Nguồn vốn chính sách: Đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân
Bí thư Đoàn tận tâm, trách nhiệm với tín dụng chính sách Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội làm việc với Tỉnh ủy Đắk Lắk |
Theo ông Đào Thái Hòa, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Đắk Lắk, trong giai đoạn 2014 - 2024, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh Đắk Lắk tập trung nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín uskyt
chính sách xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Qua 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác chuyển sang hơn 383 tỷ đồng; đưa tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đạt hơn 502 tỷ đồng.
Điều đáng ghi nhận, vốn tín dụng chính sách xã hội giúp hơn 485 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH; thu hút, tạo việc làm cho hơn 40 nghìn lao động; tạo điều kiện cho gần 8 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 230 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 7 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo, gần 66 nghìn hộ gia đình tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo; góp phần hoàn thành 78 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,15% đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế ở nông thôn...
Tỉnh Đắk Lắk luôn quan tâm chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác |
Thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội, để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, tỉnh Đắk Lắk luôn quan tâm chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tổng nguồn vốn để thực hiện tăng trưởng bình quân hằng năm trên 10%.
Ông Hòa cho biết thêm, hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện 21 chương trình tín dụng chính sách và các chương trình do địa phương ủy thác thực hiện. Tổng doanh số cho vay từ năm 2014 đến nay hơn 14.943 tỷ đồng, với trên 485 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ gần 10.183 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, có thể khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an sinh xã hội; ổn định chính trị, an ninh quốc phòng; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước.
Ông cũng nhấn mạnh, thời gian tới Đắk Lắk cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội tạo nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của chi nhánh NHCSXH trên địa bàn; tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát kịp thời khắc phục những hạn chế, cũng như biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung, thời gian tới, các cấp ủy Đảng trong tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục tập trung triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương về tín dụng chính sách xã hội như Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương, Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu đến hết năm 2030, tỷ trọng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đạt 15% trong tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Qua đó, tạo nguồn vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay vốn để phát triển kinh tế, an sinh xã hội góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Đặc biệt, ông Trung nhấn mạnh, cần tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống kiểm tra, giám sát trong tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách; nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao xây dựng nông thôn mới trên địa bàn...