Ngành Ngân hàng 2025: Cơ hội chuyển mình mạnh mẽ
Ngành Ngân hàng năm 2025 sẽ hỗ trợ doanh nghiệp ở mức độ cao hơn Triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm 2025 |
Ngân hàng đứng trước kỷ nguyên mới
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng sẽ mang lại cơ hội lớn giúp ngành Ngân hàng Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống tài chính toàn cầu.
Ông Trịnh Hà, chuyên gia chiến lược của Exness Investment Bank nhận định, các trung tâm này không chỉ thu hút dòng vốn FDI mà còn mở ra cơ hội để các ngân hàng Việt Nam mở rộng hoạt động ra ngoài khu vực ASEAN, khẳng định vị thế trong lĩnh vực tài chính khu vực.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia kinh tế của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trung tâm tài chính quốc tế sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành Ngân hàng. Ngân hàng sẽ đóng vai trò chủ đạo trong trung tâm này, đặc biệt khi thu hút các định chế tài chính lớn và các nhà đầu tư quốc tế. Điều này không chỉ giúp các ngân hàng mở rộng thị trường tài chính của Việt Nam mà còn thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ tài chính xuyên biên giới. Các giao dịch thanh toán, thương mại quốc tế sẽ gia tăng, mở ra kỷ nguyên mới cho ngành Ngân hàng. Những ngân hàng nào biết nắm bắt cơ hội sẽ có thể bứt phá mạnh mẽ, trở thành những định chế tài chính xuyên quốc gia.
Về phía NHNN, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đang nghiên cứu để triển khai chính sách và lộ trình áp dụng về hoạt động ngoại hối, phát triển thị trường tiền tệ, ngân hàng... trong trung tâm tài chính nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, hướng tới phát triển trung tâm tài chính vừa đáp ứng các chuẩn mực quốc tế vừa phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo rằng sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt trong việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Không chỉ có các ngân hàng Việt Nam tham gia mà còn có sự góp mặt của các định chế tài chính quốc tế lớn, tạo ra một môi trường cạnh tranh vô cùng gay gắt. Các ngân hàng nhỏ, nếu không nhanh chóng thích ứng và nâng cao năng lực, sẽ đối mặt với không ít thách thức trong thời gian tới.
Thanh toán số, ví điện tử và thanh toán không tiền mặt gắn với phát triển bền vững sẽ là xu hướng |
Vượt qua thách thức để nắm bắt cơ hội
Bản thân các NHTM cũng nhìn nhận nhiều thách thức vẫn còn hiện hữu trong năm 2025. Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, bước sang năm 2025, bối cảnh quốc tế có thể sẽ có những thay đổi quan trọng. Căng thẳng thương mại quốc tế có xu hướng gia tăng và áp lực lạm phát tại Mỹ có thể quay trở lại sẽ làm ảnh hưởng đến lộ trình giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), qua đó tác động trực tiếp đến tỷ giá và lãi suất trong nước. Để tiếp tục phát huy tác động tích cực của chính sách tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn, tạo lập nền tảng vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, ở góc độ ngân hàng, ngân hàng này đề xuất NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, song linh hoạt để thích nghi với bối cảnh có nhiều thay đổi nhằm duy trì được sự cân bằng tối ưu giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, giữa tỷ giá và lãi suất.
Ngoài ra, cần có chính sách, chương trình lãi suất ưu đãi cho các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, các dự án nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; thiết lập quỹ tài chính hoặc hỗ trợ các NHTM tiếp cận nguồn vốn quốc tế với chi phí hợp lý từ các tổ chức như WB, IMF, các quỹ tài trợ trong khuôn khổ JETP... nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững và giảm phát thải.
Đồng quan điểm, ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc OCB cho rằng khả năng thích ứng của các ngân hàng trong bối cảnh thị trường tài chính ngày càng cạnh tranh gay gắt sẽ quyết định sự phát triển, tính bền vững của tổ chức đó và việc số hóa, cá nhân hóa nhu cầu từng khách hàng sẽ là yếu tố chìa khóa mở ra nhiều cơ hội thành công cho các ngân hàng, từ đó tạo ra bước đột phá trong kinh doanh và tiếp tục củng cố vị thế trong hệ thống.
