Phát triển thương hiệu dẫn dắt bền vững để nâng tầm doanh nghiệp Việt
Phải xây dựng thương hiệu mang tầm quốc gia và toàn cầu
Ngày 22/11, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Huba) và Vietnam Brand Purpose phối hợp tổ chức diễn đàn “Thương hiệu dẫn dắt bền vững” với mục tiêu hướng doanh nghiệp đến xu hướng tương lai "phát triển bền vững", đồng thời thông qua sức mạnh của thương hiệu tạo ra tác động mãnh liệt hơn để thương hiệu có thể dẫn dắt thay đổi thói quen, hành vi người tiêu dùng hướng đến lối sống và tiêu dùng bền vững.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Huba cho biết TP. Hồ Chí Minh đang thúc đẩy xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, qua đó hướng đến thực hiện thương hiệu dẫn dắt bền vững |
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Huba cho biết Huba đã phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu và đề xuất đặt hàng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu xây dựng các chính sách đột phá nhằm xây dựng thương hiệu doanh nghiệp mang tầm quốc gia và toàn cầu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh”. Đây là cơ sở khoa học không chỉ để tham mưu cho thành phố “Đề án xây dựng một số doanh nghiệp lớn với thương hiệu mang tầm quốc gia và toàn cầu”, mà còn là cơ sở thực tiễn để áp dụng triển khai đến các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa có tiềm năng nhằm phấn đấu xây dựng thương hiệu doanh nghiệp mang tầm quốc gia và toàn cầu của TP. Hồ Chí Minh.
Các chuyên gia cho rằng phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách, đồng thời cũng là xu hướng tất yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới. Không nằm ngoài cộng đồng quốc tế, Việt Nam cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc, tiếp tục lấy đó là “kim chỉ Nam” cho việc phát triển, phục hồi xanh và bền vững trong thời gian tới cũng như mục tiêu hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, từ đó thúc đẩy sự phát triển của đất nước theo hướng toàn diện, bền vững.
Nói thêm về sức mạnh của thương hiệu dẫn dắt bền vững, bà Trần Tuệ Tri - Đồng sáng lập và cố vấn cấp cao Vietnam Brand Purpose cho rằng phát triển bền vững sẽ là câu chuyện có tính thời đại, lan tỏa, ý nghĩa cho thương hiệu quốc gia Việt Nam, tạo bệ phóng giúp các doanh nghiệp vững vàng ở cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Phát triển bền vững là điểm khác biệt giúp xây dựng thương hiệu Việt Nam, ghi danh trên bản đồ thương hiệu toàn cầu. Bởi đây không chỉ là vấn đề chung của thế giới, điều bắt buộc để cạnh tranh, mà còn là điều người dân mong muốn, nhà đầu tư và du khách hướng tới.
Vinamilk đứng đầu bảng xếp hạng doanh nghiệp ESG của Brand Finance 2024 nhờ sự chuyển đổi sản phẩm và các thực hành hữu cơ sang sản xuất thực phẩm bền vững |
“Bên cạnh những chính sách của nhà nước, chiến lược quản trị doanh nghiệp về bền vững, thương hiệu dẫn dắt bền vững đóng một vai trò quan trọng. Bởi, thương hiệu đã và luôn có sức mạnh mềm, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của công chúng, định hình hành vi tiêu dùng, thúc đẩy ý thức trách nhiệm cộng đồng, hướng tới những thay đổi quan trọng trên thế giới. Với những đầu tư lớn vào các đổi mới sáng tạo về sản phẩm dịch vụ, đi kèm với các chiến dịch quảng bá rộng khắp, các thương hiệu đã thay đổi hành vi tiêu dùng và tạo ra những xu hướng sống mới”, bà Tuệ Tri chia sẻ.
Thương hiệu dẫn dắt bền vững lấy người tiêu dùng làm trọng tâm
“Với xu hướng tương lai "phát triển bền vững", sức mạnh của thương hiệu có thể tạo ra tác động mãnh liệt hơn khi thương hiệu có thể dẫn dắt thay đổi thói quen, hành vi người tiêu dùng, hướng đến lối sống và tiêu dùng bền vững. Chỉ khi có sự chuyển đổi hành vi tiêu dùng sâu và rộng, trọng tâm chiến lược phát triển bền vững mới được hiện thực hoá và việc chuyển đổi mới có tác động kinh tế cả theo chiều rộng và chiều sâu”, ông Hòa phân tích.
Nhấn mạnh mục đích của xây dựng thương hiệu, bà Karen Hamilton, Cựu Phó chủ tịch Bền vững toàn cầu, Cố vấn Phát triển bền vững độc lập của Đại Học London Business School, khẳng định doanh nghiệp phải tạo động lực cho người tiêu dùng, phải bám vào sản phẩm, định ra tiêu chuẩn xã hội mới.
