Tập trung khai thác “mỏ vàng” nông nghiệp
Đồng hành cùng tam nông, phát triển kinh tế địa phương HDBank thúc đẩy kinh tế hợp tác xã và chuỗi giá trị |
Nhiều tiềm năng
Hòa Vang là huyện nông nghiệp duy nhất của TP. Đà Nẵng, với diện tích đất tự nhiên 73.488 ha (chiếm 74,8% diện tích của TP. Đà Nẵng). Toàn huyện có 11 xã với 119 thôn, trong đó có 3 xã đồng bằng, 4 xã trung du, 4 xã miền núi. Kinh tế - xã hội của huyện Hòa Vang trong những năm qua phát triển khá, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ở mức 10%, ngành nông nghiệp chiếm tỷ lệ 18,1% trong cơ cấu kinh tế.
Theo UBND huyện Hoà Vang, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng bình quân 5,6%/năm, năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt khá, từng bước phát triển theo hướng hàng hóa phục vụ đô thị, ứng dụng công nghệ cao. Toàn huyện có hơn 50 mô hình sản xuất đem lại thu nhập cao cho người dân như mô hình trồng hoa Hòa Phước, Hòa Tiến, Hòa Ninh, Hòa Liên; trồng nấm Hòa Phong, Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Ninh; trồng thanh long ruột đỏ Hòa Phú, Hòa Sơn; trồng rau ứng dụng công nghệ cao Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Nhơn…
Hay như các mô hình sản xuất lúa giống, cánh đồng mẫu lớn ở Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong; nuôi trồng thủy sản Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phú, Hòa Liên; trồng cỏ nuôi bò Hoà Phú, Hoà Bắc… Nhờ vậy, chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn. Cùng với đó, kinh tế rừng trở thành nguồn thu nhập chính đối với các xã miền núi, hàng năm trồng mới 1.400ha, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng đạt 64%.
Huyện Hoà Vang có lợi thế quỹ đất tự nhiên lớn, trong đó đất nông, lâm nghiệp 65.316 ha, đất phi nông nghiệp 7.271 ha và đất chưa sử dụng 901,7 ha. Đây là tiềm năng và lợi thế lớn để huyện phát triển trong bối cảnh gắn với quy hoạch phát triển chung của TP. Đà Nẵng… Đặc biệt, là phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như khai thác chế biến lâm sản, dịch vụ du lịch - nông nghiệp kết hợp; phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Song song với đó, địa phương có điều kiện thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ở khu vực Bà Nà - Núi Chúa, Đồng Nghệ, Ngầm Đôi; du lịch trên sông nước ở Trường Định (Hòa Liên); du lịch đồng quê, vườn đồi. Nhiều hồ, đầm tự nhiên ở An Ngãi Tây (Hòa Sơn), hồ Hóc Khế có thể cải tạo thành các công viên du lịch mặt nước. Ngoài ra, nguồn tài nguyên khoáng sản hiện có trên địa bàn cũng thuận lợi cho đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng…
Nhiều chính sách để thúc đẩy phát triển
Hiện nay, Đà Nẵng đang triển khai đầu tư hỗ trợ phát triển trồng nguyên liệu gỗ lớn trên địa bàn giai đoạn 2019-2030; phát triển khai thác hải sản trên địa bàn giai đoạn 2019-2025; phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Thành phố cũng có một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện Hòa Vang giai đoạn 2022-2025.
Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng cho hay, hiện thành phố có 4 chính sách lớn liên quan đến các mũi nhọn của ngành gồm thủy sản, lâm nghiệp, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Từ năm 2019 đến nay, HĐND TP. Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết 254 về phát triển trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn; Nghị quyết 255 hỗ trợ phát triển khai thác hải sản; Nghị quyết 329 về hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn và Nghị quyết về hỗ trợ đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện Hòa Vang.
Thời gian qua, Đà Nẵng hỗ trợ nguồn lực lớn để thực hiện các Nghị quyết này. Riêng Nghị quyết về hỗ trợ phát triển xây dựng nông thôn mới, tính đến nay, ngân sách thành phố bố trí hơn 341 tỷ đồng cho huyện Hòa Vang.
Bà Hậu cho biết, đối với Nghị quyết 254 về phát triển trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn, Sở đã hỗ trợ cho các hộ dân trồng rừng nguyên liệu, với kinh phí 12 triệu đồng/ha; hỗ trợ chuyển hóa trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng nguyên liệu với mức hỗ trợ 8 triệu đồng/ha. Từ năm 2019 đến nay, có 31 hộ được hỗ trợ với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng cho diện tích 423ha.
Nghị quyết 255 hỗ trợ phát triển khai thác hải sản được đông đảo người dân tham gia với mức hỗ trợ kinh phí 40% mua bảo hiểm thân tàu khai thác, hỗ trợ 100% mua thiết bị giám sát hành trình lắp đặt tàu cá và kinh phí thuê bao năm đầu tiên; hỗ trợ 50% kinh phí trang thiết bị dùng và bảo quản máy cũng như thiết bị dùng trong khai thác hải sản. Từ 2019 đến nay, Đà Nẵng đã hỗ trợ được cho 1.149 lượt tàu cá, với tổng số tiền 25 tỷ đồng.
Cũng theo bà Hậu, các Nghị quyết 329 về hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn và Nghị quyết về hỗ trợ đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện Hòa Vang là chính sách hỗ trợ toàn diện trên lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tại thành phố.
Có thể kể đến như hỗ trợ lãi suất vay thương mại đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; khuyến khích hỗ trợ hợp tác xã liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hình thành vùng sản xuất tập trung chuyên canh; phát triển chương trình OCOP…
Hiện có 4 nhóm lớn được hỗ trợ là kết cấu hạ tầng và môi trường nông thôn; hỗ trợ phát triển sản xuất xây dựng làng nghề nông thôn; hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp; hỗ trợ cụ thể cho các xã được công nhận nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.