Nếu “bê” ra khỏi Việt Nam, MoMo không thể thành công được
Ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập Ví điện tử MoMo |
Nếu không thấy có lợi nhanh thì không ai muốn chuyển đổi số
Trải qua 2 năm Covid-19, nhiều doanh nghiệp chia sẻ cảm nhận khó khăn chưa kịp qua đi, hoạt động chưa kịp phục hồi, thì dự cảm năm 2023 tới đây lại tiếp tục không mấy thuận lợi do kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng chung của kinh tế thế giới. Đối với MoMo thì sao, thưa ông?
Năm 2020-2022 thực ra là giai đoạn MoMo phát triển đột biến. Riêng trong 2 năm này siêu ứng dụng MoMo tăng gấp 3 lần lượng khách hàng, từ 10 triệu lên 31 triệu người. Trong 9 tháng đầu năm 2022 thì MoMo phát triển ổn định và tương đối mạnh mẽ vì sau Covid-19 thì thị trường mở rộng, mọi người đều hứng khởi. Tuy nhiên trong mấy tháng cuối, các biến động chung của kinh tế thế giới và trong nước có tác động bất lợi tới cả xã hội trong đó có MoMo. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn rất tin tưởng năm 2023 sẽ là năm tích cực trong giai đoạn mới, đặc biệt đối với lĩnh vực thanh toán điện tử, chuyển đổi số trong lĩnh vực bán lẻ... là những hoạt động mà MoMo đang đẩy mạnh, sẽ tiến triển thuận lợi.
Tôi có thể hiểu sự phát triển đột biến đó có được trước hết là nhờ có chủ trương, chính sách phát triển kinh tế số mở đường, đồng thời 2 năm qua trong bối cảnh đại dịch, giãn cách xã hội khiến người dân đẩy mạnh hơn các hoạt động kinh tế không tiếp xúc… Vậy phải chăng sự phát triển của MoMo là nhờ yếu tố gặp thời thế thuận lợi?
Nhận định như vậy là đúng nhưng chưa đủ. Tôi cho rằng MoMo tăng trưởng người dùng nhanh được như vậy vì luôn bám sát vào định hướng sử dụngnhững công nghệ mới nhất để giải quyết những vấn đề nhỏ và rất cụ thể. Khi nghĩ tới chuyển đổi số, chúng tôi không đi từ câu hỏi vĩ mô mà chỉ tập trung vào hai nhóm đối tượng trực tiếp được lợi gì. Người cung cấp dịch vụ, hoặc doanh nghiệp nếu tiết kiệm được chi phí, bán hàng tốt hơn thì họ ủng hộ; người tiêu dùng mua được hàng nhanh hơn, giá rẻ hơn thì họ ủng hộ. Còn những cái lợi đó mà đã không có thì vận động, kêu gọicỡ nào cũng chẳng có ai dùng cả.
Thì nhìn lại trong năm qua, có thể nói MoMo đã góp phần xử lý 2 bài toán lớn trong nền kinh tế số. Thứ nhất là thúc đẩy số hoá trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiểu thương. Thứ hai, tăng cường tài chính toàn diện cho người dân Việt Nam thông qua việc phốihợp với ngân hàng để cung cấp các giải pháp tài chính số mà ai cũng có thể tiếp cận. Sau khi đã cung cấp giải pháp để giải quyết những bài toán cụ thể, thì chính các đối tác và người sử dụng MoMo sẽ giúp chúng tôi lan toả và phát triển hệ sinh thái. Điều này được thể hiện ở con số 31 triệu người dùng; liên kết trực tiếp với 42 ngân hàng, NAPAS; kết nối 50.000 đối tác kinh doanh; 140.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc, tăng trưởng tập trung trong giai đoạn 2 năm vừa qua.
Hiện nay hơn 90% các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 đều có thể thanh toán bằng MoMo; trong đó tập trung vào các dịch vụ bảo hiểm xã hội, thuế, phí và lệ phí của các thủ tục hành chính… Trong 8 tháng năm 2022 MoMo là phương thức thanh toán được lựa chọn nhiều nhất trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chiếm 37,3% lượng giao dịch thanh toán trực tuyến thành công. |
Ông nhắc nhiều tới việc dùng công nghệ để giải quyết những vấn đề cụ thể cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Vậy các vấn đề cụ thể đó là gì, và lợi ích cụ thể mà họ được nhận là như thế nào?
