Nghịch cảnh điểm du lịch lớn vẫn chẳng có gì để chơi
Nghịch lý khách đến nhiều, doanh thu tăng chậm
Từ 1990 đến 2017, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng 52 lần, khách nội địa tăng 72 lần. Trong 3 năm qua, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế hàng năm luôn duy trì ở mức 30% - con số khiến nhiều quốc gia ghen tỵ. Thậm chí năm 2017, du lịch Việt Nam vinh dự xếp thứ 6 trong top 10 điểm đến phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới. Và chưa hết năm 2018, Việt Nam đã cán đích sớm với 15 triệu lượt khách quốc tế.
Khách tăng, nhưng doanh thu du lịch chạy dài so với các quốc gia láng giềng. Cụ thể, năm 2017, du lịch Việt Nam thu về 8,3 tỷ USD từ khách quốc tế, quá khiêm tốn so với 12,6 tỷ USD của Indonesia, 18,4 tỷ của Singapore và 52,5 tỷ USD của người láng giềng Thái Lan.
Nguyên nhân không chỉ là do lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn ít hơn các nước trong khu vực, mà còn vì chi tiêu của khách ở Việt Nam cũng “tiết kiệm” hơn. “So với Thái Lan, số ngày khách quốc tế lưu trú tại Việt Nam không hề kém cạnh (9,5 ngày ở Việt Nam và 9,6 ngày ở Thái Lan), song khách đến Việt Nam chi vỏn vẹn có 96 USD mỗi ngày, còn ở Thái Lan là 163 USD, trong khi Singapore là 325 USD” - ông John Lindquist - Cố vấn cấp cao BCG, thành viên Hội đồng cơ quan du lịch Anh chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam vừa diễn ra mới đây.
Biết tiêu tiền vào đâu?
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngoài ngắm cảnh ngủ khách sạn rồi về thì không có cơ hội được tiêu tiền. Câu chuyện đó, bao năm qua, vẫn chẳng khá lên là mấy. Ngay tại các thành phố du lịch lớn của Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM, Phú Quốc, du khách cũng không có nhiều sự lựa chọn để vui chơi, giải trí, mua sắm.
Đơn cử như Đà Nẵng – thủ phủ du lịch miền Trung, địa phương luôn giữ mức tăng trưởng cao nhiều năm, mặc dù đầu tư rất nhiều cho cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, tuy nhiên sản phẩm du lịch độc đáo và các dịch vụ vui chơi, giải trí dành cho khách, đặc biệt là giải trí về đêm vẫn còn rất “khiêm tốn”.
Cầu Vàng trên đỉnh Bà Nà Hills
Nhiều năm nay, ngoài Bà Nà Hills, du khách đến Đà Nẵng không có khu du lịch nào tầm cỡ hơn, hấp dẫn hơn để vui chơi. Bởi vậy, vòng quay luẩn quẩn là đi tắm biển, ăn hải sản, thăm Làng đá Non nước, chơi Bà Nà Hills là… “hết tour”. “Các điểm đến như Phú Quốc, Đà Nẵng đã hấp dẫn, nhưng cần có những cái mới để khách trở lại. Chẳng hạn, thời gian qua khách đến Đà Nẵng rất thích thú với các sản phẩm như Bà Nà Hills, Cầu Vàng, hay sang trọng hẳn như sản phẩm nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort… Tuy nhiên, từng đó vẫn chưa đủ để níu chân du khách được lâu, kích thích chi tiêu nhiều” - bà Đặng Bích Thọ, Phó Tổng giám đốc Hanoi Redtours cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet Travel cho rằng: “Đà Nẵng sở hữu nhiều thế mạnh về du lịch, song các hoạt động, dịch vụ vui chơi giải trí về đêm lại chưa được đẩy mạnh, thiếu nhiều bar, khu vui chơi về đêm. Có khu chợ đêm, nhưng toàn quán đồ ăn vặt, chưa mang tính quy mô và không đặc sắc lắm. Từ Đà Nẵng có thể di chuyển ra thành phố Hội An chơi phố, tuy nhiên, Hội An đi ngủ hơi sớm, khoảng 10h tối đã thấy đường sá tối om, vắng tanh, trong khi tại các thành phố châu Á khác, khu chợ đêm thường kéo dài đến quá nửa đêm”.
Khu du lịch Bà Nà Hills
Những năm gần đây, một số khu du lịch hiện đại được đầu tư quy mô theo mô hình tích hợp đa dạng các loại hình vui chơi, giải trí, mua sắm trong một quần thể tại các thành phố du lịch lớn như: Sun World Ba Na Hills ở Đà Nẵng, Sun World Fansipan Legend tại Lào Cai, Sun World Halong Complex tại Hạ Long hay các khu Vinpearl ở Nha Trang, Phú Quốc… đã phần nào giải tỏa cơn khát thiếu sản phẩm, dịch vụ vui chơi giải trí đẳng cấp.
Tuy nhiên, so với nhu cầu và lượng du khách ngày càng tăng, thì những cái tên trên cũng chỉ là “muối bỏ bể”. Trong khi đó, số doanh nghiệp tư nhân dám bỏ tiền để đầu tư nên những công trình, khu du lịch tầm cỡ như vậy chỉ đếm được trên đầu ngón tay. “Lĩnh vực vui chơi giải trí là bài toán ít người dám đầu tư vì vốn bỏ ra rất lớn, thu hồi vốn chậm, chưa kể còn liên quan đến vấn đề giao đất, giải phóng mặt bằng. Chúng ta cần có cơ chế để tạo điều kiện cho việc xây dựng các khu vui chơi giải trí như vậy!” – ông Đạt bày tỏ.
Thiếu trải nghiệm đã đành, vấn đề cơ sở hạ tầng cũng đang là rào cản của du lịch Việt Nam. Theo đánh giá của ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch điều hành Grant Thornton Việt Nam tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam 2018, mặc dù các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang… thời gian qua có sự cải thiện vượt bậc về cơ sở lưu trú cả về số lượng và chất lượng, tuy nhiên, cầu vẫn tăng nhanh hơn cung, bằng chứng là giá phòng và tỉ lệ lấp đầy vẫn đang tăng.
Du khách trải nghiệm tàu hỏa leo núi Mường Hoa tại Fansipan
Về vấn đề này, bà Đặng Thị Thọ cũng thẳng thắn chia sẻ, khách của Hanoi Redtours đến Hà Nội đang dần tăng lên, tuy nhiên lại giảm số ngày lưu trú. “Nguyên nhân là vì số phòng khách sạn của thủ đô không đáp ứng kịp lượng tăng của khách nên giai đoạn này có xu hướng tăng giá phòng. Do đó, để giữ mức chi phí cố định tương đối cho chuyến đi, khách thường phải giảm số ngày lưu trú ở Hà Nội” – bà Thọ cho hay.
Lượng khách quốc tế năm sau luôn cao hơn năm trước là một dấu hiệu đáng mừng của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, để doanh thu từ du lịch tăng trưởng tỷ lệ thuận với lượng khách, lời giải vẫn chỉ là đầu tư mạnh hơn nữa cho cơ sở hạ tầng và trải nghiệm du khách.