Nhộn nhịp cho vay lúa gạo
Gỡ khó vốn lưu động
Theo thống kê của NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, tính đến cuối tháng 2/2024, tổng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực lúa gạo trên địa bàn tỉnh này đạt 13.622 tỷ đồng, tăng gần 1,8% so với cuối năm 2023. Trong đó, các ngân hàng như: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank và MB đều có dư nợ cho vay lúa gạo hàng trăm tỷ đồng.
Trong khi đó theo thông tin từ Sở Công Thương TP. Cần Thơ, vừa qua trên địa bàn các huyện Cờ Đỏ, Thới Lai và Vĩnh Thạnh xảy ra một số trường hợp doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo chậm thanh toán tiền mua lúa theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân và hợp tác xã. Nguyên nhân là do dòng tiền của doanh nghiệp chưa quay vòng kịp (vì đợi đối tác thanh toán và hoàn tất các thủ tục giải ngân vốn vay từ các ngân hàng).
Nhiều tỉnh, thành phía Nam đang thu hoạch lúa chính vụ Đông Xuân 2023-2024 |
Trước kiến nghị của nhiều nông dân và hợp tác xã, Sở Công Thương TP. Cần Thơ đã tổ chức buổi họp với các doanh nghiệp lúa gạo và một số NHTM trên địa bàn nhằm tháo gỡ những khó khăn về vốn. Tại đây, các NHTM như Agribank, HDBank, VietBank đã có nhiều trao đổi, chia sẻ với doanh nghiệp; nhiều khúc mắc đã được hoá giải và ngân hàng rất tích cực hỗ trợ doanh nghiệp về nhu cầu vay vốn để thanh toán tiền mua lúa vụ đông xuân 2023-2024.
Ông Đặng Anh Tài, Giám đốc HDBank chi nhánh Cần Thơ cho biết, ngân hàng này đã làm việc với Công ty TNHH Thiện Phát (là một trong những doanh nghiệp lúa gạo lớn nhất tại Cần Thơ) để xem xét cấp hạn mức tín dụng, hỗ trợ vốn lưu động giúp doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu cho vùng nguyên liệu gần 28.000 hecta. Ở quy mô toàn vùng, từ đầu tháng 3/2024, HDBank cũng đã cấp hạn mức tín dụng 5.000 tỷ đồng cho Tập đoàn Lộc Trời để phân bổ cho các doanh nghiệp thành viên. Từ đó, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp thúc đẩy thu mua lúa gạo trong dân khi vào vụ thu hoạch rộ.
Không chỉ HDBank, hiện nay thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg, hệ thống TCTD tại hầu hết các địa phương có vùng lúa nguyên liệu lớn như Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang… đều thúc đẩy rất mạnh hoạt động giải ngân cho vay thu mua, chế biến, xuất khẩu lúa gạo. Theo thống kê của NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, tính đến cuối tháng 2/2024, tổng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực lúa gạo trên địa bàn tỉnh này đạt 13.622 tỷ đồng, tăng gần 1,8% so với cuối năm 2023. Trong đó, các ngân hàng như: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank và MB đều có dư nợ cho vay lúa gạo hàng trăm tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Đậm, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Tiền Giang cho biết, đến hết tháng 2, dư nợ cho vay ngành gạo tại địa phương này đã đạt mức trên 11.600 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm ngoái. Hiện NHNN địa phương đã chỉ đạo các NHTM chủ động tập trung nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng nhằm tăng cường cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền đối với các mô hình chuỗi liên kết lúa, gạo.
Tại An Giang, đến cuối tháng 2/2024 dư nợ cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo tăng 6,58% so với cuối năm 2023, đạt 16.625 tỷ đồng. Trong khi đó, tại Long An dư nợ cho vay lĩnh vực lúa gạo đạt mức gần 20.400 tỷ đồng, thuốc nhóm các lĩnh vực được hệ thống ngân hàng cho vay nhiều nhất trong hai tháng vừa qua.
Ký quỹ để ràng buộc chuỗi liên kết
Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo, hiện nay nhu cầu vốn lưu động để thu mua lúa gạo nguyên liệu của các doanh nghiệp là rất lớn. Mặt bằng lãi suất cho vay đối với lĩnh vực lúa gạo của các ngân hàng đang khá ổn định và chấp nhận được. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có tỷ lệ nợ vay tín dụng đều ở mức khá cao. Vì thế, các ngân hàng cũng gặp khó khăn trong việc mở thêm hạn mức cho vay, nếu các doanh nghiệp không còn tài sản đảm bảo.
Để dòng vốn tín dụng của các ngân hàng có thể tài trợ kịp thời, đều đặn và có tính mùa vụ đối với lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu lúa gạo, ông Ngô Hữu Phát, Giám đốc Công ty Thiện Phát cho rằng, các sở, ngành địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp tạo dựng và chuẩn hóa các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ lúa gạo để gia tăng nguồn vốn tín dụng tài trợ theo nhu cầu vốn từng giai đoạn. Mặc dù hiện nay nhiều doanh nghiệp đã tạo dựng các vùng nguyên liệu liên kết quy mô khá lớn nhưng tình trạng “bẻ kèo” vẫn thường xuyên xảy ra cả ở phía nông dân và doanh nghiệp khi giá lúa gạo có sự biến động. Theo đó, doanh nghiệp cam kết bao tiêu và chấp nhận điều chỉnh giá mua lúa gạo phù hợp với biến động giá trên thị trường. Tuy nhiên về lâu dài cần có những chế tài chặt chẽ hơn để ràng buộc các chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo.
Đồng quan điểm, ông Lê Phát Long, Giám đốc Công ty TNHH lương thực Phát Tài cho rằng, hiện nay hiện tượng thương lái bỏ cọc không thu mua lúa của người dân khi giá lên quá cao cũng xảy ra khá phổ biến. Vì thế, ngành Công thương các địa phương cần rà soát và quản lý đội ngũ thương lái. Nếu tổ chức được thì hỗ trợ kết nối những thương nhân này vào các mô hình chuỗi giá trị của các doanh nghiệp để họ được hưởng các ưu đãi như vay vốn, tạm ứng vốn thu mua lúa gạo theo hợp đồng và cam kết không bỏ cọc, tranh mua tranh bán.
Đối với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, theo ông Long khi xây dựng các chuỗi liên kết vùng nguyên liệu nên đặt ra giải pháp ràng buộc cụ thể. Chẳng hạn cả phía doanh nghiệp và người nông dân đều phải ký quỹ tại ngân hàng tham gia tài trợ vốn nhằm đảm bảo thực hiện cam kết giữa hai bên. “Nông dân, hợp tác xã muốn chốt giá bán đầu vụ, giữa vụ hay trước thu hoạch 10 ngày đều được, nhưng bắt buộc phải ký quỹ tại ngân hàng. Tiền ký quỹ này sẽ thuộc về bên kia nếu bên còn lại không thực hiện đúng cam kết”, ông Long đề xuất.