Ngành Ngân hàng dành nhiều cơ chế, nguồn lực vốn thúc đẩy tăng trưởng xanh
Điều hành linh hoạt đảm bảo mục tiêu kép Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, tỷ giá duy trì ổn định Hội thi “Ngân hàng xanh cho cuộc sống xanh” năm 2024: Lan toả thông điệp mạnh mẽ về tăng trưởng xanh |
Thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là chủ trương lớn
Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyên đề quan trọng về định hướng phát triển của đất nước: Kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam đã yêu cầu đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển.
Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế khi Thủ tướng Chính phủ cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 và mục tiêu này tiếp tục được nhấn mạnh tại COP28.
Các đại biểu chia sẻ giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh |
Phó Tổng biên tập Báo Công thương Nguyễn Tiến Cường cho biết, tài chính xanh là một phương thức quan trọng mà các nước trên thế giới và Việt Nam đều chú trọng để hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững. Theo ước tính của WB, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn, khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm để đạt mục tiêu về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh. Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh.
Bên cạnh nguồn tài chính phục vụ cho tăng trưởng xanh như từ ngân sách nhà nước hay các nguồn vốn vay, hỗ trợ từ các nước, hay các định chế, tổ chức tài chính quốc tế; để phát triển thị trường tài chính xanh thì Việt Nam cần phát triển song hành cả thị trường vốn xanh và thị trường tín dụng xanh.
Ngành Ngân hàng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng xanh
Là ngành huyết mạch nền kinh tế, tỷ trọng tín dụng chiếm tới 125-130%/GDP, nguồn lực ngân hàng đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế nói chung, tăng trưởng xanh nói riêng. Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, Ngành ngân hàng Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc cam kết thực hiện ESG. Những nỗ lực này bắt nguồn từ sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ và NHNN, thể hiện qua hàng loạt chính sách và quy định pháp lý được ban hành.
Một trong những điểm sáng đầu tiên là Chỉ thị số 03 của NHNN, khuyến khích tăng trưởng tín dụng xanh và yêu cầu các ngân hàng quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong các hoạt động cấp tín dụng. Tiếp theo là các chính sách đặt trọng tâm vào việc thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030. Đặc biệt, vào năm 2022, NHNN ban hành Thông tư 17/2022/TT-NHNN về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng là bước ngoặt quan trọng, yêu cầu các tổ chức tín dụng đánh giá tác động môi trường trong mỗi khoản vay, buộc các ngân hàng phải nghiêm túc triển khai. “Những chính sách này đã tạo nền tảng để các ngân hàng tại Việt Nam xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường”, ông Hùng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm về tầm quan trọng của tín dụng xanh trong phát triển kinh tế bền vững, TS. Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, NHNN đã tiên phong triển khai các kế hoạch hành động, thực hiện chính sách Chính phủ ban hành nhằm thúc đẩy tín dụng xanh. Một dấu mốc quan trọng là việc ban hành Sổ tay hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường và xã hội tạo nền tảng để các tổ chức tín dụng sử dụng làm cơ sở cho vay, đặc biệt trong các lĩnh vực xanh. Dưới sự chỉ đạo của NHNN, các TCTD đã chủ động xây dựng các kế hoạch nội bộ, hoàn thiện tiêu chí và quy trình để tăng cường đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường.
Kết quả đạt được đến nay là có 50 TCTD tham gia cấp tín dụng xanh với tổng dư nợ gần 680 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh bình quân đạt 22% mỗi năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của tín dụng kinh tế. “Con số trên đánh dấu một bước tiến lớn so với năm 2017 số lượng TCTD tham gia cho vay tín dụng mới có 15 tổ chức. Điều này cho thấy sự chuyển đổi nhận thức của các tổ chức tài chính cũng như toàn xã hội. Sự thay đổi trong cách tiêu dùng và sản xuất sau đại dịch COVID-19 cũng góp phần thúc đẩy xu hướng này. Người dân và doanh nghiệp ngày càng chú trọng đến các sản phẩm bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường, khiến các ngân hàng phải điều chỉnh chiến lược tín dụng để phù hợp với các tiêu chí toàn cầu”, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhận định.
