TP. Hồ Chí Minh kinh tế năm 2024 phục hồi, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước
Theo đó, thành phố có mức độ tăng trưởng GRDP quý 1 là 6,79%, quý 2 là 6,53%, quý 3 là 7,36% và quý 4 ước tăng 7,92%. Tổng cộng tăng trưởng GRDP năm 2024 của TP. Hồ Chí Minh ước tăng 7,17% so với năm 2023 (gần đạt kế hoạch đề ra là tăng từ 7,5-8%).
TP. Hồ Chí MInh năm 2024 kinh tế phục hồi mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước |
Trong năm 2024, thành phố tiếp tục đẩy mạnh khoa học công nghệ vào phát triển công nghiệp, bốn ngành công nghiệp trọng yếu tiếp tục là động lực tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 ước tăng 7,3% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 28,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,2%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 4,9%.
Chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm năm 2024 của TP. Hồ Chí Minh tăng 7,6% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành hóa dược tăng 19,5%; ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng 1,5%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng 2,1%; ngành cơ khí giảm 5,2%. Chỉ số sản xuất 3 ngành công nghiệp truyền thống năm 2024 giảm 0,2% so với cùng kỳ. Trong đó: ngành sản xuất trang phục tăng 0,3%; ngành dệt tăng 1,3%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 1,3%. Sản xuất công nghiệp vẫn duy trì mức tăng ổn định cho thấy sự phục hồi và phát triển bền vững của công nghiệp thành phố. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã có nhiều tín hiệu tích cực khi đơn hàng từng bước phục hồi.
Xuất khẩu ước đạt 46 tỉ USD, tăng 8,3% so với năm 2023. Nhập khẩu ước đạt 58,6 tỉ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch ước đạt 190.000 tỉ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ, đạt 100% so với kế hoạch. Khách du lịch nội địa đạt 38 triệu lượt, tăng 8,6%. Khách quốc tế ước đạt 6 triệu lượt, tăng 20%.
Tỷ trọng kinh tế số của thành phố tiếp tục tăng theo các năm theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông: năm 2021 là 15,38%, năm 2022 là 18,66%, năm 2023 là 21,5%; Theo phương pháp tính của Tổng Cục thống kê năm 2020 12,61%; năm 2021 đạt 13,84%; năm 2022 là 13,51%; năm 2023 chiếm 14,65%; Thành phố là trung tâm thương mại điện tử lớn nhất cả nước, với tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm.
Năm 2024 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong công tác giải ngân vốn đầu tư công của TP. Hồ Chí Minh khi thành phố được giao mức vốn hơn 79.263 tỉ đồng, tăng gần 2,5 lần so với năm 2021 và nhiều hơn các năm trước. Tính đến ngày 25/12, tổng số vốn đã giải ngân đạt tỉ lệ gần 65%. UBND TP.HCM cho biết sẽ phấn đấu giải ngân đến hết tháng 12 đạt tỉ lệ 76,9%, đến hết niên độ kế hoạch năm 2024 (tháng 1-2025) giải ngân đạt 64.528 tỉ đồng, tỉ lệ 81,4%.
Việc giải ngân 80% trong một năm có mức vốn kỷ lục sẽ là "điểm sáng" vượt bậc, tạo tiền lệ và niềm tin cho các năm sau. Đây cũng là bằng chứng cho thấy sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan của thành phố trong tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, quy hoạch và thủ tục hành chính.
Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh xác định chủ đề năm 2025 là "Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số, nghị quyết 98; giải quyết cơ bản những vướng mắc, tồn đọng của TP. Hồ Chí Minh".
Theo ông Hải, trong năm 2025, thành phố đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10%. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% trong GRDP; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500 USD; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% trong GRDP; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 7%...
“TP. Hồ Chí Minh cũng phấn đấu nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và nhóm 15 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR-index). Tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên”, ông Hải nói.