Ngân hàng đồng hành cùng nông dân, doanh nghiệp chinh phục thị trường EU
Lô trái cây xuất khẩu sang châu Âu theo hiệp định EVFTA được khởi hành ngày 17/9 tại Bến Tre. Ảnh: Như Huỳnh |
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, các hiệp định thương mại quốc tế đặt ra nhiều thách thức song cũng tạo cơ hội để nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nắm bắt xu hướng thị trường, tiếp cận với các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất, giúp hoàn thiện năng lực quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị liên kết mới với những ý tưởng sáng tạo, hiệu quả. Đây là cơ sở quan trọng để ngành Ngân hàng đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
Thông tin cụ thể về chính sách tín dụng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: Trong những năm qua, NHNN dành sự quan tâm lớn cho tín dụng nông nghiệp và phát triển nông thôn. NHNN đã tham gia biên soạn và ban hành nhiều nghị định, văn bản tạo điều kiện cho tín dụng tập trung cho nông nghiệp - nông thôn, như: Nghị định 14, Nghị định 55, Nghị định 116 dành toàn bộ ưu tiên, ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đầu tư vốn, cơ chế thuận lợi về thủ tục, điều kiện, lãi suất…
Theo đó, dư nợ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn khoảng 2,16 triệu tỷ đồng, chiếm 25% tổng dư nợ cả nước. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp bình quân trong 5 năm qua là 19,8%. “Đây là tỉ lệ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế. Điều này thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm vì mục tiêu phát triển nông nghiệp - nông thôn”, Phó Thống đốc nhấn mạnh và cho biết thêm, NHNN còn có nhiều chính sách riêng biệt cho nông nghiệp như chính sách tín dụng nông nghiệp công nghệ cao; thực hiện mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm; chính sách tín dụng cho nuôi trồng đánh bắt thuỷ, hải sản, trồng lúa; nhiều chính sách riêng biệt cho đồng bằng sông Cửu Long, xuất khẩu, chế biến...
Những năm gần đây, tín dụng không chỉ tăng nhanh, tăng tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, mà còn có cơ chế tháo gỡ, tạo nhanh vòng quay tín dụng tích cực hơn. Cơ chế, thể lệ, thủ tục cho lĩnh vực tín dụng nông nghiệp - nông thôn được cởi mở nhiều.
Bên cạnh đó, NHNN còn tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới, hệ thống ngân hàng phục vụ người dân tích cực hơn, đặc biệt là các chương trình của Agribank dành cho phát triển nông nghiệp nông thôn thời gian qua rất hiệu quả. Việc áp dụng công nghệ 4.0 như mô hình ngân hàng lưu động của Agribank đến tới vùng sâu vùng xa để tăng khả năng tiếp cận vốn cho người nông dân.
Nêu bật những giải pháp cụ thể của ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ nguồn vốn cho nông nghiệp - nông thôn, lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết ngoài các giải pháp trên, thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên mà ngành Ngân hàng tập trung nguồn vốn cho vay và áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND luôn thấp hơn các lĩnh vực thông thường khác. Hiện lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn rất thấp, chỉ ở mức 4,5%/năm.
Thêm vào đó, chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp luôn được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện phù hợp với thực tiễn sản xuất nông nghiệp và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, người nông dân trên con đường chinh phục thị trường châu Âu khó tính, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất góp phần ổn định nền tảng vĩ mô để các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, mạnh dạn đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mở rộng liên kết chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu.
Ngoài ra, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay nông nghiệp - nông thôn theo Nghị định 55, Nghị định 116 của Chính phủ; Đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng tham gia chuỗi liên kết, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, quản lý dòng tiền…