Ngân hàng chia sẻ lợi nhuận với cả khách hàng tiền gửi và tiền vay
Bàn giải pháp vực dậy nền kinh tế | |
Đồng hành cùng người lao động |
Tăng lãi suất tiền gửi để hỗ trợ khách hàng
Tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm, cho biết trong tháng 4/2020 ngân hàng đã tăng lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng sát khung quy định của NHNN 4,75%/năm. Sacombank tăng lãi suất huy động nhằm hỗ trợ một phần chi phí cho cá nhân và doanh nghiệp không phải rút tiền về dự trữ giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Sacombank tăng lãi suất tiết kiệm đến 0,2% đối với các cá nhân gửi tiền kỳ hạn từ 1-5 tháng và tăng 0,25% đối với tiền gửi thanh toán của doanh nghiệp; đưa mức lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng của ngân hàng này lên mức từ 4,5-4,75%/năm đối với số lượng tiền gửi dưới 200 triệu đồng. Các kỳ hạn tiền gửi 6-8 tháng lãi suất được tăng thêm từ 0,05-0,3%. Theo đó, kỳ hạn 6 và 8 tháng lãi suất tiết kiệm thông thường của Sacombank lần lượt ở mức 6,2%/năm và 6,3%/năm. Bên cạnh đó để khuyến khích người gửi tiền online ngân hàng đưa ra mức lãi suất cao hơn so với gửi tại quầy giao dịch từ 0,3-0,5%.
Các ngân hàng giữ nguyên các mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài |
Tương tự, Vietcombank cuối tháng 4/2020 cũng đã tăng lãi suất tiền gửi cho khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa của ngân hàng. Theo đó, các doanh nghiệp quy mô nhỏ có tiền nhàn rỗi chưa thực hiện thanh toán tiền hàng hóa, nguyên phụ liệu… Định kỳ ngân hàng sẽ tự động chuyển toàn bộ số tiền nhàn rỗi từ tài khoản thanh toán của khách hàng sang gửi tiết kiệm có kỳ hạn với lãi suất cao hơn đối với số tiền giao dịch từ 1 triệu đồng trở lên. Theo đó, số tiền doanh nghiệp để lại trong tài khoản thanh toán sẽ được tính lãi suất bậc thang ưu đãi theo ngày. Cụ thể: số dư tiền gửi từ 2-5 tỷ đồng lãi suất được cộng thêm 0,1%, 5-10 tỷ đồng lãi suất cộng thêm 0,2%, số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán trên 10 tỷ đồng lãi suất công thêm 0,3%.
Đây là chính sách gia tăng thêm lợi ích cho doanh nghiệp của Vietcombank nhằm giữ chân khách hàng trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, hiện tiền gửi trên tài khoản thanh toán hầu hết được áp dụng với lãi suất không kỳ hạn. Doanh nghiệp sử dụng tài khoản này cũng chỉ để thanh toán không có mục đích đầu tư, nhưng do tình hình dịch bệnh sản xuất đình trệ nhiều doanh nghiệp treo vốn trên tài khoản chờ cơ hội.
Bên cạnh một số ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn, ở những kỳ hạn dài các ngân hàng vẫn giữ nguyên không giảm lãi suất tiết kiệm. Thậm chí để khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, nhiều ngân hàng còn cộng thêm lãi suất cho người gửi tiền tiết kiệm online thay vì gửi tiết kiệm tại quầy. Đơn cử, ngân hàng Bản Việt tặng thêm lãi suất khuyến khích người gửi tiết kiệm online và sẵn sàng in sổ tiết kiệm làm tin cho người mới dùng kênh tiết kiệm online nếu có yêu cầu.
Theo thống kê của NHNN trung tuần tháng 4/2020 lãi suất huy động của các NHTM phổ biến ở mức: 0,1-0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-4,75%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,4%/năm.
Giảm lợi nhuận để hỗ trợ DN
Lý giải cho động thái này, nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết, dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người dân, doanh nghiệp. Không ít người vì lo ngại dịch bệnh đã rút tiền gửi tiết kiệm về để tích trữ tại nhà. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất giảm cũng ảnh hưởng phần nào đến hoạt động huy động của các ngân hàng. Trong bối cảnh đó, các nhà băng buộc phải nâng lãi suất huy động để giữ chân khách hàng cũng như chủ động nguồn vốn để cung ứng cho nền kinh tế khi dịch bệnh qua đi.
Tổng giám đốc Agribank Tiết Văn Thành cho biết, tính đến cuối tháng 4, tổng nguồn vốn huy động chỉ tăng hơn 0,5% so với đầu năm tương đương với giá trị tuyệt đối tăng thêm hơn 2.500 tỷ đồng. Mặc dù tín dụng của ngân hàng giảm 1,7% trong thời gian này, tương đương với mức giảm 18.000 tỷ đồng, song ngân hàng kỳ vọng nhu cầu tín dụng sẽ bật dậy từ cuối quý II/2020 sau khi dịch bệnh được kiểm soát và các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi trở lại. Vì lẽ đó ngân hàng phải “giữ chân” nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu này.
Thế nhưng hiện các ngân hàng đang giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19, nay lại tăng lãi suất huy động sẽ càng làm cho chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra thu hẹp, qua đó ảnh hưởng tới thu nhập, lợi nhuận.
Đơn cử như Vietcombank vừa giảm lãi suất đồng loạt đợt 2 cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ước tính tổng số khách hàng được giảm lãi suất đợt 2 là 90 ngàn khách hàng với quy mô tín dụng là 300 ngàn tỷ đồng, chiếm gần 50% dư nợ hiện hữu tại Vietcombank. Trước đó, ngay từ giữa tháng 2/2020, Vietcombank đã triển khai hàng loạt giải pháp ưu đãi dành cho khách hàng như giảm lãi suất cho vay đợt 1, triển khai chương trình cho vay mới với quy mô dư nợ 30.000 tỷ đồng với lãi suất siêu thấp từ 4,5-5% năm. Theo một lãnh đạo của ngân hàng này, cùng với đợt giảm lãi suất trên diện rộng lần này, dự kiến lợi nhuận của Vietcombank chia sẻ cho khách hàng trên 2.240 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý I/2020 của phần lớn các ngân hàng cũng cho thấy lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên theo Công ty chứng khoán SSI, tác động của dịch SARS-CoV-2 đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong quý đầu năm là không lớn do tình hình dịch Covid-19 bắt đầu trở nên phức tạp kể từ tuần thứ hai của tháng 3. Nhưng trong quý II/2020, các ngân hàng thực hiện chính sách hỗ trợ khách hàng thông qua việc cung cấp các gói lãi suất cho vay ưu đãi và cắt giảm chi phí giao dịch và thanh toán thì thu nhập lãi, thu nhập từ phí và thu hồi nợ xấu sẽ giảm xuống. Do vậy, SSI điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận trước thuế đối với 10 ngân hàng mà tổ chức này theo dõi lần lượt giảm 11,1% và giảm 16,4% so với dự báo trước đây.
Tổng giám đốc Sacombank cho biết, ngân hàng đã trình NHNN và Ủy ban Chứng khoán nhà nước về kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông rời sang ngày 6/5/2020 theo hình thức họp trực tuyến. Đồng thời Sacombank trình Hội đồng quản trị thay đổi kế hoạch lợi nhuận ngân hàng trong năm nay giảm từ 20-30% sau khi sử dụng các nguồn lực tài chính và cắt giảm lương thưởng của ban điều hành ngân hàng, tiết giảm tối đa mọi chi phí hoạt động để hỗ trợ người bị ảnh hưởng dịch bệnh.