Để tận dụng cơ hội và đối diện với những thách thức mới, ông Hải cho biết OCB xem số hóa sẽ là chiến lược cần được ưu tiên để tạo sự khác biệt, bên cạnh các hành động mở rộng, tối ưu danh mục khách hàng hay cung cấp bộ giải pháp tài chính toàn diện cho doanh nghiệp. Trong đó, Open Banking được kỳ vọng sẽ chính là điểm khác biệt lớn nhất của ngân hàng.
“Chúng tôi cũng đang tiến hành xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển các sản phẩm Open Banking (OBH). OBH tập trung tạo ra những sản phẩm đột phá, mang lại giá trị thực tiễn cho doanh nghiệp và người dùng, giúp tạo một thị trường thanh toán trọn vẹn hơn, thanh toán an toàn hơn và bảo vệ người dùng. Đặc biệt, OCB xây dựng trung tâm phân tích dữ liệu, sử dụng các thuật toán và công nghệ tiên tiến để phân tích các bộ dữ liệu trong Big data, chủ động phân tích sâu sắc về hành vi, sở thích và nhu cầu của khách hàng. Từ đó, có sự hiểu biết toàn diện về khách hàng của mình, cho phép ngân hàng xây dựng, điều chỉnh các sản phẩm và dịch vụ theo mục tiêu cá nhân hóa sản phẩm”, ông Hải chia sẻ thêm.
Giới chuyên môn cũng nhận định, thanh toán số, ví điện tử và thanh toán không tiền mặt gắn với phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo của ngành Ngân hàng năm 2025.
Theo báo cáo của PwC, Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán điện tử, với tỷ lệ tăng trưởng giao dịch hàng năm dự kiến đạt 15,7% cho đến năm 2025. Điều này không chỉ là một bước tiến về mặt công nghệ mà còn phản ánh sự thay đổi cơ bản trong thói quen thanh toán của người tiêu dùng.
Cũng theo PwC, năm 2025 được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự hợp tác sâu rộng giữa các ngân hàng và sàn thương mại điện tử nhằm phát triển ví điện tử và “Super App”, đáp ứng nhu cầu số hóa ngày càng cao của người tiêu dùng. Những điều này sẽ giúp các ngân hàng Việt đứng trước cơ hội phát triển và chuyển đổi số mạnh mẽ, gia tăng tỷ lệ thu ngoài lãi theo đúng định hướng phát triển bền vững.
Tại Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam vừa được tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định, việc xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển, kết nối Việt Nam với thị trường tài chính toàn cầu, thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới và nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhận thức được việc phát triển thị trường vốn và thị trường tiền tệ - ngân hàng là những cấu phần quan trọng mang tính nền tảng để tạo lập các trung tâm tài chính, thời gian qua NHNN đã và đang nghiên cứu để triển khai các chính sách và lộ trình áp dụng về hoạt động ngoại hối, phát triển thị trường tiền tệ, ngân hàng... trong trung tâm tài chính nhằm thu hút đầu tư nước ngoài; hướng tới phát triển trung tâm tài chính vừa đáp ứng các chuẩn mực quốc tế vừa phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Về cơ chế giám sát đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia, Thống đốc cho rằng, trong trung tâm tài chính sẽ thành lập các cơ quan quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp. NHNN sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành phân tích, đánh giá tác động các chính sách ưu đãi đột phá, đưa ra các cách thức quản lý, điều hành phù hợp. “Trong bất kỳ trường hợp nào, bảo đảm an ninh tài chính tiền tệ quốc gia luôn là ưu tiên hàng đầu. Thu hút đầu tư nước ngoài phải đi đôi với việc bảo đảm an toàn - an ninh tài chính quốc gia”, Thống đốc nhấn mạnh. |