Ngân hàng chủ động phòng ngừa rủi ro
Ảnh minh họa |
Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2022 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho thấy, thu nhập lãi thuần trong quý đạt 12.797 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước; luỹ kế 6 tháng đầu năm đạt 24.773 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài thu nhập lãi thuần, ngân hàng này còn thu về gần 3.000 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và hơn 35 tỷ đồng từ kinh doanh chứng khoán.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 với tổng thu nhập hoạt động quý II/2022 là 11.221 tỷ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái; thu nhập lãi thuần đạt gần 9.000 tỷ đồng, tăng 36,7%... Tổng thu nhập hoạt động 6 tháng của ngân hàng là 22.855 tỷ đồng, tăng 26,1%.
Đáng chú ý, tín dụng tăng mạnh tới 14,1% đã đóng góp gần 80% tổng thu nhập hoạt động. Nhờ đó, MBB trở thành một trong hai ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống tính tới thời điểm này.
Cũng trong khoảng thời gian nói trên, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh tại các mảng kinh doanh chiến lược, góp phần đưa ngân hàng vượt nửa chặng đường kế hoạch năm. Theo đó, thu nhập từ lãi trong 6 tháng qua tăng ổn định nhờ tín dụng tăng trưởng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021; thu nhập thuần từ phí tăng ấn tượng 34,5% so với 6 tháng đầu năm 2021 với gần 2.800 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thu nhập từ nợ đã xử lý tăng 26% so với cùng kỳ, đạt trên 1.700 tỷ đồng.
Nhờ thu nhập tăng, dự phòng rủi ro của các ngân hàng tiếp tục được củng cố. Hiện, Vietcombank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu 0,61% - thấp nhất trong hệ thống - nhưng vẫn tiếp tục bổ sung 2.733 tỷ đồng dự phòng rủi ro trong quý II, nâng mức dự phòng rủi ro trong 6 tháng đầu năm đạt 5.500 tỷ đồng. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu đến nay đã lên tới 514%.
Đại diện Vietcombank từng chia sẻ, việc tăng trích lập dự phòng không chỉ giúp Ngân hàng có bộ đệm để xử lý rủi ro mà còn là “của để dành” của ngân hàng trong tương lai khi quá trình xử lý nợ xấu hoàn tất. Việc hoàn nhập dự phòng rủi ro sau khi xử lý nợ xấu hoàn tất sẽ đóng góp tích cực vào lợi nhuận.
Tương tự, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đạt 279%, mức cao nhất từ trước đến nay. Ngân hàng này cũng thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo phân loại nợ, các chỉ tiêu an toàn đảm bảo theo quy định.
Ngoài ra, một số nhà băng khác cũng duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao như Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đạt 190%, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là 185%, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đạt 171,6%, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đạt 161,4%...
Dự phòng rủi ro tăng cao trong khi nhiều chuyên gia nhận định rủi ro với ngành Ngân hàng không đáng ngại đã cho thấy sự chủ động của các ngân hàng trong việc ứng phó với rủi ro có thể bất ngờ xảy ra.
Theo báo cáo "Triển vọng Thị trường Việt Nam nửa cuối năm 2022 và năm 2023" của SSI Research, rủi ro từ nợ tái cơ cấu do COVID-19 có thể không đáng lo ngại tại các ngân hàng lớn, các khoản vay tái cơ cấu do COVID-19 dường như vẫn trong tầm kiểm soát. Tổng dư nợ các khoản vay tái cơ cấu do COVID-19 vào cuối tháng 4/2022 chỉ chiếm 1,8% tổng tín dụng, giảm 24% so với đầu năm.
Tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn đối với ngành Ngân hàng sẽ trở nên rõ ràng hơn vào năm 2023. Theo SSI Research, rủi ro này liên quan đến thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Ước tính 1/4 tổng số trái phiếu bất động sản đã phát hành sẽ đáo hạn vào năm 2022, trong khi 65% sẽ đến hạn vào năm 2023 và 2024.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV nhận định, hiện nợ xấu nội bảng có vẻ như đang giảm nhưng nợ xấu tiềm ẩn lại tăng. Dự báo nợ xấu nội bảng năm 2022 sẽ được đẩy lên mức 2% và nợ xấu gộp ở mức khoảng 6%.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng chất lượng tài sản của các ngân hàng đã được cải thiện đáng kể so với giai đoạn 2016-2017. Cộng thêm bộ đệm dự phòng mạnh mẽ, các ngân hàng có thể giảm thiểu rủi ro nợ xấu gia tăng trong thời gian tới.