Ngân hàng trung ương Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng
Nhiều biện pháp hỗ trợ tiền tệ
PBoC vừa cho biết sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại thêm 25 điểm cơ bản, đưa tỷ lệ trung bình xuống còn 7,8% từ ngày 5/12 tới. Động thái này sẽ giải phóng khoảng 500 tỷ nhân dân tệ (69,8 tỷ USD) thanh khoản dài hạn để hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại.
Đây là lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thứ hai của PBoC trong năm nay. Trước đó vào tháng 4, PBoC cũng đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 25 điểm cơ bản. Còn tính từ năm 2018 đến nay, PBoC đã thực hiện cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tới 13 lần, giảm tỷ lệ dự trữ trung bình xuống còn khoảng 8% từ 15%, giải phóng khoảng 10,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,51 nghìn tỷ USD) thanh khoản vào nền kinh tế.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc – PBoC |
Bên cạnh đó theo các phương tiện truyền thông của Trung Quốc, để hỗ trợ thị trường nhà ở đang trì trệ, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh triển khai các khoản vay đặc biệt để giao nhà và khuyến khích các ngân hàng thương mại phát hành các khoản vay mới.
Economic Daily - một cơ quan truyền thông nhà nước của Trung Quốc cũng dẫn lời Phó thống đốc PBoC Pan Gongsheng cho biết, để hỗ trợ thị trường nhà ở đang trì trệ, BPoC sẽ cung cấp khoản vay 200 tỷ nhân dân tệ (27,93 tỷ USD) cho 6 ngân hàng thương mại để hoàn thiện nhà ở.
Trong một nỗ lực phối hợp để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn, ba trong số các ngân hàng thương mại lớn nhất của Trung Quốc cũng đã đồng ý cung cấp hỗ trợ gây quỹ cho các nhà phát triển bất động sản.
PBoC cũng đã đưa ra một thông báo phác thảo 16 bước để hỗ trợ ngành bất động sản, bao gồm gia hạn trả nợ, trong một nỗ lực lớn nhằm giảm bớt khủng hoảng thanh khoản đã gây khó khăn cho ngành kể từ giữa năm 2020.
Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, PBoC đang phải đối mặt với tình thế khó khăn khi mà vừa muốn hỗ trợ nền kinh tế, nhưng không thể giảm mạnh lãi suất do lo ngại đồng nội tệ suy yếu và dòng vốn chảy ra trong bối cảnh nhiều NHTW lớn khác, đặc biệt là Fed đang tăng mạnh lãi suất. Bằng chứng là hôm 20/11 vừa qua, PBoC đã quyết định giữ nguyên các mức lãi suất cho vay chuẩn (LPR) trong tháng thứ 3 liên tiếp.
Tăng trưởng khó đạt mục tiêu
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 3% trong ba quý đầu năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 5,5% mà nước này đề ra cho năm nay. Bởi vậy theo cuộc họp của Hội đồng Nhà nước do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì mới đây, hoạt động kinh tế trong quý IV "rất quan trọng đối với tăng trưởng cả năm". "Chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc một cách kịp thời và phù hợp để duy trì thanh khoản hợp lý và đầy đủ".
Tuy nhiên nền kinh tế Trung Quốc chậm lại trên diện rộng trong tháng 10 và số ca nhiễm Covid-19 mới tăng đột biến gần đây, cộng thêm sự trì trệ của thị trường bất động sản đã làm gia tăng mối quan ngại về tốc độ tăng trưởng của nước này trong quý cuối cùng của năm 2022.
Kết quả cuộc khảo sát mới đây của Reuters cũng cho thấy, hoạt động sản xuất của các nhà máy Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong tháng này, gây áp lực lên nền kinh tế khi các biện pháp hạn chế để ngăn ngừa dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến sản xuất và xuất khẩu.
Cụ thể theo dự báo trung bình của các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Reuters, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức của ngành sản xuất (tập trung vào các doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu nhà nước) được dự báo ở mức 49,0 trong tháng 11 so với 49,2 trong tháng 10 (mức dưới 50 điểm cho thấy sản xuất bị thu hẹp).
Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất Caixin của khu vực tư nhân (tập trung nhiều hơn vào các doanh nghiệp nhỏ và khu vực ven biển) cũng được dự báo sẽ giảm xuống còn 48,9 điểm từ mức 49,2 điểm của tháng 10.
Với diễn biến hiện tại các nhà phân tích dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng khoảng hơn 3% trong năm nay.
Trong khi các cố vấn Trung Quốc cho biết họ sẽ đề xuất mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn cho năm 2023, từ 4,5% đến 5,5% tại cuộc họp thường niên của các nhà hoạch định chính sách vào tháng 12.