Nhiều người cho rằng chuyển đổi số cần bước đi dài hạn và phức tạp, nhưng với xã hội Việt Nam thì chúng tôi có cách tiếp cận khác. Đó là bắt đầu từ các đơn vị siêu nhỏ, những tiệm tạp hoá, sạp bán rau, bán nước chè... chính là các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ trong nền kinh tế. Những đối tượng này có rất ít sự quan tâm tới chuyển đổi số. Dù có nghe loáng thoáng về chuyển đổi số, nhưng họ nghĩ mình là những cá thể nhỏ bé, không biết sống chết thế nào nên không thể tính bài toán dài hạn được. Với các đối tượng này, để triển khai thì chi phí bỏ ra phải rất thấp, triển khai nhanh, dễ dàng và quan trọng nhất là phải có lợi rất nhanh. Từ chỗ nghiên cứu thị trường và nhận ra các đặc điểm đó, chúng tôi thấy việc chuyển đối số, thanh toán không dùng tiền mặt có thể tiến hành rất nhanh nếu cung cấp được các giải pháp cụ thể cho các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ như vậy. Vì vậy năm vừa rồi MoMo đã bắt đầu tập trung triển khai mô hình này.
Cách thức bắt đầu rất đơn giản. Các hộ kinh doanh này tự in mã QR code rồi dán lên quầy để phục vụ cho việc thanh toán. Chi phí bỏ ra không đáng mấy cả. Sau đó chúng tôi giúp họ quảng cáo, bán sản phẩm trực tiếp trên nền tảng MoMo. Tôi lấy ví dụ, toàn bộ các khuyến mãi trước đây phát bằng giấy, còn bây giờ MoMo giúp họ phát trực tiếp bằng phương pháp điện tử, đến đích xác đối tượng khách hàng mục tiêu của họ mà không bị “nhầm địa chỉ”. Chẳng hạn trước đây khách hàng thíchuống cafe nhưng lại nhận được khuyến mãi trà sữa thì họ bỏ không dùng, còn bây giờ MoMo giúp xác định khách hàng, đưa các chương trình khuyến mãi đến đúng người tiêu dùng và cách làm như vậy hiệu quả hơn.
Với các tiểu thương hay doanh nghiệp siêu nhỏnày, chúng tôi tác động chuyển đổi số với khởi đầu đơn giản là quản lý dòng tiền thông qua cung cấp dịch vụ thanh toán. Sau đó họ thấy thanh toán qua MoMo có lợi thật, vì có thể bán thêm hàng, chăm sóc khách hàng, bán chéo sản phẩm... Quá trình đó không chỉ là khởi động cho các ông bà chủ doanh nghiệp đó mà còn kéo theo vài người xung quanh họ, chính là các khách hàng, nhân viên, đối tác... Cứ như vậy, thanh toán không tiền mặt và chuyển đổi số của xã hội sẽ được thúc đẩy và lan toả rất nhanh nếu chúng ta tác động vào các đối tượng này.
Đó là bài toán thứ nhất về thúc đẩy số hoá trong cộng đồng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, doanh nghiệp. Còn bài toán thứ hai về tăng cường tài chính toàn diện cho người dân Việt Nam thì sao?
Trong năm 2021-2022 MoMo phối hợp với ngân hàng và các tổ chức tài chính cung cấp các khoản vay nhỏ quy mô khoảng 3-10 triệu đồng cho các nhóm khách hàng mà từ trước tới nay họ chưa tiếp cận bao giờ với dịch vụ của ngân hàng chính thức. Những người này bản chất là công nhân hoặc tiểu thương, có thu nhập không ổn định và có tài khoản ngân hàngnhưng không có tiền trong đó. Vì họ chủ yếu là giao dịch bằng tiền mặt, nên hệ thống ngân hàng không thể nhận diện được họ vì không có đủ cơ sở dữ liệu. Việc sử dụng dịch vụ thanh toán trên MoMo đã tạo ra nguồn dữ liệu để phối hợp với ngân hàng cung cấp dịch vụ cho vay. Đó là bước tiến lớn giúp cho nguồn tiền của ngân hàng tiếp cận khách hàng nhỏ trước đây chưa bao giờ sử dụng dịch vụ tài chính hiện đại. Nhờ đó những đối tượng này có phương thức mới để vay tiền từ các tổ chức chính thống thay vì các đơn vị không chính thức như tín dụng đen.
