Ngân hàng ngoại gia tăng sức ép
Thấy gì qua hoạt động của các ngân hàng ngoại | |
Ngân hàng ngoại cơ cấu hoạt động |
Ảnh minh họa |
Thị trường tiền tệ vừa chứng kiến sự ra mắt của một ngoại binh mới. Theo đó Shinhan Card - công ty phát hành thẻ tín dụng hàng đầu tại Hàn Quốc vừa chính thức khai trương Công ty tài chính TNHH một thành viên Shinhan Việt Nam (Shinhan Finance) tại TP. Hồ Chí Minh hôm 2/7 vừa qua. Đây là công ty tài chính tiêu dùng 100% vốn nước ngoài (trước đây là Công ty tài chính Prudential Việt Nam - Prudential Finance), chính thức hoạt động dưới thương hiệu Shinhan Finance từ năm 2019.
“Tôi rất vinh dự có cơ hội trở thành một phần của thị trường tài chính đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam”, ông Lim Young Jin - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Shinhan Card phát biểu tại buổi lễ ra mắt.
Đúng như những chia sẻ của ông Lim Young Jin, thị trường tài chính - tiền tệ của Việt Nam đang có bước phát triển vô cùng mạnh mẽ và ngày càng sôi động hơn với sự góp mặt ngày càng đông của các định chế tài chính nước ngoài.
Quả vậy chỉ cách đây ít ngày, hôm 25/6 vừa qua Công ty tài chính LOTTE (LOTTE Finance) cũng chính thức ra mắt thị trường Việt Nam sau 6 tháng triển khai hoạt động kinh doanh. Trước đó, một đại diện khác cũng đến từ Hàn Quốc là Ngân hàng Kookmin cũng đã chính thức khai trương chi nhánh tại Hà Nội, chi nhánh thứ hai của ngân hàng này tại Việt Nam…
Hiện thị trường tiền tệ Việt Nam đã có 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài gồm ANZ, HSBC, Standard Chartered, Shinhan Bank, Hong Leong Bank, CIMB Bank, Public Bank Berhad, Wooribank và mới đây nhất là UOB. Bên cạnh đó là khoảng 5 chục chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hơn 5 chục văn phòng đại diện của các TCTD nước ngoài và nhiều công ty tài chính 100% vốn nước ngoài nữa...
Chắc chắn các con số này vẫn chưa dừng lại khi mà hiện nhiều định chế tài chính lớn của nước ngoài vẫn đang bày tỏ mong muốn được góp mặt trên thị trường tiền tệ của Việt Nam, kể cả thông qua con đường mua lại các ngân hàng yếu kém trong nước.
Bên cạnh việc tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam mà năng lực tài chính của khối ngoại cũng ngày càng được nâng cao. Đơn cử, Ngân hàng TNHH MTV Public Việt Nam vừa được NHNN Việt Nam chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 3.645 tỷ đồng lên 6.645 tỷ đồng. Số liệu thống kê của NHNN Việt Nam cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng vốn tự có, vốn điều lệ của khối ngân hàng liên doanh - nước ngoài luôn cao hơn gấp 2-3 lần so với khối NHTM Nhà nước và NHTMCP.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 4, vốn tự có của khối ngân hàng liên doanh - nước ngoài đã tăng 8,7% lên 177.037 tỷ đồng; trong khi tốc độ tăng vốn tự có của khối NHTM Nhà nước chỉ là 5,06% và khối NHTMCP là 4,18%. Tương tự, vốn điều lệ của khối ngân hàng liên doanh - nước ngoài cũng tăng 2,76% lên 116.619 tỷ đồng, trong khi cùng thời gian này, vốn điều lệ của các ngân hàng nội chỉ tăng tương ứng là 0,75% và 0,61%.
Không chỉ mở rộng hoạt động theo bề nổi, mà khối ngoại cũng đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu. Bằng chứng là thời gian gần đây, NHNN đã liên tục có quyết định bổ sung thêm hoạt động cho các TCTD nước ngoài, như việc bổ sung thêm hoạt động lưu ký chứng khoán cho ngân hàng 100% vốn Hàn Quốc Wooribank Việt Nam mới đây…
Thế nhưng đáng quan tâm hơn cả là sự lấn sân của khối ngoại trong mảng ngân hàng bán lẻ, đặc biệt là tài chính tiêu dùng – những mảng mà trước nay vốn được xem là thế mạnh của các TCTD trong nước. Một ví dụ điển hình là Shinhan, sau khi bỏ ra 151 triệu USD để thâu tóm Công ty tài chính tiêu dùng Prudential Finance tại Việt Nam, Shinhan Finance không giấu giếm tham vọng trở thành một trong những công ty tài chính hàng đầu tại Việt Nam.
“Với sự kết hợp vững chắc giữa nền tảng công nghệ và các sản phẩm tài chính vượt trội của Shinhan Card cùng “di sản” hơn 10 năm kinh nghiệm phát triển thị trường cho vay tiêu dùng của Prudential Finance, Công ty tài chính Shinhan Việt Nam cam kết nỗ lực để trở thành công ty tài chính hỗ trợ khách hàng tốt nhất Việt Nam”, ông Lim Young Jin cho biết.
Không khó để thấy việc các định chế tài chính nước ngoài tăng cường hoạt động tại Việt Nam là để khai thác lợi thế của một thị trường gần 100 triệu dân với cơ cấu dân số trẻ, kinh tế phát triển nhanh, ổn định của Việt Nam. Bên cạnh đó là để đón đầu các cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA mà Việt Nam vừa ký kết và đang thực thi.
Tuy nhiên, sự gia tăng hoạt động của khối ngoại cũng khiến cho sức ép cạnh tranh trên thị trường tiền tệ ngày càng trở nên khốc liệt; song đó cũng là điều đã được dự báo từ sớm. Thế nhưng, sự góp mặt của khối ngoại cũng mang đến nhiều cơ hội cho thị trường tiền tệ trong nước và người tiêu dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.