Ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc: Hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra
Năm 2019, ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra từ đầu năm: Mặt bằng lãi suất ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn ngân hàng; Huy động từ dân cư tăng trưởng tốt; Dư nợ cho vay nền kinh tế đạt mức tăng trưởng khá đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế; Tỷ lệ nợ xấu thấp đều ở mức dưới 2% tổng dư nợ, an toàn hệ thống được đảm bảo; cạnh tranh giữa các ngân hàng lành mạnh hơn.
Đặc biệt, chất lượng tín dụng đã được các TCTD quan tâm hơn, dòng vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực SXKD, dịch vụ và đầu tư phát triển, góp phần hỗ trợ tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, dư nợ cho vay đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro từng bước được kiểm soát; thị trường vàng, ngoại tệ ổn định, đáp ứng nhu cầu thiết thực của khách hàng. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và công nghệ, dịch vụ ngân hàng phát triển mạnh mẽ…
Ngành Ngân hàng tỉnh Vĩnh Phúc tích cực triển khai nhiệm vụ 2020 ngay từ những ngày đầu năm |
Đáp ứng đủ nguồn vốn để phát triển KT-XH
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc ông Nguyễn Văn Tâm chia sẻ, NHNN Chi nhánh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn xây dựng và theo dõi sát việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng có hiệu quả gắn với kiểm soát chất lượng tín dụng, tập trung cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông...
Dành nguồn vốn nhất định để phát triển các gói sản phẩm cho vay phục vụ đời sống, phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu đông người lao động với thủ tục đơn giản và rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, thời gian cho vay phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn và khả năng trả nợ của khách hàng, góp phần hạn chế tín dụng đen.
NHNN tỉnh Vĩnh Phúc cũng là đầu mối thực hiện có hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các chương trình kết nối nhằm tăng cường hiểu biết, chia sẻ và hợp tác giữa ngành Ngân hàng và khách hàng nói chung, doanh nghiệp nói riêng, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, không để doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả, khả thi thiếu vốn phục vụ SXKD.
Cùng với đó, chi nhánh chỉ đạo tăng cường triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; triển khai các chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; chỉ đạo, giám sát các NHTM trong việc thực hiện cơ chế lãi suất tạo tiền đề tiếp tục giảm lãi suất cho vay năm 2020, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, quán triệt các TCTD thực hiện nghiêm Thông tư 22/2019/TT-NHNN về tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và Thông tư 18/2019/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính nhằm kiểm soát tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng đảm bảo an toàn về vốn và tín dụng.
Với sự chỉ đạo quyết liệt từ NHNN, sự triển khai tích cực của các NHTM, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn luôn có mức tăng trưởng khá và chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ, góp phần quan trọng tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn, đồng thời góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen. Tính đến 31/12/2019, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 18.088 tỷ đồng, chiếm 23,2% tổng dư nợ; tăng 4,55% so với năm 2018. Cho vay xây dựng nông thôn mới đạt dư nợ 16.200 tỷ đồng; tăng 3,79% so với năm 2018.
Thông qua Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã có 3.094 doanh nghiệp đang có quan hệ vay vốn tại các TCTD (tăng 284 doanh nghiệp so với năm 2018), dư nợ đạt 37.645 tỷ đồng, chiếm 48,25% tổng dư nợ, tăng 15,2% so với năm 2018. Các TCTD trên địa bàn cũng ưu tiên nguồn vốn và áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý đối với các lĩnh vực ưu tiên như: công nghiệp hỗ trợ; xuất khẩu; DNNVV; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh tín dụng thương mại, NHNN chỉ đạo triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH tỉnh. Năm 2019, NHCSXH tỉnh đã cho vay đối với 27.141 lượt khách hàng, doanh số cho vay đạt 994 tỷ đồng. Các khách hàng vay vốn chủ yếu là hộ gia đình, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Ngoài ra, NHCSXH còn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, phát triển nông nghiệp, dịch vụ, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn. Các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi hiện nay phù hợp với sự phát triển kinh tế của địa phương, được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân tin tưởng, đóng góp rất nhiều vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội của tỉnh.
