Nhiều cơ hội cho mở rộng xuất khẩu gạo
Xây dựng giải pháp phù hợp với từng kịch bản
Thông tin tại hội nghị, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, đối diện với nhiều thách thức như hiện tượng thời tiết El Nino, xung đột địa chính trị và việc ban hành các lệnh cấm xuất khẩu gạo đột ngột của Ấn Độ song 2023 vẫn là năm đại thành công của ngành lúa gạo nước ta với sản lượng xuất khẩu đạt trên 8,1 triệu tấn, trị giá 4,6 tỷ USD, giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 14,4% về số lượng và trị giá tăng 35,3%, giá bình quân tăng 88,8 USD/tấn. Đặc biệt, đây là kết quả xuất khẩu cao nhất trong lịch sử ngành lúa gạo Việt Nam kể từ khi tham gia xuất khẩu năm 1989. Việt Nam tiếp tục là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, bên cạnh Ấn Độ và Thái Lan. Hạt gạo Việt Nam, năm qua tiếp tục được 3 thị trường chủ lực về nhập khẩu, tiêu thụ nhiều nhất đón nhận, đó là Philippines, Indonesia và Trung Quốc.
Tháng 1/2024, hoạt động xuất khẩu gạo đã cho thấy những tín hiệu khởi sắc. Theo ước tính sơ bộ của Bộ Công Thương, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu sang 27 thị trường với khối lượng trên 512.000 tấn, trị giá 362 triệu USD trong tháng 1/2024, tăng 42,8% về lượng và tăng tới 94,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Nhận diện tình hình thương mại gạo toàn cầu trong năm 2024, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, thị trường này đang tiếp tục chịu tác động bởi nhiều yếu tố (như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia; Nga tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen; thời tiết không thuận lợi gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng lương thực tại nhiều nước…), ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo của các quốc gia. Cho nên, những thay đổi về chính sách, biến động về cung cầu và khuynh hướng giá cả của các quốc gia tiêu thụ gạo trên thế giới đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành gạo Việt Nam.
Việt Nam tiếp tục là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Ảnh ST |
Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, khẩn trương hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các thương nhân xuất khẩu gạo. Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ động đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng để tăng cường tính cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.
Đồng thời tăng cường tính linh hoạt trong tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp giữa hình thức truyền thống và trực tuyến nhằm tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác về thương mại gạo với các thị trường truyền thống như Indonesia, khu vực Châu Phi, Trung Quốc… khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà ta đã thâm nhập được trong các năm vừa qua là EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, khu vực Bắc Mỹ… Đặc biệt, tập trung tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 với kết quả cao nhất.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực, phát triển chuỗi cung ứng, thông qua hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh doanh, thông tin thị trường, đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế; hỗ trợ địa phương và các thương nhân cải tiến đồng bộ chuỗi cung ứng ngành lúa gạo theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ, để đảm bảo đầu ra, nâng cao chất lượng và trị giá sản phẩm gạo...
Xây dựng thương hiệu gạo trên các thị trường lớn
Philippines hiện là thị trường tiêu thụ lớn nhất của ngành hàng gạo Việt Nam, với 85% sản lượng được nhập từ nước ta. Ông Phùng Văn Thành - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines dự báo, gạo Việt Nam sẽ vẫn giữ vị trí số 1 tại Philippines và dư địa cũng như cơ hội vẫn còn để doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta tiếp tục khai thác mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh Thái Lan cũng đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần xuất khẩu gạo vào Philippines và cạnh tranh với gạo của Việt Nam, ông Thành khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần tiếp tục phối hợp tốt với Bộ Công Thương, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Philippines để triển khai các chương trình xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm gạo của Việt Nam; đa dạng các mặt hàng gạo xuất khẩu, không chỉ quá tập trung vào các sản phẩm gạo có chất lượng cao phục vụ cho người có thu nhập cao, mà còn cần khai thác tiềm năng của các loại gạo chất lượng trung bình để phục vụ cho một số lượng lớn người dân có thu nhập trung bình và thấp. Cũng như chủ động tìm kiếm đối tác, mở rộng bạn hàng, tăng cường quan hệ và gìn giữ uy tín trong kinh doanh với các đối tác, bạn hàng, xây dựng các mối quan hệ bạn hàng truyền thống và bền vững.
Ông Phạm Thế Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia – quốc gia nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, cho biết: trong vài ngày gần đây, giá gạo tại thị trường này đang gia tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng. Tính tới tháng 2/2024, Indonesia đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thiếu hụt so với nhu cầu. Hiện tượng gạo khan hiếm tại các siêu thị đã xuất hiện. Bộ trưởng Thương mại Indonesia đã phải đề nghị người dân chuyển sang mua gạo bình ổn giá của chính phủ để tránh việc giá gạo tăng quá cao trên thị trường tự do. Giá bán gạo lẻ tại thị trường đối với gạo phẩm cấp cao đang lên tới 1,16 USD/kg, vượt giá trần chính phủ ấn định là 0,9 USD/kg.
Với tình hình gạo đang thiếu hụt nghiêm trọng, trong bối cảnh thu hoạch chính vụ chưa bắt đầu và tháng Lễ Ramdan của người Hồi giáo sẽ bắt đầu vào giữa tháng 3/2024, sẽ khiến nhu cầu lương thực, thực phẩm tiếp tục gia tăng mạnh.
Ông Cường dự báo Chính phủ Indonesia sẽ phải tiếp tục sớm mở thầu mua thêm gạo, ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo ngày 17/1/2024 vừa qua (trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn). Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường Indonesia này.
Về thách thức trong năm 2024, theo đánh giá của Thương vụ, mặc dù gạo Việt Nam đã có chỗ đứng tại thị trường Indonesia, tuy nhiên chủ trương tự đảm bảo an ninh lương thực từ nguồn lúa gạo trong nước, duy trì chính sách quản lý nhập khẩu chặt chẽ đối với mặt hàng lúa gạo sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu gạo của Indonesia có xu hướng sụt giảm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, gạo Việt Nam gặp sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với gạo Thái Lan.
Vì vậy, ông Phạm Thế Cường khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần quan tâm hơn nữa xây dựng thương hiệu, có chiến lược quảng bá bài bản về thương hiệu, chất lượng gạo Việt Nam.
Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu cần luôn đảm bảo chất lượng gạo, đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch; Đảm bảo thời gian giao hàng đúng hạn cũng như thỏa thuận hợp đồng đã ký kết vì số lượng các thương nhân có giấy phép nhập khẩu của Indonesia rất hạn chế. Cơ hội tìm kiếm các thương nhân có đủ điều kiện nhập khẩu của Indonesia không nhiều.