Ngân hàng “kim, chỉ”…
Những khoản vay “kim, chỉ”
6h sáng, khi trời còn mờ sương, chúng tôi đã có mặt tại NHCSXH Việt Nam để về với huyện nghèo Quế Phong, Nghệ An.
"Với cấp huyện, phòng giao dịch NHCSXH có tổng dư nợ đạt 1.000 tỷ đồng, thuộc diện vào “top” rồi đấy, còn bình thường cũng chỉ được 300-600 tỷ đồng mà thôi", anh Hải chia sẻ.
NHCSXH và lãnh đạo xã trực tiếp giải đáp các thắc mắc của người dân tại trụ sở UBND xã Vĩnh Ninh |
"Năm nay, chúng em được “thoát nghèo” rồi anh ạ, tất cả là nhờ nguồn vốn của NHCSXH đấy. Chúng em vay NHCSXH từ 20 triệu đồng đối tượng hộ nghèo, rồi tăng lên 40 triệu đồng. Từ những đồng vốn ấy, gia đình chúng em thả cá, nuôi gà, chăn bò, trồng quế… tất cả đã và đang mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình. Có lẽ hết năm nay, nhà em sẽ không còn nằm trong danh sách hộ nghèo nữa, nhưng cán bộ NHCSXH nói chúng em vẫn sẽ tiếp tục được vay vốn từ NHCSXH đối với hộ cận nghèo để tiếp tục phát triển. Vừa rồi, NHCSXH huyện Quế Phong cũng đã giải ngân 100 triệu đồng để gia đình phát triển sản xuất. Anh nhìn kìa, cây quế ấy mà bán đi cũng phải cho thu nhập hơn chục triệu đồng/cây", chị Vi Thị Hồng, bản Cọ Muồng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong, chỉ cho chúng tôi thân quế già thẳng tắp giữa lưng đồi nói. “Bây giờ, trừ chi phí đi mỗi năm gia đình cũng phải để ra được 70 triệu đồng anh ạ!”.
Mẹ con chị Vi Thị Hồng nuôi cá nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH |
Không chỉ giúp người dân thoát nghèo, đồng vốn của NHCSXH còn giúp nhiều em học sinh đến trường, bước vào giảng đường, mở ra một tương lai tươi sáng hơn. Hình ảnh hai chị em cô giáo Vi Thị Kim Liên, khối 11, thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, đang làm giáo viên của trường THCS Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An làm chúng tôi xúc động. Không may mồ côi cha mẹ khi vừa tốt nghiệp THPT, những tưởng cánh cửa tri thức đã khép lại song được bà con nâng đỡ, lại được NHCSXH cho vay vốn đi học để viết tiếp ước mơ, tốt nghiệp, ra trường hai cô lại quay về mái trường xưa đứng trên bục giảng.
Cô tâm sự, khi đó chúng tôi như người “chết đuối vớ được cọc” nguồn vốn của NHCSXH huyện Quỳ Hợp đã giúp cả hai chị em có thể tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm! Không có 6 năm vay vốn từ NHCSXH để đóng học phí năm nào thì làm sao chúng em có thể đứng trên bục giảng ngày hôm nay! Cái công, cái đức của NHCSXH làm sao đong đếm được hả anh! Chúng em chỉ có thể ghi bằng cả tấm lòng…
Hình ảnh những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo của chị Đỗ Thị Sáu, xã Liên Thủy, Lệ Thủy - nơi đây vốn là vùng rốn lũ Lệ Thủy, Quảng Bình - khiến tôi không sao quên được. Cô khóc khi đang ở trong ngôi nhà của mình, một ngôi nhà vượt lũ. Cô khóc khi nhớ lại cái cảnh cô phải cho đứa con còn nhỏ vào trong chậu thau để tìm nơi tránh lũ. Nơi cô ở vốn là vùng rốn lũ năm nào nước cũng lên cao cả mét, mỗi khi lũ lên, cô phải dầm mưa cùng con tìm nơi trốn lũ…
”Giờ thì khác rồi anh, căn nhà vượt lũ đã có thể giúp mẹ con tránh được những ngày lũ về…”, chị Sáu nói về ngôi nhà được xây dựng một phần từ nguồn vốn của NHCSXH huyện Lệ Thủy.
