Ngành Ngân hàng Phú Thọ: Tiếp sức cho các động lực kinh tế của tỉnh
Tiếp nối kết quả thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm. Quý III/2021, NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ tiếp tục dẫn dắt hệ thống các TCTD trên địa bàn triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng cuối năm 2021, nhằm ổn định thị trường tiền tệ, góp phần quan trọng duy trì tăng trưởng và phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
*******
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ, ông Phạm Trường Giang cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp với việc nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, làm đứt gãy chuỗi sản xuất hàng hóa và tiêu dùng, những khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân ngày càng lớn. Chính vì vậy, NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ đã điều hành chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, để duy trì ổn định và phát triển kinh tế của tỉnh.
Thống kê của NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ cho thấy, tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 toàn địa bàn là 9.944 tỷ đồng, chiếm 12,7%/tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Trong đó, cho vay cá nhân 1.276 tỷ đồng, chiếm 12,8%/tổng dư nợ bị ảnh hưởng; Doanh nghiệp, tổ chức là 8.666 tỷ đồng, chiếm 87,1%/tổng dư nợ bị ảnh hưởng. Từ kết quả rà soát này, các chi nhánh ngân hàng, TCTD trên địa bàn tiếp tục bám sát Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021 của NHNN Việt Nam chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch/chương trình, quy định nội bộ để triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Kết quả lũy kế đến 31/7/2021, tổng giá trị nợ được các chi nhánh ngân hàng, TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ là 2.800 tỷ đồng, với 472 khách hàng (trong đó: cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 1.105 tỷ đồng, với 417 khách hàng; miễn, giảm lãi 1.695 tỷ đồng, với 55 khách hàng); số tiền lãi đã được miễn, giảm là 6,9 tỷ đồng. Đồng thời, các chi nhánh ngân hàng, TCTD triển khai cho vay mới theo các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh, với doanh số cho vay mới đạt 43.377 tỷ đồng, dư nợ đạt 5.892 tỷ đồng, với 3.185 khách hàng còn dư nợ.
Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Hợp tác xã Chi nhánh tỉnh Phú Thọ |
Tiếp nối kết quả thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 có 4 khách hàng có nhu cầu và đủ điều kiện để vay vốn tại NHCSXH với số tiền 316 triệu đồng (với 67 lao động và 201 lượt được thụ hưởng chính sách), NHCSXH đang tiếp tục triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ. Từ 8/7/2021 đến nay, NHCSXH các cấp đã trao đổi trực tiếp với 91 người sử dụng lao động và trao đổi qua điện thoại, gửi mail, công văn đến 613 người sử dụng lao động; trong đó, đang hướng dẫn hồ sơ cho 2 người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho 48 lao động, với số tiền dự kiến giải ngân là gần 220 triệu đồng. Cùng với đó là 4.707 tỷ đồng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH đã và đang hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, góp phần tích cực đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế, giảm hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
*******
Dòng vốn tín dụng được khơi mở thêm vào nền kinh tế cùng với sự tham vấn và lồng ghép các định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và Kế hoạch 5 năm (2021-2025) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX; Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn... vào các chương trình hành động, kế hoạch hoạt động của ngành Ngân hàng tỉnh Phú Thọ trong cả năm cũng như trong các cuộc họp, giao ban từng quý, tháng. Từ đây các chính sách tiền tệ, tín dụng, thanh toán được xây dựng, triển khai và điều chỉnh phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế tỉnh trong từng thời điểm.
Như để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiết giảm chi phí, gia tăng cơ hội chống chịu với những khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng dịch Covid-19, NHNN Chi nhánh Phú Thọ đã chỉ đạo và giám sát các chi nhánh ngân hàng, TCTD thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN và ngân hàng cấp trên về thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021. Tính đến thời điểm ngày 9/8/2021 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có 17/19 chi nhánh ngân hàng thương mại tiến hành rà soát và triển khai hạ lãi suất theo yêu cầu của NHNN Việt Nam, chiếm 100% số ngân hàng cam kết hạ lãi suất.
