Nhu cầu lao động có tay nghề đang tăng cao trong khu vực
Toàn cảnh Hội |
Khảo sát được thực hiện với gần 18.000 nhân viên tại Châu Á Thái Bình Dương trong năm 2022 cho thấy các công ty trong khu vực đang phải vật lộn với sự thiếu hụt kỹ năng và nhân tài trong nhiều năm.
Cụ thể, 1/3 số người tham gia khảo sát nói rằng quốc gia/ khu vực của họ thiếu những lao động có kỹ năng để thực hiện công việc. 42% lo lắng công ty của họ sẽ không đào tạo cho họ những kỹ năng chuyên môn và kỹ năng số cần thiết. Trong khí đó, chưa tới một nửa (45%) các doanh nghiệp đang nâng cao kỹ năng cho người lao động của họ. Thông thường, các doanh nghiệp coi việc nâng cao kỹ năng là một giải pháp ngắn hạn để lấp đầy những thiếu hụt kỹ năng hơn là chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn.
Bên cạnh đó, nhu cầu lao động có tay nghề đang tăng cao trong khu vực. Kỹ năng và chuyên môn mang tới cho người lao động sự tự tin cũng như khả năng đàm phán đãi ngộ tốt hơn. Nhân viên sẽ cảm thấy được trao quyền nhiều hơn nếu như họ có những kỹ năng cần thiết cho công việc. Người lao động có chuyên môn cao sẽ có lợi thế đặc biệt tại Châu Á Thái Bình Dương, nơi mà tình trạng thiếu hụt kỹ năng đang ngày càng xuất hiện ngày một nhiều hơn.
Báo cáo về mức độ sẵn sàng về kỹ năng số Việt Nam cho thấy, 84% người tham gia nói rằng họ sẽ học các kỹ năng mới hoặc rèn luyện lại các kỹ năng hiện tại ngay vào thời điểm này để dễ dàng tìm kiếm công việc trong tương lai, cao hơn so với tỷ lệ 77% của toàn cầu. 93% nói rằng họ hiện đang học các kỹ năng mới, trong đó phần lớn đang tự học. Một phần ba (33%) cho rằng đào tạo là trách nhiệm của các doanh nghiệp.
Những kỳ vọng và mong muốn của người lao động đang thay đổi mạnh mẽ trên toàn cầu và trong bối cảnh đó, quan điểm của doanh nghiệp trong việc nâng cao kỹ năng cho nhân viên sẽ càng trở nên quan trọng trong chiến lược thu hút và giữ chân nhân tài. Các nhà lãnh đạo cần suy nghĩ về việc đào tạo, nâng cao kỹ năng một cách tổng thể hơn. Điều này đồng nghĩa với việc xem xét nhu cầu của cả nhân viên và doanh nghiệp trong dài hạn, hài hòa với sự thay đổi của thị trường. Việc nâng cao kỹ năng cho người lao động sẽ góp phần thúc đẩy sự hòa nhập và chia sẻ giá trị trong doanh nghiệp, đặc biệt tại các thị trường đang phát triển.
Nhân dịp này, PwC cũng chính thức ra mắt PwC’s Academy, dịch vụ nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động. Với cộng đồng các chuyên gia trên toàn cầu, PwC’s Academy chuyên thiết kế các giải pháp đào tạo phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của doanh nghiệp. PwC đã giới thiệu 6 chuyên ngành đào tạo bao gồm: Kỹ năng số, Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), Tài chính và Nghiệp vụ, Quản trị và kiểm soát rủi ro, Phát triển nhân sự và năng lực lãnh đạo và Thuế.
Ông Quách Thành Châu, Phó Tổng Giám đốc, lãnh đạo dịch vụ PwC’s Academy cam kết, nâng cao kỹ năng của chúng tôi không giới hạn trong nội bộ doanh nghiệp mà còn mở rộng phạm vi để giúp các tổ chức khác xác định và giải quyết những thách thức cho lực lượng lao động của họ. Đó là lý do vì sao thành lập PwC’s Academy với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và thực thi chiến lược nâng cao kỹ năng hiệu quả.
"Tôi tin rằng sự hợp tác giữa các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức giáo dục sẽ giải quyết vấn đề nâng cao kỹ năng cho người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực tương lai và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững cho Việt Nam”, ông Quách Thành Châu khẳng định.
Đánh giá cao ý nghĩa này, ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), những giải pháp nâng cao chất lượng kế toán, kiểm toán của Chính phủ, Bộ Tài chính và Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán rất cần có sự đồng hành liên kết và phối hợp với các tổ chức, hội nghề nghiệp trong và ngoài nước, các doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo; giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp; góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn dịch vụ kế - kiểm, giúp lực lượng lao động ngành kế toán, kiểm toán thích ứng với các xu hướng hội nhập và kỹ thuật số.