Ngân hàng trung ương Anh: Cần giải quyết điểm yếu trong hệ thống tài chính
Các quỹ “LDI” này, mà nhiều chương trình hưu trí của Anh đầu tư vào, tỏ ra đặc biệt dễ bị tổn thương khi thị trường có những biến động không thuận. Điều này được thể hiện gần đây khi thị trường trái phiếu của Anh rơi vào tình trạng căng thẳng nghiêm trọng sau khi chương trình ngân sách của Thủ tướng Anh lúc đó là bà Liz Truss thất bại thảm hại 6 tháng trước. BoE khi đó đã phải can thiệp để ngăn chặn nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng. Sự ổn định tài chính một lần nữa là mối quan tâm hàng đầu của các NĐT và cơ quan quản lý trên toàn thế giới sau sự sụp đổ của SVB ở Hoa Kỳ vào đầu tháng này và tại Thụy Sĩ là cuộc giải cứu khẩn cấp Credit Suisse của UBS.
Ảnh minh họa |
Ủy ban Chính sách Tài chính (FPC) của BoE khuyến nghị rằng, cơ quan quản lý lương hưu (TPR) cần hành động nhanh chóng để xác định “mức độ phục hồi tối thiểu đối với các quỹ LDI và các yếu tố trong LDI mà những người được ủy thác chương trình lương hưu có thể đầu tư”. Điều này sẽ cho phép họ chịu được “những căng thẳng nghiêm trọng nhưng hợp lý” trên thị trường trái phiếu chính phủ cũng như đáp ứng được các vấn đề liên quan đến tài sản thế chấp một cách có trật tự. Giám đốc TPR Charles Counsell cho biết trong một tuyên bố rằng, cơ quan này đã đưa ra một số hướng dẫn vào tháng 11/2022 và sẽ sớm “làm mới” các chính sách của mình bằng cách ban hành hướng dẫn cập nhật về LDI vào tháng 4 tới, trong đó có tính đến các khuyến nghị của FPC.
BoE cũng cho biết, các ngân hàng của Anh “kiên cường” và “hiện đang khỏe mạnh” nhưng cảnh báo rằng các bộ phận khác của hệ thống tài chính có thể cần được củng cố. Trong đó bên cạnh vấn đề liên quan đến các LDI, BoE cũng chỉ ra các quỹ thị trường tiền tệ - hiện cũng được nhiều NĐT sử dụng - có thể là một nguồn gây ra những căng thẳng tiềm ẩn khác. Các quỹ này “dễ bị rút tiền nhanh chóng và lớn của các NĐT, có thể là một nguồn rủi ro đối với hệ thống tài chính và nền kinh tế rộng lớn hơn”, BoE cảnh báo.