Nhật Bản đang chật vật phục hồi
Trong quý I/2020, nền kinh tế Nhật Bản đã chìm vào một cuộc suy thoái mà có khả năng còn diễn biến xấu đi do các hộ gia đình cắt giảm chi tiêu cho các nhu yếu phẩm. Bên cạnh đó, các công ty cắt giảm đầu tư, sản xuất và thuê mua để duy trì hoạt động trong bối cảnh đại dịch corona virus. Theo số liệu của Văn phòng Nội Các, tổng sản phẩm quốc nội trong quý I đã giảm 3,4% so với cùng kỳ, do xuất khẩu giảm và tiêu dùng bị xáo trộn do giãn cách xã hội. Mặc dù kết quả có khả quan hơn một chút so với mức giảm dự kiến là 4,5%, nhưng các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách vẫn cho rằng trong quý II này, tình hình kinh tế tại Nhật Bản vẫn diễn biến hết sức tồi tệ.
Ảnh minh họa |
Việc GDP hai quý liên tiếp bị thu hẹp cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang rơi vào suy thoái ngay cả trước khi Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Các nhà phân tích cũng dự báo rằng nền kinh tế có thể tiếp tục suy giảm 21,5% trong quý sắp tới và nếu điều đó xảy ra thì đây sẽ là một kỷ lục trong sụt giảm kinh tế tại Nhật Bản kể từ năm 1955.
Ông Takeshi Minami, Chuyên gia kinh tế của Viện nghiên cứu Norinchukin đánh giá, tình trạng kinh tế tại Nhật Bản trong quý này đã trở nên tồi tệ hơn nhiều. Các công ty đang cạnh tranh nhau khốc liệt để đảm bảo nguồn vốn và điều đó cho thấy rằng tình hình đầu tư kinh doanh vẫn rất yếu và nhiều công nhân đang tỏ ra lo ngại về tiền lương của họ.
Cuộc khủng hoảng đã gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách phải đẩy mạnh các biện pháp kích thích kinh tế, với gói hỗ trợ cho đến thời điểm hiện tại đã ở mức kỷ lục 117 nghìn tỷ yên ( khoảng 1,1 nghìn tỷ USD), chiếm hơn 20% GDP.
Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura cho biết, chính phủ đang dự định thông qua đợt bổ sung ngân sách khẩn cấp lần thứ hai để có thêm viện trợ cho nền kinh tế. Luồng tiền mới, đến chỉ trong vài tuần sau khi thông qua ngân sách bổ sung lần thứ nhất, dự kiến sẽ cung cấp nguồn hỗ trợ tiền cho các doanh nghiệp nhỏ và các công ty cam kết không sa thải nhân viên.
Mặc dù vậy, sự gia tăng chi tiêu ngân sách của Chính phủ cũng đồng nghĩa làm tăng thêm gánh nặng nợ công. Ngân hàng TW Nhật Bản (BOJ) tháng trước đã tăng trần lãi suất trái phiếu chính phủ. BOJ dự kiến cũng sẽ đưa ra một chương trình cho vay khác cho các công ty nhỏ tại một cuộc họp khẩn cấp có thể diễn ra sớm nhất trong tuần này.
Tỷ lệ nhiễm virus mới đã giảm mạnh ở Nhật Bản và chính phủ tuần trước đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp đối với 39 quận trong 47 quận, mặc dù Tokyo và một số các trung tâm kinh tế khác vẫn bị duy trì trong tình trạng hạn chế nghiêm ngặt. Tuy nhiên, cho đến khi các yêu cầu cấm đi lại được dỡ bỏ, các giải pháp sẽ không phát huy nhiều tác dụng trong thúc đẩy tăng trưởng mặc dù Chính phủ có chi nhiều tiền hơn nữa.
Hơn thế nữa, nhu cầu thế giới suy giảm do tăng trưởng toàn cầu giảm sút tiếp tục ảnh hưởng tới lĩnh vực xuất khẩu của Nhật (hoạt động này đóng góp một tỷ lệ rất lớn vào GDP). Báo cáo từ Văn phòng nội các cho thấy xuất khẩu đã giảm 6% trong quý I, trong đó các nhà sản xuất ô tô chịu tác động nặng nhất. Theo đó, Toyota Motor Corp, công ty lớn nhất Nhật Bản dự báo lợi nhuận giảm 80% trong năm tài chính này.
Hiện nay, mặc dù các thị trường trọng yếu ở nước ngoài đang bắt đầu tái mở cửa sau một thời gian đóng băng, nhưng vẫn đang trong tiến trình thăm dò và bắt đầu, cùng với rủi ro của làn sóng nguy cơ lây nhiễm mới xuất hiện. Do đó sẽ còn cần một thời gian rất dài để xuất khẩu phục hồi và trở lại là động lực tăng trưởng cho đất nước mặt trời mọc.
Các chuyên gia Bloomberg cho biết, khi Thủ tướng Shinzo Abe dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng 5, nền kinh tế Nhật Bản chỉ có thể lấy lại đà tăng trưởng sớm nhất là vào quý III và thậm chí còn có thể còn mất nhiều thời gian hơn. Sự phục hồi này có thể còn chậm hơn so với một số nền kinh tế lớn khác như Mỹ và khu vực EU.