Ngân hàng tiếp sức doanh nghiệp phục hồi sản xuất
Đủ nỗi lo khi tái khởi động
Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát mạnh ở một số tỉnh, thành phố đã mang đến những thách thức chưa từng có, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ và ảnh hưởng nghiêm trọng.
Khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đối với hơn 21.500 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, thành phần kinh tế vào cuối tháng 8 vừa qua cho thấy, có tới 69% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh do dịch; 15% doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động kinh doanh chờ giải thể; và chỉ có 16% doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất kinh doanh mặc dù không thể hoạt động toàn công suất.
Từ đầu tháng 10 tới nay, tình hình dịch bắt đầu được kiểm soát, các tỉnh dần mở cửa kinh tế, doanh nghiệp cũng từng bước khôi phục sản xuất, chuẩn bị cho mùa kinh doanh những tháng cuối năm. Tuy nhiên, quá trình tái khởi động gặp không ít trắc trở.
Các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi quay trở lại sản xuất, kinh doanh. Ảnh: ST |
Bà Ngô Thị Lương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VNS cho biết, doanh nghiệp đã bắt đầu quay trở lại sản xuất sau 3 tháng đóng cửa tuy nhiên vẫn đang “mò mẫm” tìm đường vượt khó.
Cụ thể, đó là việc thiếu hụt nguồn lao động do nhiều lao động đã trở về quê chưa kịp quay trở lại. Vì là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nên chỉ cần thiếu một vị trí sẽ gây đứt gãy cả dây chuyền. Mặc khác, với yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu, công ty có quy định công nhân quay trở lại phải tiêm hai mũi vaccine, vì vậy lực lượng lao động đi làm lại còn hạn chế.
Ngoài ra, chi phí đội lên do phải test COVID-19 cho người lao động mỗi tuần một lần, chi phí vận chuyển tăng gần như gấp đôi, nguồn cung ứng đứt gãy do một số bạn hàng chưa quay lại sản xuất… đã khiến doanh nghiệp đau đầu với bài toán cân đối tài chính, bởi lẽ giá thành sản phẩm không thể tăng lên.
Chưa dừng lại ở đó, đặc thù của ngành thời trang là theo mùa vụ, qua 3 tháng đã qua một vụ. Nhiều khách hàng thân thiết vẫn chờ giao hàng nhưng số đơn hàng dịch chuyển vẫn hiện hữu. “Để khách hàng quay trở lại cần có một lộ trình, trong lúc đó doanh nghiệp phải sống như thế nào là một dấu hỏi lớn”, bà Lương chia sẻ.
Tuy không phải đóng cửa doanh nghiệp trong thời gian giãn cách nhưng bà Nguyễn Thị Thanh Trà, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MasterBatch Việt Nam cho biết cũng đang đau đầu với bài toán chi phí phát sinh tăng lên nhiều vì mô hình sản xuất 3 tại chỗ, với việc chi phí đội lên thêm khoảng 30%, khó khăn lớn nhất lúc này là dòng tiền để duy trì sản xuất.
Ngân hàng đón đầu nhu cầu bổ sung vốn
Dòng tiền được ví như mạch máu nuôi sống doanh nghiệp, những mô hình sản xuất trong giai đoạn dịch bệnh đã khiến doanh nghiệp phải bỏ thêm nhiều chi phí, hiện nhiều doanh nghiệp đã ở trong tình trạng cạn kiệt nguồn tiền để duy trì sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần có những biện pháp hỗ trợ cấp bách để doanh nghiệp tồn tại và phục hồi về sau.
Đón đầu nhu cầu này, các nhà băng đã tích cực tung ra nhiều sản phẩm cho vay ưu đãi, giúp doanh nghiệp kịp thời bổ sung nguồn vốn phục vụ sản xuất, cùng với đó, quy trình, thủ tục vay cũng được tạo điều kiện ở mức tối đa.
Đơn cử như HDBank đã có chương trình eCredit - cấp tín dụng doanh nghiệp online 24/7. Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký thông tin trực tuyến tại đây, hệ thống phê duyệt tự động sẽ cho đề xuất về phương án tài chính của ngân hàng cho doanh nghiệp. Ngân hàng sẵn sàng tư vấn mọi thắc mắc của khách hàng trong vòng 24 giờ, thủ tục đơn giản, bảo mật thông tin.
Ngoài ra, khách hàng HDBank còn hưởng ưu đãi riêng từ gói tín dụng “Doanh nghiệp vay online nhận ngay ưu đãi lãi suất” với lãi suất vay từ 4,99% một năm. Ngân hàng dành tổng hạn mức của chương trình lên đến 5.000 tỷ đồng nhằm khuyến khích khách hàng giao dịch online. Thời gian áp dụng đến 31/3/2022 hoặc cho đến khi hết hạn mức.
Song song đó, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt nhất, từ nay đến đến hết ngày 31/12, HDBank tăng gói hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) lên 10.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này dành cho các khách hàng có nhu cầu bổ sung nguồn vốn lưu động và đáp ứng các điều kiện tín dụng chuẩn SME của nhà băng với lãi suất từ 6,2% một năm.
Hay như tại Sacombank, từ ngày 19/10/2021, ngân hàng này tiếp tục triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá đến 20.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp và cá nhân tháo gỡ khó khăn do COVID-19, tăng tốc phục hồi sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn được ngân hàng áp dụng đến hết ngày 31/12/2021 hoặc khi hết nguồn tùy điều kiện nào đến trước.
Trong đó, Sacombank dành 10.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp vay vốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,5%/năm cho kỳ hạn vay đến 3 tháng và 5,5%/năm với thời hạn ưu đãi lên đến 6 tháng.
ABBANK cũng cho biết đã liên tục áp dụng các chính sách cơ cấu lại các khoản vay cho nhiều nhóm khách hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đẩy mức lãi suất ưu đãi các gói vay VND ngắn hạn xuống chỉ từ 5.9%/năm, với tổng hạn mức gói vay là 4.000 tỷ đồng và dự kiến tiếp tục nâng hạn mức cho vay trong năm 2021, giúp khách hàng có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi bổ sung cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhằm cung cấp giải pháp tài chính bền vững để hiện thực hoá khả năng tăng trưởng, phát triển của khách hàng doanh nghiệp trong giai đoạn “bình thường mới”, BAC A BANK đã triển khai Chương trình “Vay ưu đãi - Lãi an tâm - Vượt COVID-19”, từ ngày 8/10/2021 đến ngày 8/10/2022. Với chính sách và thủ tục vay đơn giản, chấp nhận đa dạng tài sản bảo đảm, thời gian giải quyết, phê duyệt hồ sơ nhanh chóng, mang đến nhiều ưu đãi hấp dẫn cho các doanh nghiệp phát sinh nhu cầu vay mới để bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.
Theo đó, với hạn mức lên tới 5.000 tỷ đồng, chương trình áp dụng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,0%/năm, tuỳ theo kỳ hạn của khế ước nhận nợ. Nhờ đó, doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận và thụ hưởng nguồn vốn giá rẻ, sớm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đón đầu cơ hội khi kinh tế phục hồi.
Không dừng lại ở đó, tham gia Chương trình, các doanh nghiệp còn được hưởng một loạt ưu đãi phí dịch vụ như: Dịch vụ tài khoản, Chuyển tiền trong nước, Ngân hàng điện tử, Phát hành bảo lãnh…
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)