Ngân hàng Chính sách xã hội: Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ
Hội nghị Tổng kết Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011-2020 và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vừa diễn ra hôm 21/12 tại Hà Nội. Dự hội nghị có đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; đồng chí Thào Xuân Sùng - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; đồng chí Lê Minh Hưng - Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đồng chí Triệu Tài Vinh - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Y Thanh Hà Niê KĐăm - Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; cùng đại diện các bộ, ban, ngành.
Về phía NHCSXH có đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH; đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực NHNN, Ủy viên Hội đồng quản trị NHCSXH; đồng chí Dương Quyết Thắng - Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc NHCSXH; các đồng chí là Ủy viên Hội đồng quản trị NHCSXH, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo NHCSXH…
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” cho tập thể Ngân hàng Chính sách xã hội |
Nhìn lại kết quả 10 năm triển khai Chiến lược phát triển NHCSXH, đồng chí Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết, giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt bình quân 10%/năm. Quy mô tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách tăng gấp 2,6 lần, từ 90.400 tỷ đồng năm 2010 lên 235.661 tỷ đồng ước đến thời điểm 31/12/2020.
Để đạt được kết quả này, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thời gian qua đã luôn quan tâm đến việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng đủ nguồn lực phục vụ nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, dưới các hình thức, như: bố trí NSNN cấp bổ sung vốn điều lệ, cấp bù chênh lệch lãi suất, cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo các TCTD Nhà nước tiếp tục duy trì số dư tiền gửi bằng 2% số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm trước… “Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đã giảm từ 9,88% (năm 2016) xuống còn 3,75% (năm 2019), dự kiến xuống dưới 3% (năm 2020)”, ông Thắng nhấn mạnh.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, cùng với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hoạt động tín dụng chính sách xã hội được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” quan trọng của hệ thống các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam. Trong giai đoạn 2011-2020, vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 21,4 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, gần 3,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 2 triệu lao động từ Quỹ Quốc gia về việc làm… Từ 2016 đến nay tỷ lệ giảm nghèo luôn đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao hàng năm tại Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. NHCSXH đã thực sự trở thành công cụ thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới…
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân |
Trong giai đoạn tới, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đề nghị NHCSXH tập trung vào một số nhiệm vụ sau.
Thứ nhất, cần nghiên cứu kỹ báo cáo tổng kết đánh giá thực hiện chiến lược 2011-2020 để tiếp tục phát huy những thành công, những mặt được trong quá trình thực hiện chiến lược, tham mưu các giải pháp để khắc phục cho được những mặt hạn chế.
Nhân dịp này, Thống đốc NHNN tặng Bằng khen cho 8 tập thể và 14 cá nhân ngoài Ngành; 16 tập thể thuộc NHCSXH vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chiến lược NHCSXH giai đoạn 2011-2020. |
Thứ hai, bám sát các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tới đây, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2020-2030, để xây dựng chiến lược phát triển NHCSXH trong giai đoạn 2021-2030, đảm bảo phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, cũng như phù hợp với thực tiễn.
Thứ ba, tiếp tục rà soát và tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động huy vộng vốn của NHCSXH trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định của pháp luật về tập trung huy động vốn cho tín dụng chính sách xã hội.
Thứ tư, tăng cường huy động nguồn vốn trên thị trường thông qua các hình thức: phát hành giấy tờ có giá, huy động vốn từ tiền gửi, tiền vay của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Xây dựng đề án, kế hoạch thu hút nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi và nhận ủy thác từ nước ngoài để tăng cường tìm kiếm các nguồn vốn từ nước ngoài.
Cuối cùng là tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã ban hành. Báo cáo, tham mưu cho các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các ban, bộ, ngành về hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các chương trình tín dụng phù hợp với đối tượng chính sách xã hội trong giai đoạn mới.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh: Nhiệm vụ của NHCSXH nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang
Tôi đánh giá cao NHNN, NHCSXH và các ban, bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011-2020. NHCSXH cần phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, tiếp tục phát triển theo hướng tự chủ, ổn định, bền vững và đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội mà Đảng, Nhà nước đã tin tưởng giao cho trọng trách vinh dự này. Tôi xin gợi ý và nhấn mạnh một số nội dung để các đồng chí nghiên cứu thực hiện như sau: Thứ nhất, cần căn cứ kết quả thực hiện chiến lược phát triển của giai đoạn vừa qua các ý kiến đóng góp tại Hội nghị định hướng phát triển của đất nước ta trong 5 năm và 10 năm tới cũng như chiến lược phát triển ngành Ngân hàng để xây dựng chiến lược phát triển 10 năm tiếp theo, đảm bảo tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững về xây dựng nông thôn mới, cũng như phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thứ hai, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư và Quyết định 401 của Thủ tướng Chính phủ và nội dung phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội của giai đoạn 2002 - 2017. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội thường xuyên rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo điều kiện triển khai vay vốn được kịp thời đúng đối tượng và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phổ biến, tuyên truyền và phối hợp triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Thứ ba, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng chính sách xã hội và các luật có liên quan để nhằm huy động quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, nghiên cứu, đề xuất tích hợp các chương trình tín dụng ưu đãi để tập trung nguồn lực tránh dàn trải và đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật về tín dụng chính sách xã hội. Cuối cùng, tiếp tục củng cố, kiện toàn tinh gọn tổ chức bộ máy đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và người lao động nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động chủ động tham mưu, đề xuất chính sách tín dụng phù hợp với từng giai đoạn phát triển cụ thể về định mức, thời hạn đối tượng lãi suất cho vay, đồng thời quan tâm xử lý rủi ro và các vấn đề khác có liên quan, nhất là nghiên cứu phát triển các sản phẩm dịch vụ cơ bản và các dịch vụ mới nhằm hỗ trợ đem lại nhiều tiện ích phù hợp với đối tượng khách hàng. Đảng, Nhà nước đã tin tưởng giao cho NHCSXH, nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang trong công cuộc giảm nghèo bền vững, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ công bằng xã hội. Tôi mong muốn và tin tưởng với những kết quả thành tích trong gần 20 năm qua, nhất là những thành tựu ấn tượng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển của giai đoạn 2011-2020 với sự đoàn kết nhất trí của gần 10.000 cán bộ, nhân viên và người lao động, dưới sự điều hành của Hội đồng quản trị và sự hỗ trợ giúp đỡ, phối hợp của các ban, bộ, ngành và địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất định NHCSXH sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa, xứng đáng với phần thưởng cao quý là đơn vị Anh hùng Lao động của thời kỳ đổi mới. Chúc NHCSXH không ngừng phát triển và giữ vững niềm tin của xã hội như phương châm “Thấu hiểu lòng dân tận tâm phục vụ”. |