NSND Quốc Hưng: Lặng lẽ với tình yêu nhạc kịch
Lâu nay, người ta nhớ tới một nghệ sĩ Quốc Hưng lịch lãm, chỉn chu mỗi lần xuất hiện trên sân khấu âm nhạc. Ông thường xuất hiện ở những chương trình âm nhạc cách mạng, hát những bài “nhạc đỏ”, những tình ca về quê hương đất nước, những ca khúc về người lính… Mỗi lần giọng bass (nam trầm) của ông vang lên, người ta thấy sự khác lạ. Cách đây ít lâu, ông ra mắt album “Biển tình” với những ca khúc mang tính tự sự: “Tìm tên anh trên bờ cát” (Duy Thái) hay “Chút thư tình gửi người lính biển” (Hoàng Hiệp - Trần Đăng Khoa), “Thuyền và biển” (Phan Huỳnh Điểu - Xuân Quỳnh)…
Không chỉ vậy, nếu quan sát hành trình nghệ thuật của nghệ sĩ Quốc Hưng, dấu ấn ông còn để lại khá đậm nét trong những vở opera (nhạc kịch) cần giọng bass như vai Erimit trong “Viên đạn thần” của Weber hay vai Sarastro trong “Cây sáo thần” của Mozart…
TS.NSND Quốc Hưng - người thầy tâm huyết trong lĩnh vực đào tạo thanh nhạc |
Có lẽ xuất phát từ đây, từ sự đam mê với nghệ thuật nhạc kịch, nhà nghệ sĩ Quốc Hưng đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu về lịch sử opera ở Việt Nam cũng như công tác đào tào ca sĩ hát nhạc kịch hiện nay.
Theo nghệ sĩ Quốc Hưng, nghệ thuật opera là sự kết hợp giữa âm nhạc và sân khấu, của các hình thức biểu diễn thanh nhạc như đơn ca, hợp ca, hợp xướng, dàn nhạc, kết hợp cùng bài trí sân khấu phong phú, đa dạng tạo nên một nghệ thuật đặc biệt. Từ những năm 60 - 80 của thế kỷ XX, âm nhạc mới nước nhà đã tiếp cận, tiếp nhận và thực hành với thể loại opera thông qua một số vở: “Eugeni Onegin” của Tchaikovsky, “Cô Sao”, “Người tạc tượng” (Đỗ Nhuận), “Bên bờ K’rông Pa” (Nhật Lai), “Núi rừng lên tiếng” (Triều Tiên)…
Ngược dòng thời gian, con đường đến với opera của Quốc Hưng khá đặc biệt: xuất thân từ diễn viên chèo, được NSND Quý Dương phát hiện, giới thiệu đến thi tuyển tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và được NSND Trần Hiếu nhận làm học trò. Từ đó, vượt qua những khó khăn, bằng tình yêu và đam mê bất tận, Quốc Hưng đã dần khẳng định tên tuổi của mình cả trên bục giảng và trên sân khấu âm nhạc.
Năm 2018, nghệ sĩ Quốc Hưng đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Nghệ thuật học về đề tài đào tạo opera tại Việt Nam. Khi làm luận án Tiến sĩ, Quốc Hưng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu. Song song với đó là đi gặp gỡ, trò chuyện, phỏng vấn những nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp với nhạc kịch ở trong Nam, ngoài Bắc. Lại thêm những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình giảng dạy thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia, nên những trang viết của Quốc Hưng có sức nạng học thuật. Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, Quốc Hưng quyết định phát triển thành cuốn sách “Đào tạo ca sĩ opera tại Việt Nam”. Cuốn sách dày 200 trang được chia thành 3 chương: Khái quát về nghệ thuật opera thế giới và quá trình hình thành phát triển của nghệ thuật opera Việt Nam; Một số mô hình đào tạo ca sĩ opera trên thế giới và thực trạng đào tạo ca sĩ opera ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ca sĩ hát opera tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Đây có thể nói là cuốn sách hiếm hoi về opera tại Việt Nam, giúp cho những ai muốn tìm hiểu về nghệ thuật nhạc kịch có thêm nguồn tư liệu tham chiếu bổ ích.
Đối với cá nhân TS.NSND Đỗ Quốc Hưng, ông tâm niệm rằng việc ra mắt cuốn sách trong thời điểm này có ý nghĩa đặc biệt bởi năm 2021 ghi dấu ấn 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, cái nôi đào tạo âm nhạc hàng đầu tại Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là cách để NSND Đỗ Quốc Hưng tri ân những người thầy của mình như cố GS.NSND Nguyễn Trung Kiên, NSND Trần Hiếu… những người đã giúp ông có những nền tảng vững chắc đi theo opera và cũng là cách mà ông muốn đóng góp cho nghệ thuật opera Việt Nam với những phương pháp trong đào tạo những thế hệ tiếp nối.
Opera vốn “kén khán giả”, “nghệ sĩ khó sống bằng nghề”. Ở Việt Nam, số người theo đuổi các dòng nhạc, đặc biệt là nhạc nhẹ, rất nhiều. Trong khi đó, số người theo đổi opera thường rất ít.
Lý giải điều này, NSND Quốc Hưng cho rằng, việc hát opera với nghệ sĩ Việt không dễ do cấu trúc vòm họng của người Việt, hay người châu Á nói chung khác với người châu Âu.
Là người thầy tâm huyết trong lĩnh vực đào tạo thanh nhạc, yêu thương học trò, NSND Quốc Hưng chia sẻ: “Opera là đỉnh cao của nghệ thuật ca hát, không chỉ là sự vận dụng của hơi thở, âm thanh mà còn là sự cảm nhận của mỗi nghệ sĩ vào âm nhạc, trong từng diễn biến của một nhân vật trong tác phẩm. Vì vậy muốn trở thành một ca sĩ hát opera đòi hỏi người nghệ sĩ phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức trong suốt cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật”.
Bên cạnh đó, thù lao biểu diễn cũng là một câu chuyện có tính quyết định, bởi nhiều nghệ sĩ trẻ đối mặt với cuộc sống, gia đình nên không thể lúc nào cũng có thể dấn thân với nghề. Chuyện bỏ ngang, rẽ lối có thể chỉ ra ở nhiều thời điểm. Nghệ sĩ Quốc Hưng có lẽ là một ngoại lệ hiếm hoi, khi vượt qua được những áp lực “cơm, áo, gạo, tiền” để duy trì tình yêu với nhạc kịch, nuôi dưỡng dòng máu nghệ thuật trong con người mình. Bởi hiện nay, chế độ thù lao cho nghệ sĩ opera còn rất hạn chế.
"Nếu không yêu nghề thì chắc không nghệ sĩ nào dám nhận lời tham gia", NSND Quốc Hưng thổ lộ, đồng thời luôn mong những học trò có đủ tố chất theo opera của mình sẽ không chệch khỏi con đường âm nhạc chính thống, bởi lẽ làng opera Việt rất khan hiếm những giọng ca.