Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đối mặt với nhiều thách thức
Đồng yên có thể tiếp tục mất giá ngay cả khi BoJ điều chỉnh lãi suất | |
Đồng yên của Nhật giảm xuống mức thấp nhất so với USD kể từ 1990 |
Việc đồng yên Nhật rơi xuống thấp nhất 32 năm đang làm gia tăng áp lực lạm phát |
Nhiều thách thức
BoJ là một ngoại lệ trong làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát của các NHTW trên toàn cầu. Theo đó hiện BoJ vẫn đang tập trung vào việc hỗ trợ đà phục hồi mong manh của nền kinh tế. Chính sự phân kỳ chính sách ngày càng lớn giữa BoJ với Fed khiến chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ của hai nền kinh tế này ngày càng doãng rộng và đẩy đồng yên giảm mạnh so với đồng USD.
Theo đó hiện đồng yên đang giao dịch gần mức thấp nhất 32 năm và đe dọa có thể xuyên thủng ngưỡng 150 JPY/USD, mức được coi là quan trọng về mặt tâm lý đối với các nhà đầu tư. Đồng yên suy yếu đã khuếch đại thêm áp lực lạm phát tại Nhật.
Số liệu vừa được công bố mới đây cho thấy, lạm phát giá tiêu dùng cốt lõi của Nhật Bản đã tăng tốc lên mức cao nhất trong 8 năm là 3,0% vào tháng 9, vượt mục tiêu 2% của BoJ trong tháng thứ sáu liên tiếp khi đồng yên giảm xuống mức thấp nhất trong 32 năm đẩy chi phí nhập khẩu tăng cao.
Trong khi theo Masayuki Koguchi - Tổng giám đốc bộ phận đầu tư thu nhập cố định của Mitsubishi UFJ Kokusai Asset Management, việc đồng yên yếu đã thúc đẩy lạm phát, một nguyên nhân dẫn đến việc bán tháo trái phiếu chính phủ Nhật.
Để hỗ trợ thị trường trái phiếu chính phủ, BoJ hôm 20/10 đã đề nghị mua khoảng 250 tỷ yên (1,67 tỷ USD) trái phiếu chính phủ có kỳ hạn từ 5 năm đến dài hơn 25 năm. Nhưng tác động của việc làm này là khá hạn chế do lợi suất trái phiếu vẫn tiếp tục tăng, đưa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 và 20 năm lên mức cao nhất kể từ năm 2015.
“Áp lực tăng đối với lợi suất trái phiếu quá lớn nên việc BoJ mua trái phiếu với số tiền đó sẽ không ngăn được lợi suất tăng”, Masayuki Koguchi - Tổng giám đốc bộ phận đầu tư thu nhập cố định của Mitsubishi UFJ Kokusai Asset Management cho biết. “Nhu cầu đối với trái phiếu yếu do danh mục đầu tư của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng do lợi suất tăng, vì vậy họ không có động lực để mua trái phiếu”.
BoJ có thay đổi quan điểm?
Áp lực lạm phát trong khi trái phiếu chính phủ bị bán tháo đã làm nổi bật tình thế tiến thoái lưỡng nan mà BoJ đang phải đối mặt khi cố gắng củng cố nền kinh tế yếu kém bằng cách duy trì lãi suất cực thấp.
Mặc dù cho đến nay vẫn không có dấu hiệu gì cho thấy BoJ sẽ thay đổi quan điểm chính sách nới lỏng của mình. Theo đó các nhà hoạch định chính sách tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng với lý do đà phục hồi kinh tế hiện khá mong manh trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu và nhiều rủi ro ở nước ngoài.
Động thái mua vào trái phiếu hôm 20/10 một lần nữa cho thấy BoJ vẫn muốn duy trì chính sách “kiểm soát đường cong lợi suất” (YCC) với mục tiêu giữ lợi suất trái phiếu 10 năm ở mức khoảng 0%. Hôm 20/10, BoJ cho biết họ sẽ mua 100 tỷ yên trái phiếu chính phủ có kỳ hạn 10 - 20 năm, 100 tỷ yên trái phiếu có kỳ hạn 5 - 10 năm và 50 tỷ yên trái phiếu có kỳ hạn trên 25 năm.
Bên cạnh đó hiện lạm phát tại Nhật vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác. Đó chính là cơ sở để BoJ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu. Vì lẽ đó, hiện hầu hết các chiến lược gia đều dự đoán BoJ sẽ giữ nguyên chính sách nới lỏng tiền tệ tại cuộc họp chính sách vào tuần tới.
Tuy nhiên với áp lực lạm phát ngày càng lớn, trong khi đồng yên có thể xuyên thủng ngưỡng tâm lý 150 JPY/USD, cũng có ý kiến cho rằng, BoJ có thể thay đổi quan điểm của mình trong những tháng tới.
“Việc tăng giá hiện nay chủ yếu là do chi phí nhập khẩu tăng chứ không phải do nhu cầu mạnh. Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda có thể duy trì chính sách trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ cho đến tháng 4 (năm 2023), nhưng điều quan trọng là liệu chính phủ có chấp nhận điều đó hay không”, Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin.
Đặc biệt với áp lực lạm phát hiện tại, các chuyên gia tin rằng, BoJ sẽ điều chỉnh lại dự báo lạm phát tại Nhật trong các dự báo hàng quý mới tại cuộc họp chính sách vào tuần tới.y