Rồi hình ảnh ông cụ 90 tuổi Trương Đình Thắt ở thôn Nam Cổ Hiền, xã Hiền Ninh bên cạnh bà cụ hơn 80 tuổi đang nằm liệt giường cũng khiến tôi rưng rưng.
"Nếu không có căn nhà vượt lũ này, chúng tôi cũng chẳng biết “trốn” đâu nữa. Giờ thì yên tâm rồi chú à….", ông nói và cho biết cũng được NHCSXH Lệ Thủy cho vay 15 triệu đồng xây nhà chòi tránh lũ, lại được các tổ chức hội đoàn thể giúp đỡ để có được nơi tránh lũ an toàn, chắc chắn...
Cụ 90 tuổi Trương Đình Thắt ở thôn Nam Cổ Hiền, xã Hiền Ninh bên căn nhà vượt lũ do các tổ chức hội hỗ trợ và nguồn vốn vay của NHCSXH |
"NHCSXH luôn quan tâm đến những người yếu thế, cho họ cơ hội để làm lại cuộc đời nhà báo ạ!", anh Hải chia sẻ.
Thấu hiểu sự kỳ thị của xã hội đối với những đối tượng lầm lỗi, NHCSXH đã mạnh dạn đề xuất cho người hoàn lương được vay vốn. Theo đó, người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện ma túy… đều được hỗ trợ vay tiền cho việc mua sắm các loại vật tư, vật nuôi, thức ăn gia súc gia cầm, công cụ lao động, hàng hóa, đầu tư làm các nghề thủ công, góp vốn kinh doanh với cá nhân, tổ chức khác…
“Chúng tôi đã lầm lỡ khi theo các đối tượng quá khích gây rối trong vụ việc Formosa cách đây không lâu. Chúng tôi đã phải trả giá cho những lỗi lầm của mình... Tôi cũng không ngờ Đảng, Nhà nước và chính quyền nơi đây vẫn quan tâm đến những người lầm lạc này. Chúng tôi đã được NHCSXH huyện Lệ Thủy và Hội Nông dân tạo điều kiện cho vay vốn. Với số tiền này, chúng tôi có thể mua ngư lưới cụ để ra khơi đánh bắt con cá, con tôm… Với mỗi chuyến ra khơi, chúng tôi sẽ thu được từ 1-3 triệu đồng”, ông Lê Văn Bình, xã Ngư Thuỷ, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình chia sẻ.
Ông Lê Văn Bình, xã Ngư Thuỷ, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình - người hoàn lương - vừa được nhận vốn từ NHCSXH để phát triển kinh tế biển |
Những thực chứng trên cho thấy, tuy những khoản vay của NHCSXH đều “kim, chỉ” nhưng nó đóng vai trò vô cùng quan trọng, là ngòi dẫn, là động lực hay nói cách khác là cái “cần” để giúp những người nghèo câu lấy những con “cá” để thay đổi số phận, thay đổi cuộc đời. Bởi mỗi khoản vay của NHCSXH là sự vào cuộc của cả hệ thống từ các hội đoàn thể, đến chính quyền cấp xã và cao hơn là cấp huyện, tỉnh…
Khi nguồn vốn được ngân hàng giải ngân, các cấp hội đoàn thể đều là những cánh tay, những con mắt nối dài giúp cho người được vay vốn tăng gia sản xuất thu lợi chính đáng. Đồng thời, đấy cũng chính là những cánh tay nâng đỡ để giúp người vay vượt qua khó khăn hoàn thành nghĩa vụ với ngân hàng…
Nhọc nhằn những người cõng vốn xuống bản…
Tôi hỏi anh Nguyễn Việt Hải, sao NHCSXH lại phải xuống tận xã để giao dịch? Anh cười, nhà báo nghĩ xem, đối tượng cho vay của NHCSXH là những người nghèo, những người yếu thế quanh năm chỉ quanh quẩn với xóm làng, liệu họ có mạnh dạn đến trụ sở ngân hàng để đặt vấn đề vay vốn không? Lại nữa, vài cán bộ ngân hàng xuống với dân hơn hay là để cả trăm người lên với ngân hàng! Rồi có những hộ dân cả đời chưa được cầm trong tay đến vài triệu đồng, nay họ cầm cả chục triệu đi đường nhỡ có bất trắc gì thì sao? Thôi thì, ngân hàng vất vả một chút để mang lại an toàn, tiện lợi cho người dân thì cũng đáng lắm!
