương khắc phục để thích ứng với xu hướng phát triển mới.
Bởi vậy một trong những kết luận tại Hội nghị tổng kết Chỉ thị 57 là cần nghiên cứu xây dựng một văn bản pháp quy khác thay thế Chỉ thị 57 khi hoạt động của hệ thống QTDND đã phát triển với nhiều thay đổi. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có. "Đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang trên chặng đường tái cơ cấu lần 2, để xây dựng mô hình QTDND đổi mới an toàn, ổn định hơn, thì nên chăng NHNN nghiên cứu trình Bộ Chính trị ban hành một chỉ thị mới thay thế”, Chủ tịch HĐQT Co-opBank Nguyễn Quốc Cường đề xuất.
Đối với Luật Các TCTD dự kiến có hiệu lực từ 1/8/2024, Co-opBank cũng được giao một số nội dung sửa đổi liên quan đến Co-opBank và QTDND. Bên cạnh đó, ông Cường cũng chỉ ra còn một số quy định tại các văn bản pháp luật đang có ảnh hưởng quan trọng đến NHTM và hệ thống QTDND.
Cụ thể, về phân loại nợ, xử lý nợ, hiện Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN đang đề xuất điều chỉnh lại Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN, về phân loại nợ trong đó có việc phân loại nợ của QTDND và Co-opBank. Ông Cường phân tích, việc phân loại nợ liên quan tới khách hàng thương mại là phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên trong quan hệ giữa Co-opBank với QTDND thì Co-opBank cho vay trên nguyên tắc điều hòa vốn. Quy chế điều hòa vốn được xây dựng dựa trên nguyên tắc Co-opBank là ngân hàng của các QTDND và QTDND là thành viên. Co-opBank cho vay gần như không có tài sản đảm bảo để mở rộng tín dụng dựa trên chất lượng hoạt động và chỉ tiêu tăng trưởng. Nếu nợ xấu xảy ra thì Co-opBank phải phân nhóm nợ như Quyết định 493.
Co-opBank hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, trọng tâm là phục vụ các QTDND |
Nhưng với cho vay chi trả là trường hợp QTDND có nhu cầu vay Co-opBank để chi trả tiền gửi cho thành viên khi đến hạn trong trường hợp thiếu thanh khoản tạm thời. Thực tế vừa qua cho thấy, việc cho vay để bù đắp thanh khoản tạm thời rất dễ xảy ra tình trạng mất thanh khoản. QTDND mất cả khả năng thanh khoản rồi mất khả năng chi trả, thậm chí rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, khi đó nợ này biến thành nợ xấu. Biết rủi ro là thế, tuy nhiên, Co-opBank không thể không cho vay chi trả vì điều này cần thiết để đảm bảo an toàn cho hoạt động của hệ thống QTDND. “Nhưng các khoản vay này không có tài sản đảm bảo. Vì vậy, theo Quyết định 493, lúc này nợ xấu của Co-opBank sẽ tăng lên và sẽ rất rủi ro”, ông Cường cho biết.
Bên cạnh đó, trong Luật Các TCTD có quy định Co-opBank được cho vay đặc biệt với các QTDND. Tuy nhiên, khi đó không thể nói QTDND hoạt động bình thường, nhưng vì mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống Co-opBank vẫn phải cho vay. Khả năng mất vốn, biến thành nợ xấu của các khoản cho vay này cực cao.
Vì vậy, Co-opBank đề nghị cần có giải pháp khoanh hoặc tách những khoản cho vay chi trả và cho vay đặc biệt này riêng, không tính chung vào cho vay khách hàng. Nếu không sẽ ảnh hưởng tới hoạt động, thậm chí là cản trở năng lực hỗ trợ của Co-opBank đối với hệ thống QTDND.
