Nên có cơ chế đặc thù cho gói tín dụng tiêu dùng
Tín dụng tiêu dùng mở ra cơ hội kinh doanh, nâng cao đời sống người dân | |
Tín dụng tiêu dùng: Cơ hội nào cho công ty tài chính? |
Lãnh đạo một số ngân hàng khẳng định, họ sẵn sàng dành nguồn vốn vài nghìn tỷ đồng để cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Đơn cử như Agribank dành nguồn vốn tối thiểu 5.000 tỷ đồng trong cơ cấu tín dụng để cho vay đáp ứng nhanh nhất nhu cầu vốn đột xuất của người dân tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, kể cả vùng sâu, vùng xa, khu vực kinh tế khó khăn…
Cần có cơ chế riêng đối với tín dụng tiêu dùng |
Theo chương trình này, hạn mức mỗi món vay không quá 30 triệu đồng phục vụ các mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết của khách hàng cá nhân, hộ gia đình như chi phí học tập, khám chữa bệnh, mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình… áp dụng lãi suất hợp lý với thời gian xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày.
Với mong muốn chính sách lan tỏa nhanh, hiệu quả, lãnh đạo Agribank cho biết, ngay sau khi ban hành chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình, Agribank đã chỉ đạo đến toàn hệ thống cử cán bộ bám sát địa bàn, nắm bắt nhu cầu vốn của khách hàng, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội… để phổ biến kịp thời, giúp người dân nắm bắt đầy đủ chính sách tín dụng của ngân hàng.
Song song với đó, Agribank triển khai đầy đủ các sản phẩm tín dụng qua hơn 2.300 điểm giao dịch, đẩy mạnh cho vay qua các tổ vay vốn, chủ động đăng ký với chính quyền địa phương để mở rộng phạm vi hoạt động của điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng ở các huyện, vùng sâu, vùng xa - nơi điều kiện đi lại của người dân còn gặp nhiều khó khăn.
“Chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình tuy mới triển khai được hơn 1 tháng, nhưng Agribank đã thực hiện cho vay tại 43 tỉnh, thành phố với gần 6.000 lượt khách hàng vay vốn tiêu dùng, đời sống với doanh số cho vay đạt gần 130 tỷ đồng”, lãnh đạo Agribank thông tin thêm.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, lãnh đạo Agribank cho biết, cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Đơn cử, rất khó nắm bắt nhu cầu vay vốn của người dân do nhu cầu của người dân thường là cấp bách, đột xuất. Bên cạnh đó, một số khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng, nhưng khó tiếp cận được vốn vay do không có nguồn trả nợ. Ngoài ra, một số khách hàng có nhu cầu vay vốn không phù hợp theo quy định, thường cung cấp thông tin không chính xác dẫn đến khó khăn trong việc thẩm định của Agribank.
Đặc biệt, lãnh đạo Agribank kiến nghị, NHNN cần hướng dẫn cụ thể về lãi suất cho vay, tài sản bảo đảm đối với khách hàng có nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống, tiêu dùng hợp pháp và các nhu cầu cấp thiết như khám chữa bệnh, hiếu, hỷ...; điều kiện đối với khách hàng trong trường hợp cho vay không có tài sản bảo đảm cũng như cơ chế xử lý rủi ro đối với các khoản vay đó.
“NHNN cần có chính sách về cho vay tiêu dùng riêng, trong đó quy định rõ về lãi suất, tài sản bảo đảm, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng tiền vay… và có cơ chế xử lý rủi ro riêng đối với chính sách tiêu dùng nói trên”, lãnh đạo Agribank đề xuất.
Ông Nguyễn Thanh Phúc - Phó Tổng giám đốc Công ty FE Credit cũng tỏ ra băn khoăn đối với vấn đề thủ tục. Người dân có nhu cầu vay cấp thiết nhưng còn nhiều quy định, thủ tục trong việc đăng ký, xét duyệt vay… khiến các TCTD không thể cạnh tranh với tín dụng đen.
“Trên thực tế, việc yêu cầu người đi vay cung cấp các chứng từ này rất khó vì: Các khoản vay tiêu dùng thường có giá trị nhỏ. Nhiều mục chi tiêu khác nhau. Các nơi cung cấp hàng hóa bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng không có hóa đơn chứng từ. Người tiêu dùng chưa có thói quen yêu cầu nhà cung cấp xuất hóa đơn, bản thân khách hàng cũng không thường xuyên lưu giữ các chứng từ chi tiêu”, ông Phúc dẫn chứng về việc chứng minh mục đích sử dụng vốn vay khó khăn.
Do đó theo vị này, nên có các quy định tách biệt về quản trị rủi ro trong việc quản lý khoản vay tín dụng tiêu dùng ở các TCTD và các khoản vay kinh doanh, đầu tư ở các NHTM.
Muốn có thêm các chương trình cho vay tín dụng tiêu dùng cũng như triển khai được hiệu quả, một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ ủng hộ cần phải có cơ chế cho vay riêng, nếu không các ngân hàng sẽ không dám mạnh dạn triển khai, vì cho vay tín chấp rủi ro cao nhưng lãi suất các ngân hàng áp dụng không được quá cao. Chưa kể thủ tục cho vay nếu như theo quy định hiện hành khó có thể giải ngân nhanh trong ngày cho khách hàng.
Những khó khăn trên cũng được cơ quan quản lý nhìn ra. Một lãnh đạo NHNN cho hay, đối với gói tín dụng tiêu dùng này, NHNN sẽ có cơ chế riêng chẳng hạn như ban hành sổ tay tín dụng riêng để các ngân hàng có căn cứ thực hiện. Vì nếu áp dụng theo quy định hiện hành, các ngân hàng chắc chắn gặp khó khăn khi cho vay ngay trong ngày.
Hướng mở chính sách nữa cũng đã được Thống đốc đưa ra đó là NHNN cũng sẽ sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng theo hướng tách bạch hoạt động cho vay phục vụ đời sống và cho vay tiêu dùng cá nhân của các NHTM, tạo điều kiện để các ngân hàng mở rộng cho vay tiêu dùng cá nhân; nghiên cứu hoàn thiện quy định về cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm.