Sẵn sàng triển khai các cách làm mới để phát triển du lịch nông thôn
Phát triển du lịch nông thôn Quảng bá du lịch nông thôn Hội nghị quốc tế về Du lịch nông thôn tại Quảng Nam |
Phát triển du lịch nông thôn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho rằng: “Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quan tâm đầu tư phát triển du lịch theo hướng xanh, thân thiện và bền vững. Hiện nay có rất nhiều hình thức, mô hình du lịch phong phú, đa dạng như: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá, du lịch chữa bệnh,…Trong đó du lịch nông thôn ngày càng phổ biến và phát triển”.
Phát triển du lịch nông thôn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, tôn vinh, bảo tồn và phát triển lan tỏa các giá trị độc đáo của địa phương góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. “Đặc biệt tổ chức UN Tourism đã triển khai chương trình du lịch vì sự phát triển của nông thôn nhằm góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, văn hóa; trao quyền cho cộng đồng và tạo công ăn việc làm. Đây là một chương trình hết sức ý nghĩa và phù hợp với 3 nhu cầu phát triển bền vững là kinh tế - xã hội và môi trường. Điều này cũng phù hợp với chiến lược phát triển và tiềm năng phát triển, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội của Việt Nam, với định hướng phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số”, Phó Thủ tướng nhìn nhận.
Bà Zoritsa Urosevic, Phó Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (thứ 4 từ phải sang) trao chứng nhận “Làng du lịch tốt nhất năm 2024” cho đại diện làng rau Trà Quế, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết |
Thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển du lịch nói chung, du lịch nông thôn nói riêng, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải có hướng tiếp cận tổng thể nhằm đảm bảo thống nhất giữa nhận thức và hành động về phát triển du lịch nông thôn bền vững.
Ngoài chiến lược phát triển đặt trọng tâm vào việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái và di sản văn hóa địa phương cùng với phát triển kinh tế, phát triển du lịch nông thôn cần đặt lợi ích lâu dài của cộng đồng địa phương lên trước hết, cung cấp các giá trị đích thực cho du khách đồng thời tôn trọng, bảo tồn các giá trị cốt lõi, tốt đẹp, đặc sắc của khu vực nông thôn. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ những mô hình tốt, những cách làm hay để phát triển du lịch nông thôn.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần thúc đẩy hợp tác quốc tế và đẩy mạnh quan hệ đối tác công tư trong phát triển du lịch nông thôn, trong đó, thiết lập được mạng lưới kết nối giữa các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, nhà đầu tư và cộng đồng người dân địa phương.
Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hợp tác tích cực với cộng đồng quốc tế và Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc triển khai những sáng kiến, cách làm mới để phát triển du lịch nông thôn theo phương châm “mỗi làng một sản phẩm”; “mỗi người dân là một đại sứ du lịch”; “mỗi địa phương - một sản phẩm du lịch đặc sắc”.
Thay đổi bộ mặt của nông thôn Việt Nam
Trước đó, chia sẻ tại phiên khai mạc buổi sáng của Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hồ An Phong bày tỏ niềm vui và tự hào khi Việt Nam là đất nước vinh dự đăng cai, đồng hành với UN Tourism tổ chức Hội nghị với mục tiêu xác định thách thức, chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác du lịch nông thôn. Hội nghị thảo luận và định hướng các chính sách phát triển du lịch nông thôn bền vững, đảm bảo phân phối công bằng lợi ích du lịch, tạo việc làm, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, hòa nhập xã hội.
Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, khu vực nông thôn sở hữu đa dạng các di sản văn hóa và thiên nhiên đặc sắc với nhiều giá trị đặc trưng khác biệt với khu vực đô thị, đó là cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những làng quê mộc mạc yên bình giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Đây là những tài nguyên quý giá cung cấp các giá trị trải nghiệm khác biệt, góp phần thu hút khách du lịch về khu vực nông thôn và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hồ An Phong |
Trên thực tế, hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, nhiều lợi thế về tài nguyên giàu bản sắc, trong những năm qua, Việt Nam đã quan tâm phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc, hấp dẫn; có khả năng thu hút khách du lịch, đem lại sự đa dạng trong cung ứng dịch vụ của du lịch Việt Nam; thúc đẩy kết nối tour tuyến, mở rộng không gian đón khách về nông thôn.
Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn cũng là nhân tố quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua chuyển đổi sinh kế, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, hỗ trợ duy trì được các nghề truyền thống, phát triển các sản vật địa phương có giá trị, tạo niềm tin gắn bó với quê hương và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thứ trưởng Hồ An Phong chia sẻ, thực tiễn những năm qua tại Việt Nam cho thấy, du lịch đã đóng góp không nhỏ việc làm thay đổi “bộ mặt” của nhiều vùng nông thôn, đưa nhiều vùng nông thôn hạn chế về điều kiện phát triển nhưng trở thành “vùng quê đáng sống”, du lịch nông thôn không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà còn bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp góp phần thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị.
Đồng quan điểm, bà Zoritsa Urosevic, Phó Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc tại sự kiện đã khẳng định: “Cộng đồng nông thôn trên thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng sở hữu những tiềm năng vượt trội như truyền thống văn hóa độc đáo, đa dạng sinh học và khả năng phục hồi. Du lịch là công cụ hiệu quả để khai thác các tiềm năng này, thúc đẩy hòa nhập xã hội, đổi mới và phát triển bền vững”.
Theo bà, ngành du lịch toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ, đạt mức tương đương năm 2019, và Việt Nam cũng ghi nhận những kết quả ấn tượng trong năm 2024. Du lịch nông thôn không chỉ đảm bảo sinh kế cho cộng đồng mà còn tăng cường bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
Hiện UN Tourism cũng đã triển khai “Chương trình du lịch vì sự phát triển nông thôn”, nhằm đưa du lịch trở thành động lực phát triển và nâng cao phúc lợi cho khu vực nông thôn; thúc đẩy vai trò của du lịch trong việc xác định giá trị và bảo vệ các khu vực nông thôn cùng với cảnh quan, hệ thống tri thức, đa dạng sinh học và văn hóa, các giá trị ở địa phương
Chương trình cũng nhằm mục đích thúc đẩy các phương pháp tiếp cận sáng tạo và biến đổi để phát triển du lịch ở các điểm đến nông thôn góp phần vào ba trụ cột bền vững - kinh tế, xã hội và môi trường - phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc.