Đồng hành cùng người lao động
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế đất nước. Trong đó, nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, một bộ phận không nhỏ người lao động phải ngừng việc, dừng hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc thất nghiệp. Ước tính sơ bộ đến nay, có khoảng 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc, 78% lao động ngành vận tải, giầy da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc, 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc. Hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên.
Ảnh minh họa |
Một số chuyên gia đưa ra dự báo, trong tháng 4, tháng 5 dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ước khoảng 2 triệu lao động mất việc làm. Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh, con số người lao động thất nghiệp có thể sẽ còn cao hơn nhiều... Song, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhiều doanh nghiệp chấp nhận giảm doanh thu, lợi nhuận, thậm chí thu hẹp quy mô hoạt động, nhưng không “đành lòng” sa thải nhân viên, người lao động vì hơn ai hết, doanh nghiệp luôn thấu hiểu trong lúc khó khăn này, người lao động cần có việc làm, thu nhập để duy trì cuộc sống; ngược lại sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp không thể thiếu vai trò đóng góp quan trọng của người lao động
Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó tổng giám đốc CTCP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, lực lượng cán bộ, công nhân viên chính là tài sản quý giá của doanh nghiệp. Muốn phát triển bền vững, doanh nghiệp phải lấy người lao động làm gốc, chăm lo cho đời sống của đội ngũ cán bộ, công nhân viên về mọi mặt, từ vật chất, đến tinh thần, không vì những lúc khó khăn mà bỏ rơi họ. Với định hướng đó, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, mặc dù cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực từ đại dịch, song có một điều đáng nói, không có bất cứ người lao động nào bị cho nghỉ việc, dù là lao động hợp đồng. Mọi chế độ tiền lương, an sinh xã hội, bảo hiểm, đời sống của người lao động vẫn luôn được duy trì, đảm bảo như trước khi dịch bệnh diễn ra. Duy chỉ có điều, để đảm bảo cho sức khỏe của công nhân, tránh lây lan dịch bệnh, Vissan phải áp dụng biện pháp làm việc luân phiên, tức bố trí người lao động làm việc thay nhau trong tuần, cứ 50% đi làm vào thứ 2 - 4 - 6, thì 50% sẽ làm việc vào thứ 3 - 5 - 7.
Tương tự, CTCP Thực phẩm Agrex Sài Gòn (Agrex Sài Gòn) vào những đợt cao điểm thường có đến 1.000 công nhân lao động sản xuất, tăng ca liên tục để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, trong mùa dịch bệnh hiện nay, công ty cũng thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Chính phủ về phòng ngừa dịch bệnh lây lan bằng biện pháp dãn cách nhân sự, dãn cách, giảm thời gian làm việc xuống mức tối thiểu nhất có thể, song vẫn duy trì việc làm đều đặn cho công nhân. Ông Phạm Hải Long, Giám đốc Agrex Sài Gòn chia sẻ, do thời gian làm việc giảm xuống, kéo theo thu nhập của công nhân bị giảm sút đáng kể, nhưng để đảm bảo cuộc sống, lãnh đạo công ty đã tìm cách “bù đắp” lại cho người lao động một phần thu nhập từ quỹ phúc lợi của công ty.
“Đối với những doanh nghiệp ngành thực phẩm, đội ngũ lao động chuyên nghiệp, lành nghề rất quan trọng. Chính vì vậy, đối với những khó khăn trước mắt, doanh nghiệp sẽ tìm cách khắc phục chứ nhất quyết không để cho người lao động phải mất việc, nghỉ việc, không có thu nhập bởi nếu không có người lao động doanh nghiệp không thể hoàn thành đơn hàng, không đủ người, sản xuất sẽ ngưng trệ, đình đốn. Quan trọng là doanh nghiệp phải biết nhìn đường xa, chứ không thể chỉ nhìn trước mắt. Doanh nghiệp biết chăm lo cho đời sống của đội ngũ cán bộ, công nhân viên chính là chăm lo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp mình ”, ông Long bộc bạch.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, ở những doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, hủy đơn hàng dẫn đến việc phải cho người lao động nghỉ việc chỉ là bất đắc dĩ hoặc tạm thời trong một khoảng thời gian nhất định. Phần lớn, nhiều công ty vẫn sẵn sàng chào đón người lao động quay trở lại trong bối cảnh tình hình sáng sủa hơn. Nên mặc dù một số công, nhân viên dù không đi làm toàn thời gian vẫn được đảm bảo một khoản lương, hỗ trợ một phần thu nhập nhằm duy trì cuộc sống thường nhật. Điều này không chỉ thể hiện tinh thần cùng sẻ chia, sống có trách nhiệm mà còn là triết lý sống của không ít doanh nghiệp hướng đến sự phát triển bền vững, chăm lo cho giá trị cốt lõi của chính doanh nghiệp mình dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khó khăn hay thịnh vượng.