Ngân hàng số - xu hướng phát triển bền vững
Đó là ý kiến được trao đổi tại Hội thảo giới thiệu kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ “Triển khai chương trình chuyển đổi số và phát triển hoạt động ngân hàng số của hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” do Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) kết hợp cùng nhóm nghiên cứu tổ chức sáng 16/2. Đề tài do Ths. Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán làm chủ nhiệm.
Toàn cảnh Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược ngân hàng nhận định, câu chuyện về chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề đang là một chủ đề được cả xã hội quan tâm, trong đó ngân hàng với vai trò huyết mạch của nền kinh tế là Ngành được đánh giá đi đầu trong quá trình này, kết quả chuyển đổi số ngành Ngân hàng sẽ có tác động lan toả đến nhiều ngành nghề khác trong xã hội. Với vai trò là cơ quan quản lý, NHNN cũng đã chủ động sớm trong ban hành hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số của các nhà ngân hàng.
Thực tế đã chứng minh, bất cứ TCTD nào “đi tắt đón đầu”, nhận thức sớm, triển khai sớm chuyển đổi số thì đã gặt hái được nhiều “trái ngọt”, nâng tầm quy mô, thương hiệu, dịch vụ của ngân hàng. Có thể thấy, chuyển đổi số ngành Ngân hàng Việt trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo tác động lan toả, phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Cụ thể, theo nhóm nghiên cứu, đã có 95% trong số các TCTD tham gia khảo sát cho biết đã và đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 39% đơn vị đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh/công nghệ thông tin; 42% đơn vị đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Cùng với đó, hầu hết các đơn vị đều đã có sự sẵn sàng cao đối với các công nghệ mới, giải pháp kỹ thuật trong các hoạt động nghiệp vụ và cung ứng sản phẩm, dịch vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng trải nghiệm khách hàng.
TS. Phạm Minh Tú – Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược ngân hàng phát biểu khai mạc Hội thảo |
Một số dịch vụ ngân hàng (thanh toán, nhận tiền tiết kiệm) gần như đã được số hóa 100% cho phép khách hàng thực hiện tất cả các khâu trong quy trình sử dụng dịch vụ thanh toán (từ mở tài khoản, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nộp rút tiền tiết kiệm thông qua tài khoản thanh toán,...).
Bên cạnh đó, các TCTD tham gia khảo sát đều đang tích cực triển khai cung cấp các dịch vụ, tiện ích trên kênh số: chuyển tiền, tiết kiệm trực tuyến, thanh toán hóa đơn, thanh toán thương mại điện tử (e-commerce) là các tính năng đang được triển khai rộng rãi nhất (từ 48,4% đến 79,0% đơn vị đang cung cấp các dịch vụ này trên kênh số).
Cũng theo nhóm nghiên cứu, hiện đang có rất nhiều cơ hội để các nhà băng Việt đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Đơn cử như về mặt công nghệ, tự động hóa quy trình bằng Rô-bốt (RPA) giúp các TCTD Việt Nam có tiềm năng nâng cao lợi nhuận, hiệu quả hoạt động nhờ tiết giảm chi phí vận hành, quản lý và tăng doanh thu từ các sản phẩm, dịch vụ hiện hành và mở ra nguồn doanh thu mới từ các sản phẩm mới, sáng tạo. Sự nổi lên và ứng dụng các công nghệ mới như mạng Internet di động thế hệ mới (5G/6G), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo/học máy (A.I/M.L), công nghệ Blockchain… sẽ giúp các TCTD trong nước định hình lại mô hình kinh doanh, quản trị, hướng tới việc xây dựng các ngân hàng số thông minh trong tương lai.
Xu hướng chuyển đổi số của các ngành, lĩnh vực có liên quan như thương mại điện tử, dịch vụ tiện ích (viễn thông, điện, nước,…) cũng ngày càng phát triển mạnh, tích hợp sâu rộng hơn đối với ngành Ngân hàng giúp phát triển các hệ sinh thái ngân hàng và các mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo, mang lại nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện lợi, chi phí thấp hơn cho khách hàng.
Ths. Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán trao đổi về kết quả nghiên cứu của đề tài |
Theo nhóm nghiên cứu, những xu hướng lớn trên sẽ hỗ trợ các TCTD trong nước đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, nhanh chóng bắt kịp và phát triển năng lực số tự thân để thích ứng tốt, cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững trong một môi trường hoạt động mới đầy thách thức.
Tuy vậy, việc thiếu hành lang pháp lý đồng bộ từ phía các cơ quan quản lý có thể làm chậm quá trình số hóa của TCTD. Ngoài ra, thách thức liên quan đến mặt hạ tầng hệ thống và công nghệ như gia tăng hoạt động tội phạm, tấn công mạng, đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật xuyên suốt… Các nhà băng còn gặp thách thức trong việc hợp tác với các công ty FinTech, các hãng công nghệ lớn (BigTech) do không tương thích về chính sách, hạ tầng đối tác. Cùng với đó còn là việc cạnh tranh cao trong tuyển dụng, thiếu hụt nhân sự trình độ phục vụ cho chuyển đổi số, vấn đề về dữ liệu.
Lý giải nguyên nhân, các ý kiến cho rằng do các quy định pháp lý trong nước chưa theo kịp sự phát triển của thực tế và công nghệ, khiến các TCTD e ngại áp dụng công nghệ, dịch vụ mới chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể; cơ sở hạ tầng chung như Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS), Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử (ACH) cần được nâng cấp, hoàn thiện đáp ứng tốt hơn nhu cầu của TCTD trong triển khai chuyển đổi số…
Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu đề xuất một số mục tiêu cụ thể đối với quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng đó là: Tỷ lệ các nghiệp vụ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số: ít nhất 50% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030. Chỉ tiêu về tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử: đạt trên 50% vào năm 2025 và trên 80% vào năm 2030.
Chỉ tiêu về số lượng giao dịch của khách hàng trên các kênh số: đạt ít nhất 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030; Chỉ tiêu về tỷ trọng doanh thu từ kênh số: đến năm 2025, có ít nhất 60% TCTD có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt từ 30% trở lên và đến năm 2030, có ít nhất 80% TCTD có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt từ 30% trở lên…
Để đạt được các mục tiêu nêu trên đòi hỏi cần có các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, nhóm nghiên cứu đề xuất 8 nhóm giải pháp gồm: Chuyển đổi nhận thức; hoàn thiện thể chế; phát triển hạ tầng; hình thành và phát triển mô hình ngân hàng số; phát triển và khai thác dữ liệu; đảm bảo an ninh an toàn và phát triển nguồn nhân lực.
Các ý kiến trao đổi tại Hội thảo cũng cho rằng, về phía TCTD cần ưu tiên, đầu tư ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ của CMCN 4.0 vào hoạt động ngân hàng; ưu tiên phát triển ngân hàng theo mô hình ngân hàng số, trong đó lấy thanh toán số là làm cửa ngõ để kết nối liền mạch với các dịch vụ ngân hàng khác như huy động, cho vay, đầu tư, bảo hiểm... giao tiếp thuận tiện với các hệ sinh thái số bên ngoài nhằm cung ứng các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, cá nhân hóa với chi phí hợp lý và sự tường minh.
Cùng với đó, đẩy mạnh phân tích, khai phá tri thức từ dữ liệu phục vụ nhu cầu cá nhân hóa sản phẩm, dịch vụ, tối ưu hóa quy trình vận hành, tăng hiệu quả hoạt động, áp dụng những giải pháp, công nghệ tiên tiến và các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh, an toàn bảo mật cho hệ thống công nghệ thông tin.