Nhiều dịch vụ mới, hiện đại, đa dạng
Hiện nay, hầu hết các TCTD trên địa bàn đã chú trọng đầu tư mạnh mẽ về công nghệ thông tin để phát triển các sản phẩm online, đưa ra nhiều gói sản phẩm, dịch vụ mới hiện đại và tiện dụng cung cấp cho nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng. Hầu hết các dịch vụ được tự động hóa, sử dụng công nghệ có tính an toàn, bảo mật cao để cung ứng đến khách hàng. Các quy trình giao dịch với khách hàng không ngừng được cải tiến, hoàn thiện, vừa đảm bảo tiết giảm chi phí cho cả khách hàng và TCTD, vừa rút ngắn thời gian giao dịch.
Bên cạnh đó, các TCTD luôn chủ động tiếp cận với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để mở rộng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trả lương cho CBCNVC qua tài khoản ngân hàng; tăng cường tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người thu nhập thấp, các DNNVV. Tính đến hết tháng 12/2019, có 330.000 tài khoản khách hàng mở tại các chi nhánh TCTD trên địa bàn; 4.800 đơn vị hưởng lương từ NSNN trả lương qua ngân hàng với 27.700 tài khoản; tổng số giao dịch thanh toán qua internet đạt 2,4 triệu món, số tiền đạt 78 tỷ đồng; giao dịch qua điện thoại thông minh đạt 5 triệu món, số tiền đạt 45 tỷ đồng.
Các ngân hàng, TCTD trên địa bàn đã thực hiện tốt vai trò trung gian tài chính của nền kinh tế, mở rộng mạng lưới hoạt động cả về số lượng và quy mô. Từng TCTD đã nâng cao chất lượng hoạt động, nỗ lực trong hiện đại hóa công nghệ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng.
Đặc biệt, trong năm qua Agribank đã có thêm dịch vụ xe ô tô chuyên dụng hoạt động tại 8 điểm giao dịch lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa, đáp ứng tốt khả năng và nhu cầu tiếp cận vốn, mở tài khoản ngân hàng, nhất là các đối tượng ở khu vực nông thôn, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa…
Các ngân hàng cũng đã lắp đặt được 213 máy ATM (tăng 5% so năm 2019), hơn 700 POS (tăng 16,67% so với năm 2018) tại các trung tâm thương mại; khu vui chơi giải trí; siêu thị, nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng bán lẻ… tạo điều kiện cho người dân, khách du lịch dễ dàng thanh toán và sử dụng dịch vụ ngân hàng. Số lượng thẻ ghi nợ (quốc tế + nội địa) lũy kế đạt hơn 337.000 thẻ.
Trụ sở NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc |
Tiếp tục tái cơ cấu theo đề án đã được phê duyệt
Trong năm 2020, ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2020; Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 và Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 3/1/2020 của NHNN Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2020.
Ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc phấn đấu giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngân hàng và ngoại hối trên địa bàn; tăng trưởng huy động vốn đạt từ 15-17%; tăng trưởng tín dụng đạt 14-16%; Kiểm soát nợ xấu ở mức thấp, tỷ lệ chỉ chiếm dưới 2% tổng dư nợ; đa dạng và nâng cao chất lượng các dịch vụ ngân hàng khác đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp...
Để thực hiện mục tiêu trên, NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc sẽ theo dõi, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng để có kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương, Thống đốc NHNN các biện pháp quản lý hoạt động của TCTD, xử lý những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, những bất cập của cơ chế, chính sách cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; chú trọng cho vay đối với các lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD góp phần kiểm soát lạm phát, tạo môi trường thuận lợi cho SXKD, đầu tư phát triển.
NHNN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ SXKD, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, góp phần hạn chế tín dụng đen. Chỉ đạo các chi nhánh TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm túc phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đã được phê duyệt. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD có nợ xấu cao chủ động xây dựng phương án, kế hoạch xử lý nợ xấu, có các giải pháp ngăn chặn nợ xấu phát sinh; rà soát việc phân loại nợ, bảo đảm phản ánh đúng chất lượng khoản vay, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định.
Các TCTD trên địa bàn cần thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nội dung, giải pháp trong phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 đã được phê duyệt, áp dụng toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42/21017/QH14 để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan công an, tòa án, cơ quan thi hành án các cấp trong quá trình thu hồi nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm nhằm thu hồi tối đa khoản nợ xấu, từ đó tạo điều kiện đẩy mạnh vốn vào các lĩnh vực SXKD, đáp ứng đủ nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp, góp phần hạn chế, đẩy lùi tình trạng tín dụng đen trên địa bàn.