Hiện nay mối quan hệ hợp tác giữa MoMo với các ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm để trở thành trung gian cung cấp dịch vụ đã trở nên rất chặt chẽ. Khách hàng có thể lên MoMo mở tài khoản ngân hàng, có thể gửi tiết kiệm ở ngân hàng, vay tiền từ ngân hàng… Đồng thời, các dịch vụ tài chính khác như đầu tư, bảo hiểm cũng đang được hàng triệu người dùng mỗi ngày trên ứng dụng. Bản chất MoMo đã tiến triển thành một cái hub về tài chính để kết nối với các đơn vị tài chính, bảo hiểm nhằm giúp người dân có thêm kênh tiếp cận với các dịch vụ này. Điểm lợi lớn nhất là toàn bộ những công đoạn này được thực hiện trực tuyến, vừa tiết kiệm thời gian vừa dễ dàng cho người dân và có thể xử lý được những khoản rất nhỏ. Ví dụ gửi tiết kiệm 500.000 đồng mà làm bằng giấy thì rất mất thời gian, tốn chi phí, nhưng làm điện tử thì sẽ giải quyết được những vấn đề này.
Quan điểm của chúng tôi là dùng công nghệ giúp cho những người yếu thế nhất trong hệ thống nhưng lại đóng góp không nhỏ vào GDP cho nền kinh tế. Theo nhận định của các chuyên gia và tổ chức quốc tế, khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam chiếm tỷ trọng khoảng 30% GDP. Nếu tiếp cận được khu vực này thì vừa giải quyết được bài toán tài chính tổng quát và cũng vừa mở ra “đại dương” mới cho dịch vụ tài chính thay vì chỉ tập trung một số nhóm người nhất định như trước đây.
Các trung gian thanh toán đang đối diện câu hỏi: Làm gì kế tiếp?
Trong năm 2022 MoMo được vinh danh là Sản phẩm số xuất sắc tại Lễ công bố và trao giải thưởng Make in Viet Nam. Theo ông yếu tố nào khiến MoMo đạt được danh hiệu này và qua đó khẳng định được mình là một sản phẩm “Make in Viet Nam”?
Có thể nói MoMo là sản phẩm thuần Việt 100%. Với việc đặt hệ thống máy chủ tại Việt Nam cùng đội ngũ vận hành là người Việt, MoMo là nền tảng thanh toán hoàn toàn của người Việt. Chúng tôi định vị mình là một công ty công nghệ, và định giá giá trị của mình dựa trên các thành tựu công nghệ mà đội ngũ đạt được. Toàn bộ ứng dụng MoMo đều do đội ngũ công nghệ của công ty tự phát triển từ đầu. Trong đó các công nghệ mà MoMo đang ứng dụng bao gồm Cross-platform, Super app, Microservice Back-end, Big Data/AI, Hybrid Cloud… đều là những công nghệ tiên tiến và là xu hướng. Công nghệ được xác định là động cơ lõi cho tăng trưởng của MoMo và AI/Big Data chính là thành phần cốt yếu.
Tính đến tháng 8/2022, MoMo có gần 1.000 kỹ sư công nghệ và phát triển sản phẩm, trong đó chỉ riêng nhân sự cho AI chiếm khoảng 20%. Bên cạnh đó, toàn bộ đội ngũ điều hành và nghiên cứu phát triển, xây dựng sản phẩm đều là người Việt Nam. Ngay từ ban đầu, chúng tôi cũng xây dựng MoMo trên ý tưởng giúp người Việt tiếp cận dịch vụ tài chính dễ dàng với chi phí thấp. MoMo phát triển được là do thấu hiểu thị trường, hiểu con người Việt Nam, và ứng dụng công nghệ để giải quyết những vấn đề cụ thể trong bối cảnh cụ thể của nền kinh tế - xã hội Việt Nam. Đây là sản phẩm đặc trưng, không phải sản phẩm quốc tế và không giống bất kỳ quốc gia nào, từ Mỹ, Hàn Quốc,Trung Quốc, Thái Lan… Mô hình này được xây dựng độc lập cho người Việt Nam và đó là lý do vì sao nó phát triển được.
