Nhật Bản, Singapore là những nền kinh tế châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch
Cả hai nền kinh tế nói trên đều đã yếu đi trước khi sự bùng phát của dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn trong tháng vừa qua. Theo sau đó, các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus có thể sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế của họ, Steve Cochrane, kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương của Moody’s Analytics cho biết.
Dữ liệu chính thức mới nhất tại Nhật Bản cho thấy nền kinh tế trong quý IV/2020 đã co hẹp 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, ước tính sơ bộ tại Singapore chỉ ra rằng GDP đất nước giảm 2,2% trong quý I năm nay.
"Nhật Bản đã bị suy thoái trước khi dịch bệnh diễn ra. Trong khi đó, nền kinh tế quý đầu tiên năm nay của Singapore rất yếu, và tôi nghĩ rằng quý II này sẽ còn khó khăn hơn đối với Singapore khi đất nước bị phong tỏa", Cochrane nói.
"Thậm chí, có khả năng tình trạng phong tỏa tại Nhật Bản còn chặt chẽ hơn so với hiện nay còn khá lỏng, nếu virus corona còn lây lan rộng hơn nữa", ông nói thêm.
Hai nước nói trên nằm trong số những quốc gia phát hiện ra sớm nhất các trường hợp lây nhiễm virus corona bên ngoài Trung Quốc, cho đến nay đã báo cáo có hơn 13.000 ca nhiễm - thuộc các nước có số ca lây nhiễm cao nhất ở châu Á, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins.
Nhưng không giống như Trung Quốc dường như đã kiểm soát hiệu quả sự bùng phát của virus trong những tuần gần đây, Nhật Bản và Singapore đang trải qua giai đoạn gia tăng mạnh các trường hợp lây nhiễm mới.
Để đối phó với sự bùng phát dịch bệnh ngày càng tồi tệ, chính phủ Singapore đã thực hiện - và gần đây đã mở rộng - các biện pháp phong tỏa một phần đất nước, bao gồm đóng cửa trường học và doanh nghiệp không thiết yếu.
Tại Nhật Bản, chính phủ nước này đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc, kêu gọi mọi người ở nhà nhưng vẫn cho phép một số doanh nghiệp mở cửa hoạt động.
Triển vọng kinh tế ảm đạm tại Nhật Bản và Singapore là một trong những lý do khiến châu Á Thái Bình Dương sẽ có một quý II khó khăn, Cochrane nói.
"Tổng hòa giữa các nguyên nhân đóng cửa nền kinh tế ở Đông Nam Á và xuất khẩu yếu kém ở Bắc Á khiến quý II sẽ là một quý khó khăn cho toàn bộ khu vực châu Á Thái Bình Dương", ông nói.
Những bình luận của Cochrane được đưa ra khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo rằng lần đầu tiên sau 60 năm, Châu Á - một trong những khu vực phát triển nhanh trên thế giới - sẽ khó ghi nhận bất kỳ mức tăng trưởng nào trong năm nay vì đại dịch Covid-19.