Nhật Bản đánh mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới
Đồng tiền mệnh giá 10.000 yen của Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Những số liệu mới nhất về tốc độ tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản đang được tính toán để xác nhận rằng nước này đã tụt hạng từ vị trí thứ ba xuống thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới trong năm 2023, do tác động của việc đồng tiền yếu và dân số già đi.
Trong khi nền kinh tế được cho là đang quay trở lại mức tăng trưởng hàng năm trung bình 1,2% trong quý 4/2024 sau khi suy giảm mạnh vào mùa Hè, các số liệu trong năm gần như chắc chắn cho thấy GDP của Nhật Bản thấp hơn Đức tính theo đồng USD.
Việc kinh tế Nhật Bản tụt bậc trong danh sách xếp hạng sẽ đặt ra những câu hỏi mới cho dư luận trong nước về định hướng của quốc gia. Hiện phản ứng của công chúng đối với các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đã bớt gay gắt hơn so với thời điểm nền kinh tế Trung Quốc vượt qua nền kinh tế Nhật Bản vào năm 2010 và đang trên đà lớn hơn gấp bốn lần hiện nay.
Một lý do là công chúng nhận thức rằng nền kinh tế đang chịu tác động do những biến động lớn về tiền tệ. Các yếu tố khác là tình trạng không mấy khả quan của nền kinh tế Đức và những dấu hiệu về một bình minh mới ở Nhật Bản, với thị trường chứng khoán tăng vọt và ngân hàng trung ương sẵn sàng tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007.
Số liệu được công bố vào ngày 15/2 có thể bật đèn xanh cho Ngân hàng trung ương Nhật Bản hành động.
Nhà kinh tế điều hành tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life, Hideo Kumano, cho rằng yếu tố chính đằng sau sự sụt giảm GDP của Nhật Bản là biến động tiền tệ. Ông nói đồng tiền giá rẻ đang thu hẹp quy mô của nền kinh tế Nhật Bản.
Số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, tính theo đồng USD, nền kinh tế Nhật Bản giảm từ mức 6.300 tỷ USD vào năm 2012 xuống khoảng 4.200 tỷ USD vào năm 2023. Nguyên nhân phần lớn là do đồng tiền của Nhật Bản lao dốc từ mức dưới 80 yen đổi 1 USD xuống còn khoảng 141 yen vào năm ngoái. Nếu tính theo đồng yen danh nghĩa, nền kinh tế có thể đã tăng trưởng hơn 12% trong khoảng thời gian đó.
Trong khi đó, khả năng nền kinh tế Đức vượt qua Nhật Bản hầu như không thu hút nhiều sự chú ý, do sự bất bình của công chúng đối với các chính sách kinh tế trong bối cảnh lạm phát tiếp diễn, giá năng lượng tăng vọt và tăng trưởng chững lại.
Cả hai nền kinh tế này có những vấn đề chung là dân số già, khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, phụ thuộc vào xuất khẩu và sản xuất ôtô.
Trong khi Đức đang phải đối mặt với nguồn cung lao động đang thu hẹp, xu hướng này rõ ràng hơn ở Nhật Bản, nơi dân số đã giảm liên tục kể từ khoảng năm 2010. Điều đó dẫn đến tình trạng thiếu lao động kinh niên và tình hình dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn do tỷ lệ sinh vẫn thấp.
Dữ liệu GDP quý 4/2023 của Nhật Bản dự kiến sẽ cho thấy mức tiêu dùng tư nhân không thay đổi, làm tăng sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhu cầu bên ngoài.
Trong khi đó, nền kinh tế Ấn Độ có triển vọng vượt qua cả hai nền kinh tế này trong vài năm tới. Theo số liệu của IMF, nền kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2026 và Đức vào năm 2027.
Dân số Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc vào năm ngoái và quốc gia này dự kiến sẽ duy trì mức tăng trưởng trong nhiều thập kỷ tới.
Với hơn 2/3 số người trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi), Ấn Độ được kỳ vọng sẽ sản xuất nhiều hàng hóa hơn và thúc đẩy đổi mới công nghệ, trái ngược với nhiều quốc gia châu Á khác đang phải đối mặt với tình trạng dân số ngày càng giảm và già đi.
Cha mẹ cho các con nhỏ tham gia một trò chơi ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ấn Độ có thể giành được lợi thế hơn nữa trước Trung Quốc nếu nước này giảm bớt các quy định và giảm thuế quan để thu hút nhiều đầu tư hơn khi các công ty tìm cách giảm thiểu rủi ro địa chính trị liên quan đến Trung Quốc.
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang cung cấp các ưu đãi tài chính trị giá hàng tỷ USD để thúc đẩy sản xuất trong nước và biến Ấn Độ thành trung tâm xuất khẩu toàn cầu.
Chương trình trị giá 24 tỷ USD đang cho thấy một số thành công khi các công ty như Apple và Samsung Electronics xây dựng nhiều cơ sở hơn tại quốc gia này. Mục tiêu là tăng mức đóng góp của ngành này vào GDP lên 25% vào năm 2025.
Nhật Bản đang nỗ lực tận dụng một phần tiềm năng tăng trưởng đó, dành quỹ công để tăng cường năng lực sản xuất và bảo đảm an ninh nguồn cung bán dẫn trong nước như một phần của kế hoạch lâu dài, với mục tiêu dài hạn là tăng gấp ba lần doanh thu từ chip sản xuất trong nước lên hơn 15.000 tỷ yen (100 tỷ USD) vào năm 2030.
Ông Kumano cho rằng Nhật Bản cần thành lập nhiều ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ hơn trong nước, chẳng hạn như xây dựng các trung tâm R&D.
Một lý do mà người Nhật không quá lo lắng về việc mất vị trí trong bảng xếp hạng kinh tế toàn cầu là mức sống ổn định của người dân. Dân số giảm đã ít nhiều giúp duy trì GDP đầu người tính theo đồng nội tệ.
Tuy nhiên, Nhật Bản sẽ cần nhiều lao động hơn để sản xuất hàng hóa và tiêu dùng. Thu hút thêm lao động nước ngoài là một biện pháp nhỏ theo chiều hướng này./.