Chỉ tính riêng từ ngày 15/7/2021 đến 9/8/2021 đã có 83.537 khách hàng được giảm lãi suất (trong đó có: 82.727 khách hàng cá nhân; 802 khách hàng doanh nghiệp; 8 khách hàng tổ chức khác), dư nợ được giảm lãi suất là 33.229 tỷ đồng, trong đó: cá nhân 18.669 tỷ đồng; doanh nghiệp 14.536 tỷ đồng; tổ chức khác 24 tỷ đồng. Số lãi đã được giảm là 16,5 tỷ đồng, trong đó: cá nhân là 11,7 tỷ đồng; doanh nghiệp là 4,7 tỷ đồng; tổ chức khác 0,1 tỷ đồng). Số tiền lãi dự kiến giảm đến hết 31/12/2021 là 104,5 tỷ đồng, trong đó cá nhân là 78 tỷ đồng; doanh nghiệp là 26 tỷ đồng; tổ chức khác 0,5 tỷ đồng.
Một buổi giao dịch tại xã của NHCSXH tỉnh Phú Thọ |
Dòng chảy tín dụng hướng vào sản xuất kinh doanh, chương trình kinh tế trọng điểm, các lĩnh vực ưu tiên. Chất lượng tín dụng tăng cùng với việc thẩm định và giám sát các dự án chặt chẽ từ khi lập hồ sơ vay vốn đến sau giải ngân và thực hiện có hiệu quả việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. Ước đến 31/8/2021, tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn đạt 78.453 tỷ đồng, tăng 8,98% so với cuối năm 2020. Trong đó, cho vay ngành nông, lâm, ngư nghiệp ước đạt 8.970 tỷ đồng, tăng 3,25% so với cuối năm 2020; ngành công nghiệp và xây dựng ước đạt 16.766 tỷ đồng, tăng 7,93% so với cuối năm 2020; ngành thương mại dịch vụ ước đạt 52.717 tỷ đồng, tăng 10,36% so với cuối năm 2020. Nợ xấu trong tầm kiểm soát của các chi nhánh ngân hàng, TCTD chỉ chiếm 0,81% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn.
Đặc biệt, NHNN tỉnh cùng các TCTD giám sát và kiểm soát tốt lĩnh vực cho vay tiêu dùng đầu tư về đất đai. Qua đó đã góp phần tích cực đẩy lùi nguy cơ “bong bóng bất động sản”, giá bất động sản trên địa bàn tỉnh gần đây đã hạ nhiệt đáng kể, không còn tình trạng “sốt đất”. Theo số liệu Thanh tra, giám sát đến 31/7/2021 dư nợ cho vay bất động sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là 4.022 tỷ đồng, chiếm 5,07% so với tổng dư nợ trên toàn địa bàn. Đây là mức khá thấp so với tỷ lệ chung toàn quốc; trong đó chủ yếu là cho vay tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình mua nhà ở, đất ở chiếm 99% tổng dư nợ cho vay bất động sản.
*******
Những nỗ lực của NHNN và hệ thống các TCTD trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng cơ bản vẫn duy trì ổn định. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn giữ ổn định. Sản xuất công nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh giảm. Tuy nhiên, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì vai trò chủ lực giúp thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành công nghiệp đều tăng so với tháng trước cũng như cùng kỳ năm ngoái.
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ, ông Phạm Trường Giang cho biết, trong tháng 9 cũng như quý IV còn lại của năm 2021, NHNN tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, TCTD bám sát kế hoạch kinh doanh để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong năm 2021; chấp hành nghiêm các quy định về ngoại tệ, lãi suất; đẩy mạnh huy động vốn; tập trung ưu tiên vốn cho các chương trình kinh tế trọng điểm, các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ các khoản cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác xử lý các vụ việc, xử lý tài sản, nợ xấu của ngành Ngân hàng.
Đồng thời tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các chi nhánh ngân hàng, TCTD trên địa bàn triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân vay vốn gặp khó khăn chưa trả được nợ vay do dịch Covid-19; thực hiện tốt công tác thanh toán không dùng tiền mặt góp phần duy trì tăng trưởng và phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)