“Nới” điều kiện gói 16.000 tỷ đồng
Theo đó, khoản 2 Điều 13 Quyết định 15 được đề nghị sửa đổi từ “đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc” thành “doanh thu quý I/2020 giảm từ 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc so với cùng kỳ năm 2019”. Nội dung sửa đổi, bổ sung này dự kiến có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc ban hành Quyết định sửa đổi bổ sung Quyết định 15 sẽ khắc phục các tiêu chí, điều kiện chưa thực sự phù hợp để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua những tác động của đại dịch Covid-19, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, bảo đảm cuộc sống của nhân dân, người lao động cả nước, góp phần ổn định xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian tới.
Ảnh minh họa |
Theo số liệu tổng hợp, đến ngày 10/6/2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là 17,5 nghìn tỷ đồng, giải ngân hơn 10,5 nghìn tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho gần 10,17 triệu người và 2.613 hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho người lao động được phê duyệt còn ít, đặc biệt là hồ sơ đề nghị vay vốn để người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động. Các hạn chế này do chính sách hỗ trợ theo Quyết định 15 với mục tiêu hỗ trợ đúng các đối tượng bị ảnh hưởng nhất, giảm sâu thu nhập, tránh hỗ trợ tràn lan, trục lợi chính sách nên tiêu chí, điều kiện đặt ra ban đầu chặt chẽ.
Theo Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, về phía ngân hàng đã bố trí vốn, nhân lực, vật lực… sẵn sàng thực hiện cho vay.
Ghi nhận thực tế, các doanh nghiệp còn vốn duy trì, nên vẫn bố trí làm việc bán thời gian nhằm giữ chân người lao động. Đồng thời, doanh nghiệp vẫn bố trí kinh phí và thoả thuận trả lương giãn việc, ngừng việc cho người lao động.
Tâm lý e ngại khi phải chứng minh tình trạng tài chính khó khăn, không còn tiền trả lương khiến cho doanh nghiệp không chủ động trong việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho người lao động.
Nhận định, dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp cũng đã sử dụng hết nguồn lực dự trữ, cùng với các khó khăn vướng mắc từ chính sách, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung điều kiện doanh nghiệp được vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động theo hướng phù hợp hơn với điều kiện hiện nay.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Công điện hỏa tốc đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung cao độ triển khai và hoàn thành các nội dung hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42/2020/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định 15; tập trung một số nội dung:
Thứ nhất, tập trung cao độ triển khai để cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ các đối tượng trong tháng 6 năm 2020. Đẩy mạnh triển khai công tác chi trả tiền hỗ trợ người lao động trong danh sách đã được rà soát, phê duyệt theo đúng quy định, nhất là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thứ hai, tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục nhanh chóng, đúng quy định, nhất là doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động.
Thứ ba, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tác động việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 15, gửi báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp.