Ngân hàng nỗ lực kích cầu tín dụng
MSB dành 3.000 tỷ đồng tín dụng xanh cho doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội tăng trưởng lớn Thay đổi nào TCTD phải được chấp thuận của NHNN theo Luật Tổ chức tín dụng 2024 |
Hàng loạt gói vay ưu đãi
Bức tranh kinh tế năm 2024 dù còn tồn tại nhiều thách thức nhưng không ít chuyên gia lạc quan cho rằng, đây sẽ là năm bản lề cho sự bứt phá, dựa trên nền tảng những thành quả đã đạt được trong năm 2023, cũng như triển vọng về đầu tư công và tư nhân trong và ngoài nước. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm trong thời gian vừa qua cũng kích thích nhu cầu vay vốn từ doanh nghiệp.
Không chỉ giảm lãi suất chung, các nhà băng còn tung ra nhiều gói ưu đãi riêng cho từng nhóm doanh nghiệp. Đơn cử như VietinBank đã ra mắt Gói ưu đãi lãi suất STEP UP với quy mô lên đến 300 nghìn tỷ đồng, trong thời gian từ tháng 1/2024 cho đến hết tháng 4/2024. Theo đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang sử dụng đa dạng sản phẩm dịch vụ tại VietinBank, chuyển nguồn thu xuất khẩu về giao dịch tại VietinBank, các khách hàng đang hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và NHNN sẽ được ưu tiên áp dụng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 5%/năm cho các khoản vay ngắn hạn bằng VND.
Các ngân hàng không ngừng tung ra nhiều gói vay ưu đãi để kích cầu tín dụng |
Còn tại SHB, 5,79% là mức lãi vay mà ngân hàng này mời chào trong gói ưu đãi mới đây cho khách hàng cá nhân. Các doanh nghiệp cũng có mức lãi tương tự, tùy vào từng nhu cầu vay, cho cả các khoản ngắn hạn và trung dài hạn.
Ông Đinh Ngọc Dũng - Phó Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng Doanh nghiệp SHB cho biết: “Gói 10.000 tỷ đồng của SHB có mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,79%/năm, giảm so với trước đây là 0,6%/năm. Gói lãi suất này áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất với kỳ hạn vay dưới 6 tháng”.
Ngân hàng BIDV cũng dành khoảng 630.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi. Với lợi thế về quy mô, lãi suất đã được điều chỉnh giảm sâu xuống dưới 5%/năm, tức là chỉ tương đương mức huy động của một số ngân hàng nhỏ hơn.
Không chỉ cạnh tranh về lãi suất, nhiều ngân hàng còn tăng cạnh tranh bằng các tiện ích đi kèm. Đơn cử như Vietcombank giảm luôn 0,5% lãi suất cho các khách hàng đang vay vốn ở một số lĩnh vực, mà không cần phải đi vay khoản mới mới được hỗ trợ. Đồng thời, đa dạng thêm các hình thức thế chấp, tín chấp không cần tài sản đảm bảo để thu hút người vay.
Bà Phùng Nguyễn Hải Yến - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank nhận định: “Ngoài việc giảm lãi suất để hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng, chúng tôi đã đưa ra rất nhiều chính sách liên quan đến giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ khách hàng trong quá trình có thể triển khai áp dụng hồ sơ online để tạo điều kiện cho khách hàng giảm chi phí về mặt tiếp cận tín dụng của ngân hàng”.
Tại ACB, nhận định sự sôi động trở lại của thị trường xuất nhập khẩu, ngân hàng này đã nhanh chóng triển khai các gói dịch vụ giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu tối ưu chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh ngay đầu năm 2024. Theo đó, để hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hiệu quả kinh doanh, ACB đã thay đổi một số chính sách dịch vụ nhằm giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, thời gian, giao dịch thuận tiện và nâng cao uy tín trên thị trường. Bên cạnh việc tài trợ vốn với nhiều ưu đãi cho khách hàng, ACB cung cấp dịch vụ bảo lãnh, thanh toán quốc tế với mức phí cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ngoài ra, đội ngũ tư vấn của ngân hàng còn giúp doanh nghiệp sắp xếp, chuẩn bị bộ chứng từ hợp lệ, thương lượng các điều khoản thanh toán để giao dịch với đối tác nước ngoài suôn sẻ.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang gặp khó, tiền gửi của người dân trong hệ thống ngân hàng lại cao kỷ lục, các nhà băng đang cạnh tranh quyết liệt để tìm khách hàng vay tốt. Chính vì vậy, đây là cơ hội cho doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng với mức chi phí ưu đãi, thủ tục ngày càng thuận lợi hơn.
Chính sách tài khoá cần vào cuộc
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đánh giá, năm 2024, room tín dụng không còn là vấn đề với ngân hàng. Dư địa cho vay nhiều, quan trọng là ngân hàng kiếm được khách hàng tốt cho vay, nhất là trong bối cảnh thị trường khó khăn, sức cầu yếu và nợ xấu cũng gia tăng. Vì vậy, nếu chỉ có sự nỗ lực của riêng ngành Ngân hàng là chưa đủ, mà cần có sự chung tay của các bộ, ngành và địa phương trong việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như cho các tổ chức tín dụng.
Cần sự đồng bộ của nhiều chính sách nhằm tăng cầu tín dụng từ nền kinh tế |
Lãnh đạo ngân hàng VietinBank đề nghị, trong bối cảnh tín dụng sụt giảm dù room tín dụng rất dồi dào, định hướng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 15%, Chính phủ cần có chiến lược kích cầu. Đồng thời, các địa phương cần có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý cho các dự án, doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn cho rằng, trong điều kiện hiện nay, các chính sách tài khoá, đặc biệt đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp là chìa khoá để kích thích sản xuất, tiêu dùng. Qua đó nhu cầu sử dụng vốn sẽ tăng thêm, vốn của NHTM mới phát huy tác dụng. Ngoài ra, lãnh đạo Agribank đề xuất Chính phủ cần triển khai các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi xanh để đáp ứng các xu hướng, tiêu chuẩn quốc tế.
Về phía NHNN, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, năm 2024, kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khó khăn dưới tác động của điều kiện tài chính thắt chặt, xung đột địa chính trị, rủi ro tài chính gia tăng… Tăng trưởng kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với các thách thức khi cầu thế giới dự kiến vẫn tăng thấp, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 được nhiều tổ chức quốc tế dự báo thấp hơn 2023, tác động đến hoạt động thương mại, đầu tư và các ngành sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo.
Trong bối cảnh đó, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các TCTD năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, về lãi suất, NHNN sẽ điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.