Thực tế, thời gian vừa qua các ngân hàng rất tích cực thúc đẩy cho vay các dự án xanh như Agribank, BIDV, Techcombank, VietinBank, VPBank... Một số ngân hàng còn mời chuyên gia để xây dựng tiêu chuẩn nội bộ về tín dụng xanh. Ví dụ, BIDV không chỉ tiên phong trong việc cấp vốn mà còn lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường ngay từ thương hiệu và các hoạt động cộng đồng.
Agribank là một trong những ngân hàng tích cực cho vay các lĩnh vực xanh |
Với kết quả dư nợ tín dụng xanh, đánh giá quản lý rủi ro môi trường xã hội, đạt khoảng 4 triệu tỷ đồng chiếm 27% dư nợ toàn nền kinh tế, theo bà Phạm Thị Thanh Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNNcho thấy ngành NH chú trọng tập trung đầu tư nguồn lực cho tăng trưởng xanh. “Nguồn lực tín dụng từ ngành ngân hàng đã và đang tập trung đầu tư cho các khách hàng với mục tiêu mang lại lợi ích về môi trường. Chính sách tín dụng của ngành ngân hàng không có sự phân biệt đối xử dựa trên quy mô sản xuất kinh doanh hay thành phần kinh tế. Định hướng này đã được xuyên suốt trong các chiến lược phát triển, kế hoạch hành động và các văn bản chỉ đạo NHNN”, bà Phạm Thị Thanh Tùng khẳng định và ví dụ, các chương trình phát triển như "Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao" tại Đồng bằng sông Cửu Long đã tạo cơ hội cho tất cả các đối tượng khách hàng, từ doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ đến hộ gia đình, cá nhân. Đặc biệt, các hộ gia đình và cá nhân thậm chí còn nhận được các cơ chế ưu đãi tín dụng vượt trội so với các doanh nghiệp lớn.
Hiện nay, bên cạnh việc cấp tín dụng xanh cho các doanh nghiệp thực hiện dự án lớn như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và công trình xanh, các TCTD cũng đang tập trung vào tiêu dùng bền vững cho cá nhân. Ví dụ, một số ngân hàng đã đầu tư vào các khoản vay tiêu dùng liên quan đến phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, thiết bị gia dụng tiết kiệm năng lượng, hoặc hỗ trợ hợp tác xã sản xuất lương thực thực phẩm xanh.
Điển hình như các sản phẩm tài chính của một số công ty và ngân hàng đang hỗ trợ khách hàng đầu tư vào đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng hay phương tiện vận tải xanh. Điều này cho thấy, bên cạnh việc tài trợ cho các dự án quy mô lớn, ngành ngân hàng cũng quan tâm đến các sản phẩm phục vụ tiêu dùng cá nhân theo hướng bền vững. “Một lần nữa, tôi xin khẳng định rằng cơ chế và chính sách tín dụng xanh không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Các chính sách này luôn hướng đến sự công bằng, tạo điều kiện tối đa để tất cả các đối tượng, từ doanh nghiệp lớn đến hộ gia đình, đều có thể tiếp cận nguồn vốn nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường”, bà Tùng nhấn mạnh.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ từ các tổ chức tín dụng và Chính phủ, các chiến lược và chương trình hỗ trợ sẽ giúp nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm bảo vệ môi trường, thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên, để thành công, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Khang - Tổng Giám đốc, Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam đề xuất 2 giải pháp để thúc đẩy tín dụng xanh với thị trường tiêu dùng trong nước với nhiều tiềm năng. Thứ nhất, cơ quan quản lý có thể cân nhắc xây dựng một cơ chế riêng cho các khoản tín dụng tiêu dùng xanh, các khoản vay hỗ trợ sinh kế và phát triển bền vững; hướng dẫn chi tiết hơn về các đối tượng, danh mục và phạm vi được nhận các khoản tín dụng này.
Thứ hai, xây dựng khung đánh giá, đo lường hiệu quả của tài chính tiêu dùng xanh cũng như các khoản cho vay hỗ trợ sinh kế và phát triển bền vững cho khách hàng cá nhân.