Nhật Bản có thể sẽ không tiếp tục can thiệp để bảo vệ đồng yên
Sau khi đồng USD tăng vọt lên gần 146 JPY/USD, Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường tiền tệ vào thứ Năm tuần trước với việc mua đồng yên lần đầu tiên kể từ năm 1998. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Shunichi Suzuki đã phát tín hiệu sẵn sàng tham gia một lần nữa nếu đồng yên biến động quá nhiều.
Đồng yên đã dao động quanh mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng USD do sự phân kỳ chính sách ngày càng lớn giữa Fed và NHTW Nhật Bản (BoJ). Theo đó trong khi Fed liên tục tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát thì BoJ vẫn cam kết duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.
Ảnh minh họa |
Sự can thiệp của Tokyo được đưa ra ngay sau khi đồng yên lao dốc do quyết định của BoJ về việc giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục và Thống đốc Haruhiko Kuroda phát biểu sau cuộc họp rằng, lãi suất có thể sẽ không tăng trong vài năm nữa.
Tuy nhiên Shinohara - người giám sát chính sách tiền tệ của Tokyo trong cuộc khủng hoảng Lehman năm 2008 cho biết, bất kỳ can thiệp mua đồng yên nào nữa sẽ bị hạn chế về quy mô do Nhật Bản cần tránh bị các nước G7 chỉ trích.
Shinohara cho biết, Mỹ có khả năng sẽ không chỉ trích hành động của Nhật Bản vào thứ Năm tuần trước vì Tokyo mô tả hành động này là nhằm chống lại “sự biến động quá mức”, điều mà G7 đồng ý có thể làm tổn hại đến tăng trưởng. Tuy nhiên, Washington có thể sẽ lên tiếng phản đối nếu Tokyo liên tục tham gia thị trường hoặc gây ấn tượng rằng họ đang ngăn cản đồng yên giảm xuống dưới một mức nhất định, Shinohara cho biết.
Bên cạnh đó, theo Shinohara: “Không thể đảo ngược xu hướng rộng lớn của thị trường chỉ với sự can thiệp”. Theo Shinohara, xu hướng giảm của đồng yên sẽ khó có thể đảo ngược chừng nào BoJ còn duy trì lãi suất ở mức cực thấp. “Kuroda tỏ ra quyết tâm hơn bao giờ hết trong việc duy trì chính sách nới lỏng, tương đương với việc tuyên bố BoJ sẽ tiếp tục bơm đồng yên ra thị trường”, Shinohara nói.
Tuy nhiên quan điểm của BoJ đang mâu thuẫn với mục tiêu mua vào đồng yên của Chính phủ. “Nhật Bản đang đạp ga và phanh cùng một lúc. Khi bạn làm vậy với chiếc xe của mình, bạn có thể làm hỏng phanh hoặc mất kiểm soát tay lái”, Shinohara nói. “Tôi không nghĩ rằng Nhật Bản có thể tiếp tục làm điều này quá lâu”.