Tỷ giá tiếp tục chịu nhiều sức ép
Thị trường tài chính toàn cầu đang phải trải qua những biến động rất mạnh, nhất là sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất lần thứ 3 liên tiếp trong quý III ở mức 0,75% và là lần tăng thứ 5 liên tiếp từ đầu năm.
Sức nóng tăng trên thị trường ngoại hối
Theo số liệu của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đồng USD đã tăng gần 20% so với đầu năm; trong khi đồng tiền của các nước đều mất giá mạnh so với đồng USD, như đồng Bảng Anh giảm 25,3%; đồng Euro giảm 18,31%; đồng Nhân dân tệ giảm 13,44%...
Trong phiên giao dịch ngày 4/10/2022, tỷ giá USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng so với cuối tháng 9/2022. Tại Vietcombank, giá mua – bán USD hiện ở mức 23.720-24.030 đồng/USD, tăng 20 đồng so với cuối tuần trước. Tương tự, BIDV tăng 20 đồng lên 23.750-24.030 đồng/USD. ACB và Sacombank lần lượt niêm yết tỷ giá USD giao dịch bằng tiền mặt ở mức 23.700-24.050 đồng/USD và 23.700-24.035 đồng/USD… Mức tăng này đã vượt dự báo của nhiều công ty phân tích về biến động tỷ giá VND/USD trong cả năm 2022.
Fed tăng mạnh lãi suất đang đẩy đồng USD tăng giá mạnh |
Lãi suất và giá trị đồng USD tăng trong bối cảnh hàng hoá thế giới và lạm phát toàn cầu ở mức cao đã gây khó khăn cho việc điều hành chính sách tài khoá - tiền tệ của chính phủ các nước. Điều này cũng khiến nhiều quốc gia (nhất là các nước đang phát triển và các nền kinh tế thu nhập thấp) bị gia tăng gánh nặng trả nợ quốc tế và nguồn vốn đầu tư nước ngoài giảm sút mạnh. Trong bối cảnh đó, NHNN đã điều hành tỷ giá chủ động, phù hợp, vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt hơn, “giảm chấn” cú sốc bên ngoài, vừa bán lượng lớn ngoại tệ can thiệp để bổ sung nguồn cung thanh khoản cho thị trường. Ước tính, 9 tháng đầu năm 2022, VND mất giá khoảng 4% so với USD, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Từ công tác điều hành linh hoạt, cân đối trên tất cả các yếu tố của nền kinh tế điều hành CSTT đã góp phần ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất, đưa lãi suất đồng USD lên mức 4,6% trong năm 2023 để kiềm chế lạm phát là có thể xảy ra. Bên cạnh đó, cầu ngoại tệ trong nước thường có xu hướng tăng cao trong những tháng cuối năm. Những yếu tố này chắc chắn sẽ tạo sức ép không nhỏ lên điều hành tỷ giá trong những tháng còn lại của năm 2022, thậm chí kéo dài sang năm 2023.
Kiên định với mục tiêu giữ ổn định giá trị VND
Hiện nay, đa số chuyên gia và công ty phân tích đều cho rằng, VND có thể mất giá trong năm 2022 song mức độ là không lớn khi so sánh với nhiều đồng tiền trên thế giới. Cụ thể, VNDirect dự báo VND mất giá khoảng 3,5-4% so với đồng USD trong năm 2022. Bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thì đưa ra kịch bản mất giá của VND cho cả năm nay là từ 4-5%. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV dự báo tỷ giá trong ba tháng cuối năm vẫn trong tầm kiểm soát, với mức tăng 4-4,5% cả năm.
Đặt trong bối cảnh chung của tình hình biến động tỷ giá trên thị trường thế giới, có thể thấy NHNN rất quyết tâm trong việc bảo vệ giá trị đồng nội tệ. Để đạt mục tiêu này, NHNN đã có tính toán, dự báo căn cứ trên những yếu tố hỗ trợ, tạo bộ đệm cho công tác điều hành tỷ giá. Đầu tiên là cán cân thương mại thặng dư. Tính chung 9 tháng năm 2022, ước tính cả nước xuất siêu 6,52 tỷ USD. Nhiều tổ chức dự báo cán cân thương mại Việt Nam cả năm nay sẽ duy trì trạng thái xuất siêu trong khoảng 4-8 tỷ USD, qua đó bổ sung một nguồn lực quan trọng để giữ ổn định tỷ giá.
Yếu tố khác là giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam tăng mạnh; 9 tháng năm 2022 ước tính đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua. Dự kiến, trong năm 2022 tình hình giải ngân vốn nước ngoài sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tích cực, với tỷ lệ giải ngân trong khoảng 12-14%. Thêm yếu tố nữa, lượng kiều hối chảy mạnh về nước trong dịp cuối năm sẽ góp phần tạo lượng cung ngoại tệ dồi dào cho nền kinh tế. Theo số liệu của NHNN, năm 2021 kiều hối đạt 12,5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2020. Dự báo năm nay kiều hối về Việt Nam có thể duy trì mức tăng trưởng tối thiểu là 5%-7%.
Đồng tình với sự kiên định trong công tác điều hành của NHNN, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng lưu ý, mất giá đồng nội tệ là một trong những nguyên nhân căn bản khiến cho tỷ lệ lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia, bên cạnh yếu tố nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Vì vậy NHNN cần quán triệt quan điểm điều hành tỷ giá là phải giữ ổn định tỷ giá, làm cơ sở để ổn định thị trường tài chính, kiểm soát lạm phát và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về công tác tín dụng và truyền thông tổ chức cuối tuần qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN kiên định mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng để thực hiện nhiệm vụ giữ ổn định tỷ giá. Nếu chúng ta bơm tiền mạnh ra thị trường sẽ ảnh hưởng lớn đến sự biến động của tỷ giá. Ở chiều ngược lại, Thống đốc nhấn mạnh, việc giữ ổn định giá trị đồng tiền cũng chính là thể hiện sự nhất quán với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo môi trường kinh doanh để tạo đà phục hồi khi khó khăn đã qua đi.