Ninh Thuận tập trung đẩy mạnh kinh tế số
Những kết quả khả quan
Thời gian gần đây, chuyển đổi số là một nội dung được quan tâm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở nhiều địa phương trong cả nước. Tại Ninh Thuận, một trong những nơi còn gặp nhiều khó khăn, song việc chuyển đổi số luôn được quan tâm, đẩy mạnh và bước đầu thu được những kết quả khả quan.
Cụ thể, đến nay Ninh Thuận đã xây dựng hạ tầng dùng chung với công nghệ điện toán đám mây (private cloude) sử dụng cho toàn tỉnh; hạ tầng truyền dẫn căn bản trong kết nối các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử và liên thông, chia sẻ dữ liệu được phân cấp cho các cơ quan Đảng và Nhà nước cấp tỉnh (mạng TSLCD cấp II), mạng BCAnet (ngành Công an) đã được triển khai, kết nối từ Trung ương đến cấp xã; hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) được triển khai, bảo đảm cho các hệ thống thông tin được bảo vệ theo mô hình 4 lớp, đáp ứng các tiêu chí về an toàn thông tin để kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang để cung cấp dịch vụ internet cố định băng rộng và dịch vụ truy cập internet 3G, 4G được phủ đến 100% số thôn có dân cư; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 87,5%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng cố định đạt 81,7%, cao hơn mức trung bình cả nước là 81%, xếp hạng 15 toàn quốc...
Quá trình chuyển đổi số luôn được quan tâm, đẩy mạnh và bước đầu thu được những kết quả khả quan ở Ninh Thuận. |
Đặc biệt, chuyển đổi số đã và đang len lỏi vào đời sống thường ngày của người dân. Hiện, tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, thanh toán qua mã QR Code… đã trở thành các phương thức thanh toán phổ biến.
Ông Hồ Chu Vân, Giám đốc NHNN chi nhánh Ninh Thuận cho biết, thời gian qua, ngành Ngân hàng trên địa bàn không ngừng nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán đem lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
Doanh số thanh toán không dùng tiền mặt 9 tháng năm 2024, chiếm 75,3% doanh số thanh toán qua ngân hàng. Đến nay, 100% các trường học và 100% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn TP. Phan Rang - Tháp Chàm đã phối hợp với ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để thu học phí, thanh toán dịch vụ y tế... bằng thanh toán không dùng tiền mặt. Các chi nhánh NHTM trên địa bàn đã thực hiện thanh toán điện tử đối với dịch vụ công như triển khai cung cấp dịch vụ kê khai và nộp thuế điện tử, thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước, chi trả an sinh xã hội.
Cũng theo ông Hồ Chu Vân, thời gian tới, ngành Ngân hàng trên địa bàn tiếp tục thực hiện các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng; tăng khả năng kết nối liên thông, tích hợp dịch vụ giữa ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác...
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số
Theo ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, địa phương xác định đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế-xã hội. Bởi, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, yêu cầu khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay. Do đó, việc phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động phục vụ chuyển đổi số tại địa phương là cần thiết và cấp bách.
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số đã và đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Ninh Thuận. Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh đạt mức tăng ấn tượng 9,40%, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành cả nước, đứng thứ 2/14 các tỉnh, thành vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung… GRDP 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh đạt 8,07%, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành cả nước và đứng thứ 3/14 tỉnh, thành vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung…
Ngành Ngân hàng trên địa bàn Ninh Thuận đã và đang nỗ lực đóng góp vào quá trình chuyển đổi số ở địa phương. |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được việc chuyển đổi số ở Ninh Thuận vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Cụ thể, đến nay tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng GRDP chưa đạt mục tiêu đề ra; tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến có phát sinh chưa nhiều; tính đồng bộ, liên thông dịch vụ công chưa cao; cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số chưa đủ mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh; việc khai thác, phát huy và thu hút nguồn lực xã hội cho chuyển đổi số còn hạn chế…
Tiếp tục xác định, kinh tế số là một nội dung được quan tâm trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu của Ninh Thuận đặt ra là đóng góp của kinh tế số vào GDP đạt 20% vào năm 2025. Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế số, Ninh Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh các gói chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách liên quan đến vốn và nguồn nhân lực; có các chính sách hỗ trợ đối với các mô hình kinh doanh mới.
Ông Nguyễn Long Biên đã đề nghị các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh các gói chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách liên quan đến vốn và nguồn nhân lực, thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ số, thu hút đầu tư vốn trong hoạt đông nghiên cứu phát triển sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ số; đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số.
Sở Thông tin và Truyền thông, các sở ngành, địa phương cần sớm hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế số. Phát triển hạ tầng số, nhất là thúc đẩy phát triển hạ tầng phục vụ cho hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là hệ thống thanh toán điện tử. Về hạ tầng số, nâng cấp mạng 4G, đẩy nhanh tiến độ phát triển mạng 5G; đẩy nhanh tỷ lệ sử dụng giao thức internet thế hệ mới IPv6; phát triển hạ tầng phục vụ cho hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là hệ thống thanh toán điện tử.