Ngăn đà sụt giảm xuất khẩu gỗ
Đối mặt nhiều khó khăn
Hiện nay, mỗi năm ngành gỗ xuất khẩu thu về trung bình trên 10 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 5 thế giới, thứ 2 châu Á và đứng đầu Đông Nam Á.
Tuy nhiên, hiện ngành gỗ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn cả từ trong nước đến thị trường xuất khẩu và đang sụt giảm. Cụ thể, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2023 đạt 14,47 tỷ USD, giảm 15,4% so với năm 2022. Sự sụt giảm này diễn ra ở hầu hết thị trường xuất khẩu lớn của ngành gỗ Việt Nam như: Hoa Kỳ đạt 7,7 tỷ USD, giảm 14,67%; Trung Quốc 1,85 tỷ USD, giảm 14,5%; Nhật Bản 1,82 tỷ USD, giảm 7,5%; EU 0,45 tỷ USD, giảm 38,2%; Hàn Quốc 0,86 tỷ USD, giảm 18,8%...
Theo đại diện Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), có nhiều nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu lâm sản sụt giảm như trong thời gian qua. Trong đó, lạm phát tăng cao tại một số quốc gia xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam như: Hoa Kỳ, EU nên chính phủ các nước ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ. Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó các sản phẩm chế biến từ gỗ. Xung đột địa chính trị trên thế giới ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong khi đó, chi phí logistics, giá gỗ nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào đều tăng.
Bên cạnh đó, những chính sách bảo hộ của các quốc gia tiếp tục phát huy nhằm bảo hộ cho sản phẩm sản xuất trong nước; chính sách phòng vệ thương mại giữa các quốc gia có nhiều diễn biến phức tạp, điển hình là các vụ điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá ván dán, tủ bếp và bàn trang điểm của Hoa Kỳ, do đó cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại sản phẩm gỗ và lâm sản của nước ta.
Hiện, ngành gỗ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn cả từ trong nước đến thị trường xuất khẩu. |
Ở trong nước, những khó khăn trong quá trình thực thi cơ chế, chính sách trong nước, điển hình là việc hoàn thuế giá trị gia tăng gặp nhiều khó khăn và chậm hoàn thuế, do mất nhiều thời gian để xác minh nguồn gốc giấy tờ liên quan theo quy định của Bộ Tài chính. Những điều này cũng ảnh hưởng đến việc huy động nguồn vốn đầu tư vào sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành gỗ…
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, ngành gỗ đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ logistics, nguyên liệu, giá cả..., cạnh tranh thương mại khốc liệt. Một số thị trường chính về xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ của Việt Nam ngày càng yêu cầu thực hiện chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ đảm bảo hợp pháp, sản xuất xanh nhằm giảm phát thải khí nhà kính; nhiều nước đang muốn bảo hộ nền sản xuất trong nước và đã đưa ra quy định khắt khe.
FSC - hành trang thiết yếu
Đáng lo ngại là dự báo năm 2024 sẽ còn thêm thách thức với nguy cơ đối với xuất khẩu gỗ khi gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm hàng hóa ngày càng gia tăng; cạnh tranh thương mại tiếp tục phức tạp. Một số thị trường chính về xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ của Việt Nam ngày càng yêu cầu chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ đảm bảo hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến môi trường…
Đặc biệt là hiện nay, câu chuyện về chứng chỉ rừng bền vững (FSC) đang trở thành “câu chuyện nóng” của ngành gỗ Việt Nam. Theo ông Phạm Đình Sức, chuyên gia đánh giá của Tổ chức Đánh giá chứng nhận uy tín hàng đầu tại Việt Nam KNA CERT, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn trên thế giới. Hiện, với một số quốc gia phát triển, FSC là chứng chỉ bắt buộc nếu muốn đưa sản phẩm gỗ vào thị trường.
Đơn cử, thị trường Nhật Bản yêu cầu 100% sản phẩm gỗ nhập khẩu phải có chứng chỉ rừng bền vững. Tương tự, thị trường Đức áp dụng nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung, tác động gián tiếp đến nhà sản xuất Việt Nam với yêu cầu Việt Nam cung cấp các chứng nhận liên quan đến nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, xử lý phát thải…
Bởi thế, ngành gỗ Việt Nam phải thay đổi, hướng tới mục tiêu phát triển nguyên liệu đảm bảo hợp pháp, nhằm thực hiện các cam kết và hành động vì mục tiêu net zero vào năm 2050 của Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26)...
Chứng chỉ rừng bền vững (FSC) một trong những hành trang quan trọng để các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vượt qua khó khăn hiện nay. |
Hiện, Việt Nam có hai nguồn nguyên liệu gỗ có chứng chỉ FSC phục vụ ngành chế biến gỗ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa gồm: Nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu và từ rừng trồng trong nước. Kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khai báo có chứng chỉ FSC chiếm tỷ lệ nhỏ. Trong khi, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn trên thế giới. Các quyết định của nhà mua hàng liên quan về nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, yêu cầu gỗ có chứng chỉ FSC đang tác động lên toàn bộ chuỗi cung.
Điều đáng mừng là diện tích rừng ở Việt Nam có chứng chỉ FSC đang tăng lên trong những năm gần đây. Theo Hội đồng Quản lý rừng FSC, tính đến hết tháng 12/2023, diện tích rừng có chứng chỉ FSC là khoảng 282.960 ha, chiếm khoảng 64% tổng diện tích rừng trồng tại Việt Nam.
Đơn cử, tại thủ phủ ngành gỗ ở miền Trung cũng như cả nước là Bình Định, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định từ gỗ rừng trồng, Bình Định đã phê duyệt Đề án phát triển cây gỗ lớn giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035. Toàn tỉnh có gần 10.000 ha rừng trồng gỗ lớn; diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC gần 15.000 ha. Đến năm 2030, diện tích rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn tập trung đạt trên 30.000 ha; tỷ lệ sản lượng gỗ lớn bình quân đạt trên 60%. Kết hợp với phương thức tổ chức sản xuất mới, theo chuỗi giá trị từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gắn với đẩy mạnh thu hút dự án đầu tư chế biến sâu, sản xuất và xuất khẩu sẽ giúp Bình Định sớm đạt được mục tiêu trở thành trung tâm chế biến lâm sản công nghệ cao.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay của ngành gỗ, theo nhiều chuyên gia kinh tế, bên cạnh FSC, để ngăn được đà suy giảm của xuất khẩu gỗ thì đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu của từng doanh nghiệp phải biết cách vượt khó vươn lên.
Để làm được điều này cũng cần sự đồng hành, hỗ trợ, tiếp sức, tạo thêm lực từ các cơ quan nhà nước. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành gỗ, giải quyết những bất cập trong thực tiễn sản xuất liên quan đến cơ chế, chính sách… Tất cả những nỗ lực đó, với hy vọng chúng ta sẽ ngăn được đà suy giảm của xuất khẩu gỗ.