Về chỉ tiêu an toàn hoạt động và chỉ tiêu sức khỏe hàng năm, ông Cường phân tích nếu đánh giá sức khỏe của Co-opBank như các NHTM hiện nay thì thực sự không phù hợp. Vì Co-opBank hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, trọng tâm là phục vụ các QTDND; kể cả hỗ trợ kiểm tra, kiểm toán nội bộ các QTDND cho NHNN, thực hiện hỗ trợ chuyển đổi số cho QTDND; là đầu mối cho hơn 1000 quỹ trong công tác điều hòa vốn, luôn đảm bảo huy động từ QTDND cao hơn tiền gửi dân cư và cho vay thấp hơn người dân và doanh nghiệp. Những hoạt động này làm giảm năng lực tài chính quả Co-opBank. Nếu đánh giá theo các tiêu chí chung như với các NHTM thì rất khó cho Co-opBank trong việc phát huy vai trò hỗ trợ các QTDND, thậm chí không hoàn thành nhiệm vụ được giao, và điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động và năng lực tài chính của Co-opBank những năm tiếp theo.
Dự thảo Thông tư quy định về Co-opBank mà NHNN đang xây dựng quy định Co-opBank cử nhân sự để giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc và chức danh quản lý, điều hành khác của QTDND khi NHNN yêu cầu với các QTNND dân xếp hạng yếu kém; Được NHNN chi nhánh đánh giá vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật có khả năng ảnh hưởng đến an toàn trong hoạt động. Ông Cường cho rằng điều này rất cần cân nhắc thêm. Bởi quản lý hoạt động của QTDND còn có trách nhiệm của cán bộ quỹ, đảng ủy, chính quyền địa phương nơi QTDND hoạt động. “Chúng ta cử người xuống ngay vừa chưa đúng theo Luật Hợp tác xã, bởi người điều hành QTDND phải là thành viên Quỹ. Chưa kể việc điều hành QTDND không đơn giản vì cán bộ cần phải hiểu thông hiểu về thành viên, địa bàn…”, ông Cường phân tích. Hiện Co-opBank đang có 60 cán bộ hỗ trợ các QTDND, cán bộ điều ở trụ sở chính không đủ phải điều thêm cán bộ tại chi nhánh với tiêu chuẩn đang là lãnh đạo từ cấp phòng. Nếu cứ điều động như vậy và đòi hỏi cán bộ hỗ trợ quỹ phải có chức vụ thì công tác cán bộ của Co-opBank rất khó khăn, không những không thể đủ người hỗ trợ, mà còn phải xây dựng đội ngũ lãnh đạo kế cận vào để thực hiện công tác chuyên môn của Co-opBank, rồi sắp xếp công tác khi các cán bộ này trở về. Hơn thế, trong trường hợp này cần phải làm rõ trách nhiệm của những người đã gây ra, không làm đúng quy định của nhà nước giao thay vì chỉ có NHNN và Co-opBank vào cuộc. “Thông tư 07 quy định khi QTDND rơi vào kiểm soát đặc biệt thì NHNN đưa người vào là hợp lý, nhưng mới khó khăn mà đã đưa người vào thì nên xem xét lại”, ông Cường kiến nghị.
Về kiểm tra, kiểm toán nội bộ các QTDND, Co-opBank rất ủng hộ và thực chứng cho thấy việc kiểm tra, kiểm toán nội bộ các QTDND trong thời gian qua đã góp phần đảm bảo an toàn hệ thống, chất lượng đi đôi hiệu quả. Tuy nhiên việc yêu cầu Co-opBank đưa ra quy chế kiểm toán nội bộ QTDND, rồi đưa ra đại hội thành viên để ra nghị quyết kiểm toán các QTDND hàng năm theo Dự thảo Thông tư quy định về Co-opBank trong bối cảnh có gần 1200 QTDND như hiện nay thì Co-opBank không có đủ năng lực và nguồn lực để thực hiện. Vì vậy Co-opBank cần có thời gian chuẩn bị cả nhân lực, vật lực triển khai nhiệm vụ này, ông Cường đề nghị NHNN tiếp tục giao cho Co-opBank phối hợp với NHNN chi nhánh kiểm toán QTDND như thời gian qua với số lượng tăng dần hàng năm.
Một vấn đề khác là cho vay từ Quỹ bảo toàn là để hỗ trợ quỹ khó khăn, nên việc thu hồi vốn về không dễ dàng. Vì vậy ông Cường đề nghị cho sử dụng chênh lệch thu chi từ Quỹ bảo toàn làm dự phòng tổn thất, đảm bảo cho Quỹ hoạt động hiệu quả và hỗ trợ được các QTDND khi khó khăn.