Có ý kiến cho rằng sau các thương vụ kêu gọi vốn nước ngoài thành công, hiện nay cổ đông nước ngoài đang chi phối vốn tại MoMo khiến cho doanh nghiệp không còn “thuần Việt” và cũng không thể tự quyết định các đường hướng phát triển trong tương lai. Ông suy nghĩ như thế nào về những đánh giá này?
Với những bước phát triển trong giai đoạn vừa qua, MoMo ngày càng trở thành một doanh nghiệp Việt Nam hơn, với sản phẩm ngày càng tập trung vào tối ưu cung cấp các giải pháp dịch vụ tài chính cho người Việt Nam. Trong mô hình quản lý của MoMo, chỉ có duy nhất 1 người nước ngoài là CFO (Giám đốc tài chính) trong ban điều hành 10 người. Chúng tôi có điều may mắn là tất cả các nhà đầu tư vào MoMo đều là nhà đầu tư tài chính, họ không can thiệp vào công việc điều hành và chính sách, vì họ có can thiệp cũng không thể hiểu được. Hệ thống hiện nay chỉ có Ban điều hành MoMo hiểu được là đang vận hành như thế nào, còn nhà đầu tư tài chính thì họ tập trung vào kết quả kinh doanh. Các cổ đông Việt Nam vẫn đang nắm quyền chi phối, nắm quyền biểu quyết đa số trong công ty.
Nhìn lại từ giai đoạn MoMo chuẩn bị đi vào bước ngoặt trong tiến trình phát triển, tôi cho rằng việc kêu gọi được vốn của nhà đầu tư nước ngoài đã đưa MoMo trở thành một mô hình phù hợp với lĩnh vực rủi ro cao như fintech. Vì trong thời điểm đó, việc tìm kiếm nguồn đầu tư trong nước gần như không khả thi do quy mô đầu tư vào lĩnh vực này rất lớn trong khi độ rủi ro cao. Chúng tôi may mắn tìm được các nhà đầu tư đã hoạt động lâu năm ở Việt Nam như Mizuho, Warburg Pincus, và họ cũng là đối tác của các tập đoàn tài chính lớn có vốn Nhà nước. Họ rất hiểu bối cảnh thị trường Việt Nam và đã cùng phát triển với Việt Nam tronghàng chục năm.
MoMo được coi là kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên với quy mô hiện tại thì không thể gọi MoMo là một start-up và do đó cũng không thể hưởng các “quyền lợi” như một start-up được nữa; trong khi lĩnh vực hoạt động của MoMo ở chừng mực nào đó vẫn chưa thực sự hoàn thiện về khung pháp lý. Ông có nghĩ rằng với quy mô hiện tại, trong lĩnh vực hoạt động hiện tại, đã làm nảy sinh hạn chế đối với sự phát triển của MoMo?
Hiện nay hoạt động của MoMo vẫn đang theo cả 2 mô hình. Bản thân MoMo không còn là start-up nữa. Tuy nhiên trong bộ máy nội bộ lại được chia ra thành nhiều bộ phận khác nhau, mà mỗi mô hình hoạt động như một start-up, nếu không có đổi mới sáng tạo, liên tục đưa ra các dịch vụ mới thì không thể tồn tại được. Hiện nay lĩnh vực fintech rất rộng lớn, bao gồm nhiều dịch vụ khác nhau. Tuy nhiên ở Việt Nam chỉ có chính sách về thanh toán là tương đối đồng bộ và chính thức, còn các dịch vụ khác chưa được pháp luật quy định đầy đủ. Từ đó sẽ dẫn tới vấn đề về hạn chế dung lượng của thị trường trong tương lai không xa.
