Ngành xuất bản thích nghi với bối cảnh mới
Thích ứng trong thời đại số
Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng 30% người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Trong khi đó, nước ta ghi nhận 70% người dân sử dụng internet, thuộc nhóm dẫn đầu thế giới.
Điều này đòi hỏi những người làm phát hành sách phải chủ động, chuyển đổi, hiểu rõ các thói quen của người đọc để lựa chọn sách, đưa sách đến gần hơn với họ thông qua môi trường số.
Vài năm gần đây, xuất bản kỹ thuật số đang được coi là hướng đi mới, nổi lên trên cơ sở ngành xuất bản truyền thống và dựa vào nền tảng công nghệ máy tính và công nghệ số tích hợp đa nền tảng, liên kết cơ sở dữ liệu từ nhiều ngành truyền thông khác nhau. Đây là mô hình được các chuyên gia dự báo là có nhiều dư địa phát triển ở Việt Nam để theo kịp yêu cầu đổi mới hoạt động và không bị lạc nhịp với các xu hướng mới của ngành xuất bản.
Xuất bản trên nền tảng số là xu hướng tương lai |
Tại Việt Nam, các thống kê mới nhất cho thấy, quy mô doanh thu thị trường sách nói trong năm 2023 đạt 80 tỷ đồng; số lượt nghe sách nói đạt 40 triệu lượt (tăng 25% so với năm 2022); số tựa sách điện tử xuất bản trong năm đạt 4.600 đầu, tăng 31,4%. Có 24/57 nhà xuất bản đã tham gia xuất bản và phát hành điện tử (tăng 26,3%).
Tuy nhiên, về mặt hiệu quả kinh tế, thể hiện qua doanh thu, lợi nhuận thì chưa đáp ứng như mong đợi. Đơn cử, thuộc top đầu các nhà xuất bản hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử trong năm 2023, Nhà xuất bản Trẻ cho biết chỉ đạt doanh thu trên 1,23 tỷ đồng, có lợi nhuận trên 109 triệu đồng, hay phát hành điện tử chỉ mang về cho Nhà xuất bản Hà Nội hơn 1 tỷ đồng, có lợi nhuận gần 167 triệu đồng… một số nhà xuất bản ghi nhận doanh thu từ phát hành điện tử nhưng lợi nhuận thì không có. Điều đó chứng tỏ quy mô xuất bản điện tử của nước ta vẫn còn nhỏ, chưa theo kịp tốc độ phát triển trên thế giới.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện tại ngành xuất bản đang gặp khó trong việc nâng cấp trang thiết bị, máy móc ứng dụng. Đồng thời, công nghệ chưa theo kịp các nước tiên tiến dẫn đến nhiều khó khăn trong ứng dụng các thành quả khoa học hiện đại vào xuất bản. Ngành cũng chưa có được chuẩn mực thống nhất trong công nghệ xuất bản, in và phát hành để giúp bạn đọc tiếp cận, sử dụng thành thạo sách điện tử.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trong Hội nghị Tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 từng nhấn mạnh: Đổi mới sáng tạo sẽ là câu chuyện chính của xuất bản. Cần đổi mới sáng tạo về cách làm sách, phân phối sách, mô hình kinh doanh, hợp tác mới.
Ngành xuất bản muốn đáp ứng nhu cầu và thu hút nhóm người đọc trẻ trong thời đại số thì không thể đi “một mình”. Các doanh nghiệp trong ngành cần mở rộng hợp tác, nhất là với các công ty công nghệ…; xây dựng hạ tầng số, trọng tâm là nền tảng xuất bản số, trí tuệ nhân tạo AI. Đồng thời, cần sớm tìm ra mô hình tăng doanh thu từ công nghệ mới, tìm cách “đi đường dài” mà vẫn hài hòa với các giá trị xã hội.
Tăng cường quảng bá văn hóa đọc
Xuất bản vốn đặc thù vừa là ngành kinh tế, cũng lại là lĩnh vực văn hóa - chính trị không thể thiếu trong công cuộc truyền bá tri thức tới độc giả. Cho nên muốn phát triển, ngành xuất bản không thể bỏ qua việc tự chủ động quảng bá sản phẩm, đồng thời phải duy trì và phát triển văn hóa đọc.
Được biết, phát triển văn hóa đọc cộng đồng và gắn đọc sách với xây dựng xã hội học tập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Xuất bản Việt Nam. Ông Phạm Minh Tuấn - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam từng đưa ra gợi ý, nhà xuất bản, công ty phát hành sách tự nhận thấy cuốn nào hay, có thể đề cử để Hội có thể chọn ra mỗi tháng 5-7 cuốn (tùy số lượng) để chỉ đạo, phối hợp truyền thông quảng bá.
Ở Việt Nam, những năm gần đây đã có nhiều tín hiệu tích cực đáng ghi nhận trong việc áp dụng các phương pháp truyền thông, tổ chức sự kiện mới để thu hút người đọc. Đã xuất hiện các triển lãm, hội chợ sách online trên nền tảng số được tổ chức nhằm phục vụ bạn đọc. Độc giả cũng có thể mua sách thông qua sự kết nối trực tiếp giữa nền tảng số quốc gia với các sàn mua bán sách trực tuyến. Tại nhiều địa phương, thư viện tỉnh từng tổ chức đa dạng các triển lãm, hội sách trực tuyến trên các nền tảng công nghệ; Hội sách trực tiếp kết hợp với trực tuyến; Hội sách thanh toán không sử dụng tiền mặt; quảng bá sách và văn hóa đọc trên các chuyên mục báo điện tử, mạng xã hội…
Trong thời gian sắp tới, để ngành xuất bản phát triển bền vững, rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, cũng như các cơ quan báo chí, truyền thông, doanh nghiệp, tổ chức thêm nhiều hoạt động thiết thực để việc truyền thông, quảng bá, nhất là đối với phát triển văn hóa đọc trong xã hội.