Ngân hàng tỉnh Bình Phước thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
Ông Bùi Huy Thọ, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bình Phước cho biết, trong quý III/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh đã triển khai chỉ đạo của NHNN Việt Nam về thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71/CĐ-TTg gửi các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo đó, NHNN tỉnh tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, khuyến khích TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. NHNN Việt Nam đã ban hành văn bản số 1628/NHNN-CSTT yêu cầu các TCTD thực hiện công bố lãi suất trên website của TCTD nhằm thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc công bố lãi suất.
Mặt bằng lãi suất đến nay đã có những chuyển biến tích cực, bình quân lãi suất tiền gửi giảm khoảng 0,3%/năm; bình quân lãi suất cho vay giảm tương đương 0,9%/năm so với cuối năm 2023. Huy động vốn trên địa bàn tỉnh Bình Phước tính đến cuối tháng 9/2024 ước đạt 58.200 tỷ đồng, tăng 3.429 tỷ đồng (6,26%) so với cuối năm 2023. Dư nợ tín dụng toàn ngành trên địa bàn ước đạt 126.200 tỷ đồng, tăng 5.905 tỷ đồng (tăng 4,91%) so với cuối năm 2023.
Ngành ngân hàng tỉnh Bình Phước luôn chú trọng kiểm soát chất lượng tín dụng. Tính đến 30/9/2024, nợ xấu trên địa bàn ước khoảng 2.300 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 1,82%. Nếu tính toàn bộ dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ này đến cuối tháng 7/2024 là 2,06%.
Đặc biệt, kết quả hỗ trợ các hộ dân vay vốn trồng cây hồ tiêu có kết quả đáng khích lệ. Các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn đã cơ cấu thời hạn trả nợ gốc và lãi cho 830 khách hàng với dư nợ 388,77 tỷ đồng; giảm lãi cho 6.394 khách hàng với dư nợ được giảm lãi là 1.580,06 tỷ đồng. Cho vay mới 6.428 khách hàng với tổng dư nợ cho vay hơn 1.410 tỷ đồng.
Bàn về phương hướng, nhiệm vụ cuối quý IV/2024, ông Thọ cho biết thêm, trong thời gian tới NHNN chi nhánh tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, Chương trình hành động Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...
Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi đôn đốc các TCTD trên địa bàn thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng của Chính phủ, NHNN Việt Nam, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng và các quy định về cấp tín dụng của NHNN nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ, tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh, hạn chế nợ xấu.
Nhất là, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và tăng cường triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa thủ tục cho vay, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay.
Đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu. Điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp với chỉ tiêu dược giao của Hội sở và thực tế tại địa phương.
Tăng trưởng tín dụng hợp lý trên cơ sở đảm bảo khả năng thanh khoản, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
“Từ nay đến cuối năm, bước vào mùa cao điểm về hoạt động sản xuất kinh doanh nên các TCTD, NHTM trên địa bàn tỉnh Bình Phước tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, nhưng không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để đảm bảo an toàn hoạt động.
Đồng thời, phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp từng loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen trên địa bàn” – ông Thọ nhấn mạnh.
Ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tiếp cận tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen trên địa bàn |