Có thể nhìn nhận là hiện nay thị trường trung gian thanh toán đã bắt đầu trở nên phổ biến và trong 3-5 năm tới sẽ bão hoà, tràn ngập thanh toán không dùngtiền mặt và trên thị trường ai cũng làm thanh toán được. Vì vậy đơn vị trung gian thanh toán đang phải đối diện với câu hỏi là làm cái gì kế tiếp. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào quy định và ý chí của Nhà nước liên quan tới vấn đề sử dụng công nghệ để phát triển trong tương lai. Tôi được biết hiện nay TP.HCM đang xin cơ chế xây dựng trung tâm tài chính và khoa họccông nghệ. Tôi hy vọng chính phủ sẽ cho thành phốnhững cơ chế mở để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển, trong đó có Fintech.
Đối với riêng lĩnh vực tài chính - ngân hàng, chúng tôi kỳ vọng có chính sách mở hơn để thử nghiệm các dịch vụ mới được phép thử nghiệm, và đặc biệt với NHNN có cơ chế sandbox để fintech có thể mang thêm nhiều giải pháp ra thị trường. Những năm vừa qua fintech đóng góp lớn vào sự đổi thay của việc thanh toán không dùng tiền mặt và đến nay có thể đóng góp thêm các dịch vụ tài chính khác nữa. Vì vậy rất mong chờ mở rộng thêm các lĩnh vực mới để khám phá và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Trong năm 2022 MoMo cung cấp và hợp tác thông tin với hơn 323 đơn vị công an từ trung ương tới địa phương để hỗ trợ phòng chống tội phạm và đã hỗ trợphá nhiều vụ án lớn. Hiện nay MoMo triển khai các hệ thống rất phức hợp để phòng chống rửa tiền, trong đó sử dụng các dữ liệu được cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế cung cấp để phòng chống rửa tiền và chống kẻ xấu lợi dụng. Hàng năm MoMo là đơn vị trung gian thanh toán duy nhất đc E&Y kiểm toán về lĩnh vực phòng chống sửa tiền. |
Năm 2023 kinh tế Việt Nam được dự báo còn khó khăn và biến động khó lường. Những yếu tố này cóảnh hưởng như thế nào tới hoạt động của MoMo và xin ông chia sẻ về kế hoạch hoạt động trong năm này?
Hiện nay đối với thị trường miền Nam, MoMo hiện diện tương đối rộng rãi hơn vì đặc điểm văn hoá, địa lý khiến người dân ở khu vực này dễ chấp nhận cái mới hơn. Còn đối với khu vực phía Bắc, thì MoMo cũng đã bắt đầu phổ biến nhiều hơn ở các thành phố lớn như Hà Nội và khu vực các tỉnh lân cận. Chúng tôi coi đó là sự đột phá trong thời gian qua, nhờ tác động của chính sách, sự thích ứng của xã hội do tác động Covid-19, rồi sự phổ cập dịch vụ tài chính khi các ngân hàng đều miễn phí chuyển tiền… Tất cả các yếu tố đến cùng một lúc đã thúc đẩy việc số hoá các dịch vụ tài chính diễn ra trên diện rộng, kéo theo số hoá các hoạt động khác của nền kinh tế. Tôi cho rằng dù trong bối cảnh khó khăn thì các yếu tố này vẫn sẽ được thúc đẩy và tạo thành bối cảnh thuận lợi cho hoạt động số hoánền kinh tế nói chung và hoạt động của MoMo nói riêng. Vì vậy MoMo rất tin tưởng năm 2023 là tích cực trong giai đoạn mới, có sự đẩy mạnh đối với lĩnh vực thanh toán điện tử, chuyển đổi số trong lĩnh vực bán lẻ. Khi các bên tham gia đã thấy có lợi rồi, giải pháp có sẵn cho bất kỳ doanh nghiệp ở quy mô, cấp độ nào, và họ kiếm được lợi ích và lợi nhuận ngay tức thì thông qua chuyển đổi số, thì họ sẽ sẵn sàng dùng thôi. Khi giao dịch không dùng tiền mặt đã trôi thì các lĩnh vực khác sẽ tự trôi theo.
Xin cảm ơn ông!