Nhà băng ngoại theo chân doanh nghiệp FDI
Ngân hàng ngoại gia tăng sức ép | |
Thấy gì qua hoạt động của các ngân hàng ngoại |
Ngân hàng ngoại chủ yếu phục vụ doanh nghiệp ngoại và những khách hàng có thu nhập cao trong nước |
Dịch chuyển theo làn sóng FDI
Cuối tháng 9/2020, Megabank – một ngân hàng của Đài Loan đã nộp hồ sơ về NHNN để xin mở chi nhánh tại Hải Phòng. Ngân hàng này lý giải, đây là trung tâm công nghiệp lớn thứ 2 của miền Bắc. Nếu được cơ quan quản lý cấp phép, nhà băng này sẽ trở thành ngân hàng đầu tiên của Đài Loan có chi nhánh tại Hải Phòng và có thể đón đầu hỗ trợ vốn cho các DN lớn trong lĩnh vực điện tử và công nghệ của Đài Loan đang có mặt đầu tư tại đây, như Pegatron, USI, Lite-ON... Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay đã có hơn 2.700 DN Đài Loan có mặt tại Việt Nam; trong đó, hầu hết các công ty, dự án đều sử dụng vốn và dịch vụ tài chính từ các chi nhánh ngân hàng của Đài Loan.
Trên thị trường không chỉ có Megabank, một số ngân hàng khác của Đài Loan như Taishin, Caythay, CTBC… trong tháng 9 cũng đang dậm dịch xin phép mở chi nhánh tại các tỉnh miền Bắc để đón đầu làn sóng dịch chuyển của cộng đồng DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sau những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.
Sau khi chứng kiến hợp tác toàn diện giữa Vietcombank và Toyota Việt Nam, ngân hàng JBIC của Nhật Bản đã cam kết hợp tác Vietcombank để triển khai gói tín dụng cho toàn bộ chuỗi cung ứng của các DN Nhật Bản tại Việt Nam. Trong khi đó, The Kwangju Bank, Ltd. - ngân hàng thuộc thuộc Tập đoàn JB Financial Group của Hàn Quốc cũng đã rót vốn vào thành lập Công ty chứng khoán JB Việt Nam. Công ty chứng khoán này sẽ tập trung đầu tư vốn để phát triển hạ tầng cho các nhà đầu tư Hàn Quốc đồng thời mở rộng bảo lãnh tín dụng, bảo lãnh phát hành trái phiếu để kêu gọi vốn cho các DN Hàn Quốc trên thị trường Việt Nam.
Đầu năm 2020, NHNN đã chấp thuận cho Malaysia Public Bank được mở 3 chi nhánh và 2 văn phòng giao dịch tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Ngân hàng UOB của Singapore và cũng đã được phép thành lập công ty con tại Việt Nam hồi tháng 8. Trong khi đó, ngân hàng Daegu Chi của Hàn Quốc đã thành lập chi nhánh TP.HCM để tham gia cấp vốn cho hàng loạt những DN “đại bàng” của nước này đang có mặt tại Việt Nam như: Samsung, LG, Lotte, Hyosung, Taekwang, Doosan, Hyundai và Posco…
Rộng mở tiềm năng “hái quả ngọt”
Xu hướng thâm nhập thị trường và mở rộng mạng lưới của các ngân hàng nước ngoài thời gian gần đây đang cho thấy sức hấp dẫn môi trường đầu tư của Việt Nam và tiềm năng thị trường có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận từ sự dịch chuyển của các nhà máy, dự án đến từ Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực.
Các công ty phân tích tài chính phân tích, trong 6 tháng đầu năm 2020, khối ngân hàng ngoại có kết quả kinh doanh vượt trội hơn hẳn so với các ngân hàng nội. Các công ty chứng khoán đều có chung dự báo, làn sóng gia nhập, mở rộng thị trường của các ngân hàng ngoại vẫn sẽ tiếp diễn trong ít nhất 1-2 năm tới bởi cho đến thời điểm hiện nay các yếu tố để đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận còn dư địa rất lớn.
Theo thống kê của NHNN, tính đến cuối tháng 7/2020, tổng tài sản của các ngân hàng liên doanh và 100% vốn nước ngoài đạt hơn 1,43 triệu tỷ đồng, tăng 6,6% so với cuối năm 2019, cao gấp hơn ba lần mức tăng trưởng tài sản của toàn hệ thống các TCTD và chiếm hơn 11% tài sản toàn hệ thống.
Trong khi các ngân hàng nội vẫn đang chật vật đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo quy định là 9%, thì các ngân hàng ngoại hệ số này đang khá cao (khoảng 31,12%) và hoàn toàn có lợi thế khi đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cho cộng đồng DN. Các ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam hoạt động chủ yếu phát triển khách hàng là các DN của nước họ đến Việt Nam đầu tư làm ăn kinh doanh, một số ngân hàng như HSBC, Shinhan Bank… chọn những người Việt Nam có thu nhập cao để phát triển dịch vụ tài chính cá nhân như thẻ tín dụng, các chương trình tài chính du học, du lịch…
Ông Pramoth Rajendran - Giám đốc toàn quốc khối quản lý tài sản và tài chính cá nhân của HSBC Việt Nam cho biết, trong 10 năm đưa gói dịch vụ Premier dành cho nhóm khách hàng có thu nhập cao ở Việt Nam, nhà băng này nhận thấy những sản phẩm dịch vụ ngân hàng phải tập trung vào các nhu cầu kết nối dễ dàng và hỗ trợ tài chính cho gia đình. Hiện HSBC vẫn đang phát triển những sản phẩm gắn nhiều hơn với khách hàng gia đình đồng thời đặt mục tiêu tài chính ngay tại Việt Nam và nước ngoài. Nhóm khách hàng này muốn thực hiện tất cả các thủ tục và giao dịch ngân hàng nhanh chóng cho dù đang ở đâu trên thế giới.
HSBC có một trung tâm hỗ trợ vay thế chấp tại nước ngoài thuộc trung tâm dịch vụ ngân hàng quốc tế của ngân hàng này với mục đích hỗ trợ khách hàng đăng ký các khoản vay mua bất động sản tại các quốc gia phổ biến như Mỹ, Canada và Úc. Theo đó, ngân hàng hỗ trợ khách hàng xây dựng kế hoạch học tập nước ngoài cho con cái người Việt Nam và hợp tác với chuyên gia tư vấn giáo dục cung cấp thông tin du học.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm các sản phẩm dịch vụ ngân hàng của các TCTD nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam thường có xu hướng bán theo gói, nên các chi phí tiền gửi thường rất thấp mới tạo ra lãi suất tiền vay và các dịch vụ khác với chi phí rẻ. Những DN và cá nhân người Việt sử dụng dịch vụ của ngân hàng ngoại phải xác định được nhu cầu đầu tư dài hạn mới có hiệu quả.