Ngành thực phẩm - đồ uống: Triển vọng thị trường và xu hướng tiêu dùng
Xu hướng tiêu dùng mới
Theo nghiên cứu Toàn cảnh ngành thực phẩm - đồ uống Việt Nam năm 2018 của Vietnam Report, ngành thực phẩm và đồ uống hiện chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng lên; đồng thời đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng (chiếm khoảng 35% mức chi tiêu).
Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, báo cáo cho biết chỉ số tiêu thụ của ngành chế biến thực phẩm và sản xuất đồ uống trong 9 tháng đầu năm 2018 tăng lần lượt 8,1% và 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó theo dự báo của BMI - một tổ chức nghiên cứu, đánh giá về kinh tế, tài chính hàng đầu có trụ sở tại London, Anh - ngành thực phẩm và đồ uống sẽ cao hơn trong giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam có thể đứng ở vị trí thứ ba châu Á.
Báo cáo chỉ ra ba xu thế chủ đạo trong phong cách tiêu dùng thực phẩm - đồ uống mới. Đó người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các thực phẩm sạch, có nguồn gốc hữu cơ và thân thiện với môi trường, và sẵn sàng chi trả khoản tiền cao hơn cho bữa ăn hàng ngày.
Hơn 86% người tiêu dùng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM khi được hỏi đã lựa chọn các sản phẩm tự nhiên và hữu cơ, hoặc các sản phẩm đúng mùa vụ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Xu hướng thứ hai là sử dụng thực phẩm tiện lợi và đồ uống với những gói trọng lượng nhỏ, dễ mang theo khi đi đường do số lượng người trong một gia đình thường chỉ có 4-5 người, tỷ lệ người sống độc thân tăng.
Thứ ba là mạng xã hội và công nghệ với các ứng dụng như tìm kiếm địa điểm ăn uống (Foody), giao đồ ăn (deliveryNow) và đặt bàn (TableNow)… đã làm thay đổi trải nghiệm ẩm thực của người tiêu dùng, nhất là giới trẻ.
Cơ cấu chi tiêu trung bình hàng tháng của người tiêu dùng Việt Nam theo khảo sát tháng 9/2018 - Nguồn: Vietnam Report |
Thị trường ngày càng cạnh tranh
Không chỉ là thị trường tiêu thụ, Việt Nam còn có tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm - đồ uống và hiện đã có những doanh nghiệp tương đối mạnh, có tên tuổi, có sức cạnh tranh, thường xuyên dẫn đầu tại thị trường trong nước, đủ cơ sở để xuất khẩu ra nước ngoài.
Các doanh nghiệp đặt kỳ vọng vào Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), cho đây là cơ hội lớn để thương hiệu Việt xuất hiện tại nhiều quốc gia hơn trên thế giới. Thủy sản, cà phê, bánh kẹo được dự đoán sẽ là 3 ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu lớn trong thời gian tới.
Báo cáo cũng lưu ý, cơ hội phát triển của các thương hiệu thực phẩm - đồ uống Việt rất lớn nhưng khi các doanh nghiệp nước ngoài tích cực có mặt tại thị trường Việt Nam một mặt mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư - sản xuất, góp phần đa dạng sản phẩm và tiện ích, nhưng cũng đẩy cạnh tranh tăng lên.
Các tên tuổi lớn trong ngành FMCG đến từ Thái Lan, Hàn Quốc với lợi thế về tài chính, kinh nghiệm và công nghệ cũng tích cực đầu tư vào Việt Nam. Theo nghiên cứu của BMI, cơ hội đầu tư cho ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam vẫn còn khá lớn, đặc biệt trong ngành đồ uống, thực phẩm chế biến và sữa.
Hoạt động M&A trong ngành thực phẩm - đồ uống thời gian qua cũng diễn ra rất sôi động, cả về số lượng và chất lượng, tạo nên những "ông lớn" của ngành thực phẩm - đồ uống, điển hình như Masan, Thành Thành Công, Kido, Pan Group…
Cho rằng một thương hiệu mạnh là chưa đủ, đó còn phải là một thương hiệu uy tín, báo cáo khuyến nghị các doanh nghiệp ngành thực phẩm - đồ uống trong thời gian tới cần đầu tư hơn nữa cho việc quảng bá và phát triển hình ảnh và ghi tên mình trên bản đồ thực phẩm - đồ uống thế giới.
Chỉ thương hiệu là chưa đủ
Báo cáo cũng nhận diện các thương hiệu uy tín ngành thực phẩm - đồ uống giai đoạn 2017 - 2018 theo các nhóm sản phẩm chính: sữa, đường, bánh kẹo; thực phẩm đóng gói, gia vị, dầu ăn; thực phẩm tươi sống, đông lạnh; đồ uống (bao gồm đồ uống có cồn, đồ uống không cồn và đồ uống nóng - chè, cà phê).
Về thương hiệu được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất trong nhóm nước uống và có tỷ lệ được lựa chọn cao nhất trong tất cả các nhóm là Lavie (45,3%), tiếp theo là Pepsi (41,8%); nhóm bia là thương hiệu Heineken (32,5%); sữa là Vinamilk (34,3%); bánh kẹo là Bibica (29,2%); cà phê là G7 (23,1%); thực phẩm ăn liền là mỳ Hảo Hảo (22,4%), Vissan (17,2%); gia vị là Nam Ngư (16,4%), dầu ăn Simply (11,6%)…
Theo nhận định của Vietnam Report, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu uy tín tốt hơn khi đưa ra quyết định mua sắm.
Nhưng, truyền thông của các doanh nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống hiện còn hạn chế. Chỉ 22,9% số doanh nghiệp được nghiên cứu có lượng thông tin đạt ngưỡng nhận thức, trong đó 44% có tần suất xuất hiện tối thiếu 1 lần/tháng.
Về độ đa dạng thông tin, 27,4% số doanh nghiệp có thông tin bao phủ 10/24 số nhóm chủ đề có liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp. 3 nhóm chủ đề thường được đề cập đến nhiều nhất là tài chính/kết quả kinh doanh, cổ phiếu và sản phẩm.
10 doanh nghiệp có tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực/tiêu cực cao nhất (từ tháng 9/2017- 9/2018) - Nguồn: Vietnam Report |
Theo báo cáo, không chỉ các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm - đồ uống mà phần đông các doanh nghiệp Việt đều khá dè dặt với truyền thông bởi thiếu khả năng kiểm soát thông tin. Đây cũng là bài toán khó cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ hiện đại và thông tin đa chiều như hiện nay.