Ngành chè Việt Nam: Hướng đến ngang bằng giá bình quân thế giới
Không có thương hiệu
Việt Nam hiện là nước đứng thứ 5 về diện tích trồng và sản lượng chè xuất khẩu trên thế giới. Năm 2011, mặc dù diện tích chè cả nước giảm 2,8% so với năm 2010 song sản lượng thu hoạch vẫn đạt 888.600 tấn, tăng 6,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 198 triệu USD. Chỉ trong quý I/2012 xuất khẩu chè của nước ta đã tăng khá mạnh đạt 29,9 nghìn tấn và 41,5 triệu USD, tăng 20% về lượng và 19% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Hướng tới sản xuất chè chất lượng cao trong dài hạn. (Ảnh: BĐT)
Việt Nam đã tăng được thị phần quốc tế từ 1,4% lên 4%, một tốc độ tăng trưởng có thể so sánh với Trung Quốc - từ 23% lên gần 29%. |
Theo đánh giá của Hiệp hội Chè Việt Nam, thương hiệu chè Việt hiện vẫn khá mờ nhạt, bởi những hạn chế trong phương thức canh tác, ý thức sản xuất sạch của người trồng chè. Phần lớn diện tích chè hiện có trên cả nước là giống chè trung du lá nhỏ, năng suất, chất lượng thấp, đang bị thoái hóa. Những năm qua, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã nghiên cứu lai tạo một số giống chè mới PH1, LDP1, Bát Tiên, Ngọc Thúy… Tuy nhiên, các giống này hiện nay vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi và theo quy hoạch cụ thể, nên việc cải thiện về năng suất, chất lượng của toàn ngành còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất chè có chất lượng cao và đa dạng hóa sản phẩm. Bên cạnh đó, kỹ thuật chăm sóc cũng như khai thác chè của người nông dân còn thô sơ dẫn đến chất lượng sản phẩm sau chế biến hiệu quả thấp.
Tổng ngân sách cho dự án phát triển chè Shan tuyết khoảng 575.000 USD. |
Những năm gần đây, tuy đã mở rộng nhiều thị trường, nhưng do chè Việt Nam chất lượng thấp và không có thương hiệu, lại phụ thuộc thương lái trung gian nước ngoài nên bị lũng đoạn, ép giá. Ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết, chè của Việt Nam xuất khẩu ra thế giới chủ yếu dưới dạng chè rời. Chè xuất khẩu có bao gói, mẫu mã mang thương hiệu còn rất hạn chế nên giá bán thấp, chưa có thị trường ổn định và bền vững. Hiện nay có quá nhiều công ty tham gia xuất khẩu chè, nhiều công ty xuất khẩu tổng hợp không chuyên về chè. Những công ty này không gắn với cây chè, họ chỉ kinh doanh thuần túy là có lãi nên có thể sẵn sàng chào bán các loại chè chất lượng thấp. Đây là một trong những nguyên nhân để các cơ sở sản xuất chè vẫn tiếp tục sản xuất ra chè chất lượng thấp, giá rẻ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành chè Việt Nam. Ngay cả việc xuất chè thô, Việt Nam cũng còn kém xa Kenya, Bangladesh và Indonesia. Các quốc gia này sử dụng thương hiệu ngành là chất lượng sản phẩm và phương thức bán hàng qua sàn đấu giá nên tránh được hiện tượng ép giá, lại vừa phát huy được giá trị của mình mà không cần làm công tác thương hiệu sản phẩm.
Đầu tư dài hạn
Mục tiêu của ngành chè Việt Nam đưa giá chè xuất khẩu đến năm 2015 ngang bằng với giá bình quân thế giới.
Trong vòng 15 năm qua, nhu cầu về chè thế giới tăng hơn 2,4%/năm, cao nhất là Trung Quốc (4,6%), Ấn Độ (2,1%) và Trung Đông (2,2%). |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) mới đây đã chỉ đạo ngành chè triển khai đồng loạt các giải pháp, đặc biệt chú trọng tới đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao… Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng, ngành chè phải duy trì được diện tích ổn định ở mức 130.000ha, tăng trưởng sản lượng đạt 6%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng ít nhất 2 lần so với hiện nay. Cụ thể, năm 2012, xuất khẩu chè đạt 135.000 tấn, giá trị 220 triệu USD. Đến năm 2015, sản lượng chè búp tươi đạt 1,2 triệu tấn, sản lượng chè búp khô đạt 260.000 tấn, trong đó xuất khẩu 200.000 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 440 triệu USD. Đặc biệt là đưa giá chè xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2015 ngang bằng với giá bình quân của thế giới (2.200 USD/tấn).
Việt Nam dẫn đầu trong tăng năng suất (1,5 tấn/ha) và hiện nay có năng suất cao hơn Trung Quốc (0,7 tấn/ha) và Indonesia (1,0 tấn/ha). |
Hiệp hội Chè cho rằng, để tăng chất lượng sản phẩm chè, ngoài việc tuân thủ quy trình canh tác, chăm bón, thu hoạch thì phải cải thiện quy trình chế biến. Đó là áp dụng các quy chuẩn và tiêu chuẩn của nhà máy chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách cải tiến quy trình công nghệ, máy móc sản xuất đồng bộ. Cùng với việc nghiên cứu các giống chè có chất lượng cao, khai thác phát triển các giống chè đặc sản ở các địa phương, cần đầu tư thêm các dây chuyền sản xuất chè xanh và chè đặc sản theo công nghệ tiên tiến.
Ông Đoàn Anh Tuân cho rằng, để xây dựng thương hiệu ngành chè Việt đòi hỏi phải đầu tư cả 2 khâu nông nghiệp và chế biến. Nói đúng hơn là cho cả chuỗi giá trị ngành chè trong dài hạn. Cần thiết phải tổ chức một sàn giao dịch để các đơn vị giới thiệu và bán sản phẩm một cách minh bạch, công bằng tạo tiền đề cho sự ra đời trung tâm đấu giá chè sau này. Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất, chế biến chè tích cực tìm thị trường trong và ngoài nước để có chiến lược phát triển phù hợp đáp ứng thị trường. Hạn chế bán chè xuất khẩu qua trung gian như hiện nay.
Dự kiến tổng sản lượng chè đến năm 2020 đạt 250.000 tấn. Trong đó, xuất khẩu đạt 182.000 tấn (chiếm 73% tổng sản lượng) với tỷ trọng: |
Nguyễn Minh