Đột phá nào để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình
Phát triển kinh tế số để thoát bẫy thu nhập trung bình Tự do kinh tế tạo động lực vượt "bẫy thu nhập trung bình" |
Dễ “mắc kẹt” với bẫy thu nhập trung bình
Thống kê cho thấy có rất ít quốc gia lọt vào nhóm thu nhập cao kể từ sau Thế chiến II. Chỉ có 10 trong số 151 quốc gia không xuất khẩu dầu mỏ đạt mốc thu nhập 20.000 USD/người/năm, trong đó có 4 nước công nghiệp mới ở châu Á. Trong khi nhiều quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng cao, rất ít quốc gia duy trì đà tăng trưởng đủ lâu để thu hẹp khoảng cách với Hoa Kỳ (thu nhập bình quân đầu người là 65.000 USD/năm 2019).
Tầm nhìn xa về công nghệ sẽ là chìa khóa cho chiến lược phát triển của Việt Nam |
Ở Đông Nam Á, Malaysia phát triển tốt cho đến trước khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1998, sau đó tốc độ tăng trưởng năng suất bị đình trệ. Thái Lan hưởng lợi nhờ Hiệp định Plaza 1985 (thỏa ước tài chính được ký bởi nhóm G5 khi đó gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh và Pháp, cho phép can thiệp vào thị trường ngoại hối làm giảm giá USD), nhưng điều này chỉ kéo dài đến năm 1998 và sau khủng hoảng tài chính Đông Á thì quá trình phục hồi kinh tế của nước này diễn ra chậm. Trung Quốc duy trì mức độ phát triển nhưng có xuất phát điểm rất thấp, chỉ đạt 22% mức năng suất của Hoa Kỳ vào năm 2020. Indonesia và Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng, song Indonesia đã mất vị thế của mình sau khủng hoảng tài chính Đông Á và sau đó phục hồi nhờ chiến lược thâm dụng tài nguyên. Chỉ có Việt Nam duy trì tăng trưởng từ năm 1990.
Tăng trưởng sản lượng là kết quả của tăng trưởng việc làm và năng suất lao động. Tuy nhiên, Chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao của UNDP, Jonathan Pincus chỉ ra hầu hết các quốc gia đang phát triển đều trải qua tình trạng giảm năng suất khi đối mặt với sự cạnh tranh cả trong lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động và thâm dụng tri thức. Các nước này bị chèn ép từ hai phía: Từ các nước nghèo hơn về chi phí nhân công thấp và từ các nước giàu hơn về hạ tầng và công nghệ. Sự “mắc kẹt” này khiến các nước thu nhập trung bình khó duy trì tăng trưởng bền vững.
Bên cạnh đó, các nước khu vực Đông Nam Á cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Trung Quốc sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009, khi ở nước này mặc dù tiền lương thấp nhưng năng suất lao động cao. Điều này hàm ý khó cạnh tranh với trung Quốc ở những ngành chế tạo có cạnh tranh thấp.
Báo cáo của Việt Nam - Australia - Ngân hàng Thế giới về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chỉ ra tăng trưởng dựa trên quá trình chuyển đổi mang tính cơ cấu (giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ) đã đến điểm bão hòa. Việt Nam đang mất dần lợi thế so sánh về chi phí lao động thấp và phân khúc giá trị thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Độ mở nền kinh tế lớn khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trước chiến tranh thương mại và bảo hộ tại các thị trường trọng điểm của Việt Nam. Cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số sẽ khiến lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề do mất việc làm (sự xuất hiện của công nghệ tiết kiệm sức lao động).
Bắt kịp về công nghệ là con đường duy nhất
Tuy nhiên, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đang mở ra cơ hội cho Việt Nam. "Việc bắt kịp về công nghệ là con đường phát triển duy nhất với Việt Nam, tạo ra dư địa mới cho tăng trưởng kinh tế, chuyển từ công nghệ “thay thế” sang công nghệ “hỗ trợ” trong chuỗi giá trị, tức tạo ra giá trị gia tăng cao hơn thông qua đổi mới sáng tạo”, ông Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (IOIT, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chỉ ra.
Những công nghệ tiên tiến quan trọng trong thập kỷ tới là Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối (IoT), Thực tế số/Thực tế ảo (VR) và Thực tế tăng cường (AR), Blockchain, Điện toán lượng tử.
Đặc biệt, ông Thắng chỉ ra tác động đột phá của công nghệ tới thị trường thế giới sẽ khiến trong 5-10 năm tới là thời đại của các doanh nghiệp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hơn thế, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo chuyển từ doanh nghiệp lớn sang doanh nghiệp nhỏ/công ty khởi nghiệp. Đây là cơ hội cho Việt Nam và để tận dụng cơ hội này, ông khuyến nghị Việt Nam cần nuôi dưỡng và hoàn thiện hệ sinh thái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, Chính phủ cần xây dựng khung quy định mở, quy chế thử nghiệm (sandbox); Phân bổ nguồn lực hiệu quả; Lựa chọn công nghệ hợp lý, phù hợp với trình độ phát triển hiện tại cộng với phân tích AI/ML.
Về phía cung, cần xây dựng lực lượng lao động có tay nghề cao và hoạt động R&D vượt trội; Tập trung vào một số công nghệ ưu tiên và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để có thể tiếp cận công nghệ mới. Về phía cầu cần phát triển các công ty có tính cạnh tranh và sáng tạo hơn. Trong đó, với các công ty khởi nghiệp công nghệ quy mô vừa và nhỏ cần tăng cơ chế khuyến khích và giảm mức độ kiểm soát; với các công ty công nghệ lớn cần yêu cầu có trách nhiệm hơn và có đầu tư vào công nghệ chiến lược, M&A nếu cần thiết.
“Tầm nhìn xa về công nghệ sẽ là chìa khóa cho chiến lược phát triển của mọi tổ chức Việt Nam”, ông Thắng nhận định và khuyến nghị chiến lược từ Chính phủ là cần lựa chọn công nghệ tiềm năng, có tác động, tính đột phá lớn vào nền kinh tế mới trong bối cảnh toàn cầu.
Ở điểm này, theo ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, chính sách đột phá tập trung vào phát triển nhà máy thông minh, công nghệ thông minh, công nghệ bán dẫn, truyền thông số… Còn ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bổ sung, cần hướng tới chuyển từ người làm thuê cho doanh nghiệp FDI sang người làm chủ thì mới thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.