Nâng cấp số hóa ngân hàng
Hành trình nâng cấp số hóa của ngân hàng |
Nâng cấp quá trình số hóa
Một chuyên gia nhìn nhận, việc số hoá không chỉ dừng lại ở triển khai các dịch vụ ngân hàng trực tuyến hoặc di động mà phải đảm bảo ứng dụng được các công nghệ hiện đại ở tất cả các cấp độ tác nghiệp và trên tất cả các nền tảng cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Nói cách khác số hoá là biến tất cả những gì có thể nhìn thấy thành không nhìn thấy. Theo đó, biến một ngân hàng truyền thống trở thành ngân hàng số thực sự bằng việc các chức năng hỗ trợ hoạt động trong ngân hàng như quản trị rủi ro, quản lý nợ, phát triển sản phẩm, tiếp thị quan hệ công chúng... đều phải được hoạt động dựa trên số hoá.
Do đó, trong thời gian qua không ít ngân hàng đã nhanh chóng hoàn thành quá trình chuyển đổi số và bắt kịp xu hướng nâng cấp số hóa lên mức độ cao hơn. Đơn cử là hành trình đổi mới ứng dụng Ngân hàng số MyVIB kéo dài gần 8 năm của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).
Kể từ khi ra mắt ứng dụng ngân hàng số MyVIB dành cho điện thoại thông minh vào năm 2015, VIB đã lần lượt bổ sung và nâng cấp các tính năng mới như phiên bản giao dịch trên đồng hồ thông minh, triển khai tính năng Social Keyboard, giải pháp bảo mật Smart OTP, eKYC, công nghệ Smart Card...
Đặc biệt, ngày 30/5 ngân hàng đã cho ra mắt Ngân hàng di động MyVIB phiên bản 2.0 với công nghệ thực tế tăng cường (AR) và Cloud - Native lần đầu tiên được ứng dụng trên ngân hàng số tại Việt Nam.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng đã trải qua hơn 10 năm nâng cấp quá trình chuyển đổi số của mình sau khi tái cơ cấu. Vào năm 2012, ngân hàng này đã xây dựng chiến lược trở thành ngân hàng công nghệ và ngân hàng số ở tất cả các mảng hoạt động một cách toàn diện và chuyên sâu. Ra mắt vào năm 2017, hệ thống VTM (Video Teller Machine) với tên gọi LiveBank cho phép khách hàng giao dịch gửi tiền, chuyển tiền, gửi tiết kiệm, mở thẻ lấy ngay xác thực bằng khuôn mặt và vân tay 24/7 đầu tiên mới chỉ có 50 điểm giao dịch.
Sau nhiều lần nâng cấp, đến nay ngân hàng đã số hóa toàn bộ các quy trình vận hành, triển khai 90% ngân hàng không giấy tờ (paperless), ứng dụng RPA với gần 300 robot xử lý tự động hóa quy trình, thu thập dữ liệu, sẵn sàng cho vận hành ngân hàng theo mô hình Data-Driven… và khoảng 400 điểm giao dịch LiveBank vào cuối năm 2021.
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Chủ nhiệm Ủy ban công nghệ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, từ những công nghệ sơ khai được ngân hàng áp dụng trong quá trình chuyển đổi số, đến nay các ngân hàng đã ứng dụng công nghệ Biometric nhằm nhận diện sinh trắc học trong xác thực và định danh khách hàng, eKYC để định danh khách hàng điện tử, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) cho phép khách hàng mở tài khoản từ xa, không còn rào cản địa lý phải đến chi nhánh, phòng giao dịch… Đồng thời, không ít ngân hàng đã phát triển hệ sinh thái ngân hàng mở, cung cấp kèm theo nhiều dịch vụ khác từ mua sắm, đi lại, du lịch, học tập, sức khỏe… để trở thành ứng dụng ngân hàng số đa chức năng.
Nhiều chuyên gia đánh giá, hành trình nâng cấp số hóa của ngân hàng đã giúp quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng diễn nhanh hơn, vượt trội so với các lĩnh vực khác. Nhờ đó, các ngân hàng cũng tiết kiệm nguồn lực, nâng cao năng suất, đem lại sự tiện ích, trải nghiệm tuyệt vời dành cho khách hàng và đặc biệt góp phần quan trọng vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế số. Hành trình nâng cấp này sẽ không dừng lại mà tiếp tục phát triển.
Còn nhiều dư địa để chuyển đổi số
Chia sẻ tại một hội thảo diễn ra gần đây, ông Võ Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam dự đoán, đến năm 2025 số lượng tài khoản sử dụng trong thanh toán điện tử của Việt Nam là hơn 105 triệu, giá trị giao dịch có thể lên tới hàng chục tỷ USD trong một vài năm tới. Do đó, ngân hàng và các lĩnh vực liên quan liên quan đến tài chính vẫn còn nhiều dư địa để chuyển đổi số, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính - ngân hàng phân tích, trong triển khai số hóa ngân hàng hiện còn thiếu khung pháp lý để khai thác và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần rà soát, đồng bộ hoá các quy định pháp lý hiện hành liên quan đến việc ứng dụng các công nghệ số để thu thập, khai thác, xử lý và chia sẻ dữ liệu; hành lang pháp lý liên quan đến bảo mật thông tin, môi trường giao dịch số, bảo vệ người tiêu dùng… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động chuyển đổi số của ngân hàng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực để nâng cao quá trình chuyển đổi số cũng là một thách thức với các ngân hàng. Quá trình nâng cấp càng cao đòi hỏi đội ngũ nguồn nhân lực về chuyển đổi số của ngân hàng phải có chất lượng, trình độ và kỹ năng về chuyển đổi số cao hơn với hiện tại. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho nhân lực ngành Ngân hàng cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa.
Quá trình chuyển đổi số của ngân hàng ở cấp độ cao hơn cũng cần có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và chuẩn hóa, tạo thuận lợi cho quá trình kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa các ngành, các lĩnh vực khác. Do đó, mục tiêu nhanh chóng phổ cập điện thoại thông minh tới mỗi người dân, phổ cập internet cáp quang băng rộng tốc độ cao tới mỗi hộ gia đình, phổ cập dịch vụ điện toán đám mây tới mỗi doanh nghiệp trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cần sớm được hoàn thành.