Nhân lực số: Tạo đà cho ngành công nghệ thông tin phát triển
Theo đúng lộ trình đào tạo, năm 2020 Việt Nam sẽ có gần 1,1 triệu nhân lực CNTT. Tuy nhiên hiện nay, lượng nhân lực số đủ trình độ vẫn còn thiếu so với nhu cầu ngày càng lớn của DN. Vì vậy cần phải đẩy mạnh công tác đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực số.
Ngành CNTT Việt Nam trong những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành hạ tầng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, là phương thức phát triển mới nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Doanh thu ngành CNTT năm 2019 đạt khoảng 100 tỷ USD tương đương 1/3 GDP Việt Nam. Trong đó, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT đạt doanh thu 11 tỷ USD. Nhân lực ngành CNTT khoảng 1 triệu lao động với khoảng 250.000 lập trình viên. Việt Nam đang nỗ lực phát triển nguồn nhân lực với việc mỗi năm cho ra trường 50.000 kỹ sư CNTT để hoàn thành mục tiêu 1 triệu lập trình viên sớm nhất có thể.
Ngành công nghệ thông tin Việt Nam trong những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ |
Ông Lê Xuân Hoà, Phó chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) cho biết, câu chuyện chuyển đổi số và nhân lực số nhận được sự quan tâm của rất nhiều DN. Hiện chất lượng nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam đang ngày càng nâng cao. Việt Nam đã nằm trong Top 5 các quốc gia hấp dẫn nhất về xuất khẩu dịch vụ CNTT, là đối tác lớn thứ 2 của Nhật Bản, nhờ vào khả năng tiếp cận nhanh chóng với các công nghệ. Trình độ của nhân lực CNTT Việt Nam phát triển rất nhanh và được quốc tế đánh giá cao đặc biệt là trong các xu hướng công nghệ mới. Các kỹ sư Việt Nam là một trong số kỹ sư đầu tiên và hiếm được cấp chứng chỉ hiếm TensorFlow cao cấp về AI của Google, chứng chỉ Predix về IoT của GE và số lượng kỹ sư có các chứng chỉ AWS của Amazon, các chứng chỉ Microsoft tăng lên nhanh chóng. Việt Nam có lực lượng lao động đông đảo, chất lượng lao động ngày càng được nâng cao theo tiêu chuẩn quốc tế và mức lương có tính cạnh tranh cao đang là những những điểm mạnh thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực CNTT.
Tuy nhiên, theo Vinasa, nhìn chung hiện nay các chương trình đào tạo ngành CNTT trong nước được cho là chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, đặc biệt là trong việc đào tạo kỹ sư chất lượng cao. Việt Nam hiện có 236 trường đại học, 149 trường trong số này đang đào tạo CNTT, hàng năm cung cấp hơn 50.000 kỹ sư CNTT. Bên cạnh đó, thị trường còn có 412 trường đạo tạo nghề CNTT bậc cao đẳng vào trung cấp hàng năm cung cấp khoảng 12.000 nhân lực cho ngành CNTT. Bên cạnh các trường công lập đang cung cấp phần lớn nhân lực cho thị trường như Đại học Bách khoa, Đại học công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Học viện Bưu chính Viễn thông, khu vực tư nhân cũng đang đầu tư rất mạnh cho đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao cho thị trường như: Đại học FPT, Đại học Lạc hồng, Đại học Duy Tân, Trường Lê Quý Đôn…
Trên thực tế, CNTT luôn được đánh giá là một trong những ngành khát nhân lực nhất Việt Nam, khi các DN thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng. Chính vì vậy, việc đào tạo để bổ sung nguồn nhân lực trong những năm tới là thực sự cần thiết. Theo ông Lê Xuân Hoà, Phó chủ tịch Vinasa cho rằng, Phát triển nguồn nhân lực đang là mối quan tâm hàng đầu trong chương trình chuyển đổi số của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam đang thực hiện một loạt các nhiệm vụ về đào tạo để đạt được mục tiêu đề ra như tuyển sinh đào tạo, bổ sung cử nhân, kỹ sư chuyên ngành CNTT hàng năm. Điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo ở bậc sau đại học, đại học và dạy nghề các công nghệ số: AI, khoa học dữ liệu, Big Data, Cloud Computing, IoT, VR/AR, Blockchain, 3D Printing. Triển khai áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học và nghệ thuật, kinh doanh, DN (giáo dục STEAM/STEAM/STEAME); Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số cho người lao động tại các DN trong khu công nghiệp, khu chế xuất…