“Mục đích là thương hiệu có thể thúc đẩy doanh số, thị phần, mang lại tác động tích cực cho con người và hành tinh nhưng lấy người tiêu dùng làm trọng tâm là mục đích quan trọng nhất”, bà Karen Hamilton nói.
Nói về hành vi khách hàng tiêu dùng Việt Nam hướng đến bền vững, ông Phil Worthington Giám đốc Khách hàng Cấp cao MetrixLab đưa ra kết quả nghiên cứu có 75% khách hàng cho rằng họ khá quen thuộc với khái niệm bền vững và 81% cho rằng nỗ lực hướng đến sự bền vững của thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng của họ. Hơn thế, người tiêu dùng lớn tuổi, đặc biệt với thu nhập cao, có mức độ sẵn sàng trả nhiều hơn cho các sản phẩm bền vững, trong đó 72% người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm 10% hoặc cao hơn cho giá sản phẩm.
Theo ông Phil Worthington, người tiêu dùng có hiểu biết và tiếp nhận tốt về các vấn đề bền vững, thậm chí sẵn sàng trả nhiều hơn cho các thương hiệu thực hiện tốt điều này. Tuy nhiên, các thương hiệu phải đóng một vai trò trong việc tăng cường sự liên kết của họ giữa các vấn đề về người tiêu dùng và kinh doanh với bền vững. Các doanh nghiêp hãy lưu ý khoảng cách “giá trị - hành động” và hiểu được bối cảnh của các yếu tố mua hàng khác thúc đẩy quyết định.
Ông Alex Haigh, Giám đốc điều hành Châu Á Thái Bình Dương, Brand Finance khẳng định ESG và bền vững là động lực chính của giá trị thương hiệu |
Về tầm quan trọng của nổ lực ESG và bền vững, ông Alex Haigh, Giám đốc điều hành Châu Á Thái Bình Dương, Brand Finance cho rằng ESG và bền vững là động lực chính của giá trị thương hiệu. Để minh chứng, ông Alex Haigh cho biết nghiên cứu từ Brand Finance, người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm 9,7% cho sản phẩm bền vững ngay cả khi chi phí sinh hoạt và lạm phát tăng. Bền vững thúc đẩy kinh doanh thông qua chỉ số hơn một nửa người tiêu dùng sẵn sàng mua xe điện hoặc thiết bị điện có chứng chỉ không phát thải. Gần 9/10 người sẽ trả thêm nếu nhà sản xuất chứng minh rằng chuỗi giá trị không để lại dấu chân carbon. Điều này cho thấy nhu cầu bền vững của người tiêu dùng đang gia tăng về sản phẩm và hình thức mua sắm bền vững. Gần như tất cả người tiêu dùng mong muốn các sản phẩm và bao bì bền vững.
Dẫn chứng về các thương hiệu được đánh giá nằm trong top bảng xếp hạng các thương hiệu có chỉ số nhận diện bền vững của Brand Finance 2024, ông Alex Haigh cho biết Patagonia dẫn đầu trong doanh nghiệp hoạt động vì bền vững và sáng tạo bền vững vì đã triển khai hoạt động vì khí hậu với trách nhiệm không lợi nhuận, với chương trình Worn Wear. Cũng vậy, theo nghiên cứu của Brand Finance, Vinamilk đứng đầu bảng xếp hạng ESG và thực hành Đổi mới dẫn đầu trong ESG. Trog đó, xếp thứ 1 ở nhóm “E" và “G", thứ 2 ở “S” nhờ sự chuyển đổi sản phẩm và các thực hành hữu cơ sang sản xuất thực phẩm bền vững của Vinamilk.
“Một trong những trọng tâm xây dựng Thương hiệu quốc gia Việt Nam là câu chuyện về phát triển bền vững, tạo bệ phóng giúp các doanh nghiệp vững vàng ở cả thị trường nội địa và quốc tế. Bên cạnh các chính sách của nhà nước, chiến lược quản trị doanh nghiệp về Bền vững, Thương hiệu dẫn dắt Bền vững đóng một vai trò quan trọng. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang thực sự hội nhập mạnh mẽ với thế giới, đồng thời các doanh nghiệp cũng đang mãnh liệt khai phá các cơ hội thị trường mới, đây là thời khắc vàng để cùng liên kết các nguồn lực hiệu quả, thúc đẩy các thương hiệu Việt Nam vươn tầm thế giới, phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt có tầm ảnh hưởng quốc tế, từ đó tạo động lực để xây dựng và nâng tầm Thương hiệu quốc gia Việt Nam”, ông Hòa nói.