Câu nói của anh làm tôi nhớ đến hình ảnh anh Trần Văn Tài, Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Bình khi nhận lời trả lời phỏng vấn của đài truyền hình, các anh hỏi chi cũng được nhưng đừng quay ở phòng làm việc. Phải làm sao cho hình ảnh của tôi thật gần gũi với người dân, với đồng bào, có như vậy người nghèo, người yếu thế mới dám đến với NHCSXH, mới không tạo khoảng cách với người dân…
Có lẽ, gần gũi với người dân đã là phương châm “nằm lòng” của mỗi cán bộ áo hồng NHCSXH! Tôi nhẩm tính, dư nợ một phòng giao dịch cấp huyện vào khoảng 500 - 800 tỷ đồng, nhưng mỗi món vay chỉ tối đa được 100 triệu đồng thì mỗi chi nhánh NHCSXH phải “gánh” cả chục ngàn khoản vay. Điều đó cũng đồng nghĩa với mỗi cán bộ ngân hàng phải gánh khoảng vài ngàn món vay…
Tôi chợt nhớ câu chuyện vui về gia đình anh cán bộ tín dụng trẻ vùng cao về thăm vợ. Chẳng mấy khi gần nhau nhưng khi vợ cho con ngủ, anh vẫn vào bàn viết hồ sơ để hôm sau kịp xuống bản giải ngân vốn… Khi anh chồng buông bút thì đồng hồ đã chỉ 1h sáng còn vợ và con đã ngủ từ khi nào. Anh cười, biết làm răng bây chừ, người dân họ đúng hẹn lắm, họ tích cóp từng đồng để trả cho ngân hàng đúng hạn. Mình là cán bộ ngân hàng chính sách làm sao lỡ hẹn với dân được…
Có một điều rất “lạ” ở NHCSXH là tuy cho vay toàn hộ nghèo, các đối tượng chính sách, người yếu thế… thế nhưng tỷ lệ nợ quá hạn của ngân hàng luôn “nằm đáy”. Anh Hải cười, nhà báo có biết tại sao lại thế không? Nói thật, người nghèo thì nghèo thật nhưng họ rất giàu lòng tự trọng! Ngân hàng chẳng mấy khi phải nhắc đâu, gần đến ngày là các tổ, hội họ đã nhắc nhau rồi, chẳng may có hộ gặp khó khăn thì bản thân các tổ trưởng, rồi các tổ viên họ xúm nhau vào giúp đỡ để thành viên luôn có thể hoàn thành trả nợ, lãi đúng hạn.
Thay lời kết…
Tôi chợt nhận ra câu nói “không để ai bị bỏ lại phía sau” đang bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt. “Tấm áo” tín dụng đang dần vá lành những mảnh đời thiếu khuyết của những hộ nghèo, cận nghèo, những mái nhà vượt lũ, rồi những mảnh đời hoàn lương… Tất cả nếu họ có ý chí vươn lên sẽ có bàn tay của ngân hàng, có đồng vốn NHCSXH nâng đỡ, giúp họ có thể hoàn thành được giấc mơ thay đổi của mình.
Và tôi cũng chợt hiểu ra tại sao Thống đốc NHNN Việt Nam luôn được giao trọng trách làm Chủ tịch HĐQT NHCSXH - ngân hàng “kim chỉ”, mà không phải là làm chủ tịch HĐQT của những ngân hàng trăm, ngàn tỷ khác…! Bởi đó là sự cam kết mạnh mẽ nhất của Chính phủ của ngành Ngân hàng, là sự quan tâm thiết thực và cụ thể bằng hành động, bằng nguồn vốn cho những mảnh đời còn thiếu khuyết.